Mặt trời chói lọi

1. Khi nói về Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người, chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế.

Giá trị lịch sử to lớn của Cách mạng Tháng Mười không chỉ có ý nghĩa riêng đối với nước Nga mà còn có ý nghĩa đặc biệt đối với toàn thế giới, thức tỉnh nhân loại trên con đường tự giải phóng để đi tới tương lai tự do, hạnh phúc, tươi sáng. Đảng Bôn-sê-vích (Nga) đã lãnh đạo cuộc Cách mạng thành công và đem đến cho nông dân, công nhân Nga niềm hạnh phúc, quyền tự do chưa từng có trong lịch sử là sự nhân ái, bình đẳng nam nữ, mọi người được giáo dục, khám chữa bệnh không mất tiền, bảo hiểm và an sinh xã hội, bình đẳng và quyền tự quyết dân tộc... Cuộc cải biến xã hội sau Cách mạng Tháng Mười với chính sách kinh tế mới của V.I.Lê-nin đã tạo ra tiền đề vật chất và tinh thần hùng mạnh cho chủ nghĩa xã hội. Từ một đất nước nghèo nàn lạc hậu, chỉ sau 20 năm, Liên Xô với 5% dân số và một phần sáu diện tích trái đất đã trở thành một nước công nghiệp chiếm tỷ trọng 10% kinh tế thế giới với tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm 17%. Chính nhờ sức mạnh đó, Đảng Cộng sản Liên Xô - sinh ra và tôi luyện trong Cách mạng Tháng Mười - đã trở thành Bộ tham mưu chiến lược, tổ chức được lực lượng to lớn giữ vai trò quyết định tiêu diệt chủ nghĩa phát-xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945), cứu nhân loại khỏi thảm họa hủy diệt, mở ra một hệ thống thế giới mạnh mẽ về kinh tế, chính trị và quân sự. Liên Xô trở thành thành trì chủ nghĩa xã hội gồm 15 nước cộng hòa trong Liên bang và 13 nước xã hội chủ nghĩa khác ở khắp thế giới, tạo nên một hệ thống chính trị đối trọng với chủ nghĩa tư bản. Liên Xô đi đầu thế giới mở đường khám phá vũ trụ và dùng năng lượng hạt nhân phục vụ đời sống con người, đồng thời là một cường quốc về khoa học.

2. Tuy nhiên, cuối năm 1991, Liên bang Xô-viết chính thức chấm dứt sự tồn tại với tư cách một nhà nước xã hội chủ nghĩa, một thực thể địa - chính trị thống nhất. Chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô sụp đổ, Đảng Cộng sản Liên Xô mất chính quyền. Nếu sự ra đời của Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên Tháng Mười năm 1917 đánh dấu sự thắng thế của tiến bộ trong lịch sử nhân loại, là mốc mở đầu một thời đại mới  - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, làm thay đổi diện mạo thế giới - thì sự sụp đổ của chính nhà nước ấy đã gây ra những hệ quả nghiêm trọng không những đối với các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, mà còn đối với đời sống chính trị thế giới nói chung. Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô là một sự kiện thế kỷ.

Từ sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và bài học từ sự thất bại của Đảng Cộng sản Liên Xô, có rất nhiều điều để chúng ta suy ngẫm. Vì sao chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô bị sụp đổ, Đảng Cộng sản Liên Xô bị mất vai trò lãnh đạo? Vì sao vào những năm 1916 - 1917, chỉ với khoảng 24 ngàn đảng viên mà Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga đã cùng với nhân dân Nga làm nên cuộc Cách mạng Tháng Mười long trời, lở đất, nhưng vào năm 1991, gần 20 triệu đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô lại không đứng lên bảo vệ Đảng khi Đảng lâm nguy? Đảng viên còn thờ ơ với vận mệnh của Đảng thì dân còn thờ ơ đến đâu?

3. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười là cội nguồn sâu xa dẫn tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và thắng lợi to lớn công cuộc đổi mới của Việt Nam hiện nay. Suy ngẫm từ sự sụp đổ Liên Xô và bài học từ sự thất bại của Đảng Cộng sản Liên Xô có rất nhiều cảnh báo đối với Đảng ta. Trong nguyên nhân chủ quan và khách quan thì nguyên nhân chủ quan là cơ bản. Thực tế cho thấy không một kẻ thù nào có thể lợi dụng bất kỳ lý do nào có thể làm Đảng thất bại trừ sự thoái hoá, biến chất của Đảng.

Khi Đảng cộng sản nắm quyền lãnh đạo đất nước, từ rất sớm, V.I. Lê-nin chỉ rõ những căn bệnh trở thành nguy cơ hiện hữu đe dọa sự tồn vong của chế độ xã hội mới và của Đảng. Đó là những căn bệnh cơ hội chủ nghĩa, kiêu ngạo cộng sản, quan liêu, tham nhũng, hối lộ, xa hoa, lãng phí, “mù chữ”... Người chỉ rõ: Nếu còn có thể hối lộ được, thì cũng không thể nói đến chính trị. Vì mọi biện pháp đều sẽ lơ lửng trên không trung, sẽ hoàn toàn không mang lại kết quả. Vì vậy, Đảng cần kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng để tẩy sạch các phần tử tha hóa, biến chất trong tổ chức của mình, nhằm làm trong sạch Đảng. Người cảnh báo: Toàn bộ công việc của tất cả các cơ quan kinh tế của chúng ta bị khốn khổ trước hết về tệ quan liêu... Nếu có cái gì sẽ làm tiêu vong chúng ta thì chính là cái đó.

