Kinh nghiệm luân chuyển cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý của tỉnh Viêng Chăn (Lào)
Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng đảng. Xây dựng đội ngũ cán bộ là mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước Lào, nhằm đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới hiện nay và trong tương lai. Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 14-7-2003 về việc “Bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ”.

Nhìn chung đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở tỉnh Viêng Chăn đã được rèn luyện, trưởng thành qua hoạt động thực tiễn lãnh đạo, quản lý, nhiều người có thành tích xuất sắc trong công tác, chiếm được cảm tình và có uy tín trong quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, cán bộ có độ tuổi cao còn nhiều, cán bộ trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác. Một bộ phận đội ngũ cán bộ trẻ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Viêng Chăn quản lý mới trưởng thành qua đào tạo ở các trường đại học và qua thực tiễn công tác ở một ngành, một địa phương. Vì vậy, họ còn thiếu kiến thức của các chuyên ngành khác, nhất là sự hiểu biết toàn cục, vĩ mô của ngành, các địa phương khác. Họ còn nhiều hạn chế về vận dụng lý luận vào thực tiễn để giải quyết công việc được giao. Để khắc phục tình trạng trên, sau khi có Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 14-7-2003 của Bộ Chính trị về việc “Bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Viêng Chăn đã tích cực triển khai thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Trên cơ sở Nghị quyết số 02 và sự chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Viêng Chăn đã ban hành Kế hoạch Số 07-KH/TU, ngày 06-10-2003 về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý; tiếp theo, ngày 21-03-2009 ban hành Kế hoạch Số 44-KH/TU của Ban Tỉnh ủy về luân chuyển cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Tỉnh ủy Viêng Chăn đã xây dựng Đề án Số 01-DA/TU, ngày 25-07-2009 về thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý; ngày 10-08-2009, Thường vụ tỉnh ủy tiếp tục ban hành Kế hoạch Số 45-KH/TU về thực hiện Đề án công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Tỉnh ủy Viêng Chăn yêu cầu các địa phương, đơn vị trong tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai một cách cụ thể về luân chuyển cán bộ đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ. Với sự quan tâm và sự chỉ đạo tập trung, hàng loạt cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Viêng Chăn quản lý đã được luân chuyển từ sở, ngành này sang sở, ngành khác; từ tỉnh về huyện; từ huyện này sang huyện khác và ngược lại.

Trong gần 10 năm thực hiện, công tác luân chuyển cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý ở tỉnh Viêng Chăn đã dần đi vào nền nếp. Cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Viêng Chăn quản lý gồm có 314 cán bộ, trong đó đã luân chuyển 34 cán bộ. Qua luân chuyển đã giúp cán bộ diện Ban Thường vụ Viêng Chăn quản lý mở rộng tầm hiểu biết, có cơ hội để thực hiện năng lực của mình, trải nghiệm thực tiễn phong phú với cả thành công và thất bại, qua đó trưởng thành nhanh hơn. Hàng chục cán bộ diện luân chuyển hoàn thành tốt nhiệm vụ, được đề bạt, bố trí vào các chức vụ cao hơn, tăng cường cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh những cán bộ đã được đào tạo, rèn luyện vững vàng.
    
Qua thực hiện luân chuyển cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Viêng Chăn quản lý trong thời gian qua, cho thấy một số kinh nghiệm sau:

Một là, phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị và Hướng dẫn 359-HD/TCTW về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cấp, các địa phương, đơn vị, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, để tạo ra sự thống nhất về nhận thức và tạo sự chuyển biến mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Trong cấp ủy, tập thể lãnh đạo, các cơ quan làm công tác tổ chức - cán bộ; trong các cơ quan, đơn vị có cán bộ luân chuyển đi và đến, trước hết là trong Thường vụ Tỉnh ủy phải có sự thống nhất về nhận thức, sự hiểu biết thấu đáo, sâu sắc về chủ trương luân chuyển cán bộ. Muốn vậy phải quán triệt rộng rãi mục đích, yêu cầu, vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác luân chuyển cán bộ; từng tổ chức đảng đưa vấn đề luân chuyển cán bộ vào nghị quyết của tổ chức đảng; xác định rõ trách nhiệm của mỗi cá nhân và tập thể đối với công tác luân chuyển cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản  lý. Làm được như vậy sẽ tạo sự thông suốt và đồng tình ủng hộ của cán bộ, đảng viên và quân chúng nhân dân về chủ trương luân chuyển cán bộ của Đảng.

Hai là, phải xây dựng quy trình, kế hoạch luân chuyển khoa học, hợp lý. Để luân chuyển được cán bộ, thường phát sinh rất nhiều việc, từ khâu rà soát lại quy hoạch, lập danh sách cán bộ diện luân chuyển, tìm nơi luân chuyển đến, làm việc việc với cấp ủy, lãnh đạo nơi đi, nơi đến của cán bộ, các chế độ, chính sách đối với cán bộ luân chuyển, chuẩn bị cán bộ thay thế cho người luân chuyển đi… sẽ dẫn đến nhiều lúng túng, khó khăn khi đi vào giải quyết công việc cụ thể về quy trình bước đi… Vì vậy, trước khi thực hiện luân chuyển cán bộ cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng và phải xây dựng quy trình, kế hoạch luân chuyển khoa học, hợp lý. Việc thực hiện đúng quy trình, kế hoạch luân chuyển cán bộ sẽ giúp cho công tác luân chuyển cán bộ vừa phát huy được trí tuệ tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân; vừa tạo được sự thống nhất cao trong thực hiện nguyên tắc, quá trình tổ chức thực hiện luân chuyển cán bộ; giúp cho công tác luân chuyển cán bộ nhanh chóng đi vào nền nếp