Một vấn đề then chốt về xây dựng đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh là phải tăng cường xây dựng, củng cố mối liên hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân bởi cách mạng là sự nghiệp của nhân dân. Mỗi đảng viên, nhất là những cán bộ của Đảng, không những phải luôn thực hiện tốt công tác vận động nhân dân để tạo nên sức mạnh vô địch cho Đảng, mà còn phải thường xuyên học tập, rèn luyện để nâng cao trí tuệ, đạo đức nhằm xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh. V.I. Lê-nin từng khẳng định: Mỗi người cộng sản nếu không tự bôi nhọ đạo đức, thanh danh của mình, thì không kẻ nào có thể hạ thấp được vai trò và uy tín của họ. Tuyệt nhiên không một thế lực nào có thể phá vỡ được quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng và quần chúng nhân dân.

Trong thực tế thì sao? Kết quả khảo sát, nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Đảng Cộng sản Liên Xô tập trung quá mức quyền lực vào cơ quan đảng cấp cao tạo ra sự thụ động chính trị của quần chúng. Đảng biến bộ máy đảng hoặc thành cơ quan siêu quyền lực, thành cơ quan nhà nước, làm thay chức năng của cơ quan nhà nước. Đảng ngày càng xa rời nhân dân, thoát ly thực tiễn nên không nắm bắt được diễn biến đời sống chính trị - tư tưởng của quần chúng nhân dân và đảng viên. Hơn thế, Đảng lún sâu vào bệnh chủ quan, duy ý chí, quan liêu, nói không đi đôi với làm. Sự biến dạng của các thể chế dân chủ làm giảm sút rõ rệt khả năng tham gia tích cực và chủ động của quần chúng vào công việc quản lý nhà nước, tăng sự thờ ơ chính trị, kìm hãm sự phát triển của dân chủ đích thực- dân chủ cho mọi người lao động. Cách mạng Tháng Mười đem lại công bằng cho mọi tầng lớp nhân dân nhưng dần dần, Đảng dành cho mình quá nhiều đặc quyền, đặc lợi. Nhiều cán bộ cấp cao của Đảng trở thành những ông chủ với tài sản riêng rất lớn. Cá nhân và gia đình họ sống cuộc sống vương giả, cách biệt quá xa với đời sống của đảng viên và nhân dân. Sự tích tụ các biến dạng chính trị trong toàn bộ các hoạt động chính trị- xã hội là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự đổ vỡ của Đảng Cộng sản Liên Xô và của chế độ xã hội chủ nghĩa. Có thể khẳng định, sự thoái hoá, biến chất của Đảng là bài học sâu sắc nhất, Đảng mất dân là bài học đau đớn nhất của Đảng Cộng sản Liên Xô. Khi một đảng cầm quyền không còn đại diện cho lợi ích của nhân dân, không được nhân dân tin tưởng, thừa nhận, không có chỗ dựa nơi quần chúng nhân dân thì thất bại là điều không thể tránh khỏi.

Bài học từ thất bại của Đảng Cộng sản Liên Xô, sụp đổ của Nhà nước xô-viết là bài học nóng bỏng tính thời sự đối với Đảng ta. Hội nghị Trung ương  4 (khoá XI) ra Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" thể hiện sự đánh giá chính xác thực trạng và đề ra giải pháp khắc phục. Kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 có ảnh hưởng quyết định tới sự tồn vong của Đảng, của chế độ ta.

Phản hồi (1)

Nguyễn Văn Thành 08/11/2012

Tôi rất nhất trí với tác giả và Tạp chí cho rằng "sự thoái hoá, biến chất của Đảng là bài học sâu sắc nhất, Đảng mất dân là bài học đau đớn nhất của Đảng Cộng sản Liên Xô". Đây là hai bài học cốt tử đối với Đảng ta. Chính vì Đảng biến chất nên Đảng không còn là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, không còn đại diện cho lợi ích của dân, của nước, đảng đặc quyền đặc lợi nên xa rời nhân dân. Khi đã biến chất là Đảng sụp đổ, tan rã, khi lâm nguy đảng viên thường thờ ơ, nhân dân ngoảnh mặt. Trong Đảng ta hiện nay, một bộ phận không nhỏ đảng viên thoái hóa, biến chất, nếu không được ngăn chặn, đẩy lùi sẽ làm ô nhiễm Đảng và Đảng sẽ dần biến chất. Không phải Đảng ta không nhìn thấy. Chính vì thế nghị quyết Trung ương 4 ra đời và "Kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 có ảnh hưởng quyết định tới sự tồn vong của Đảng, của chế độ ta." Một kết luận quá hay.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất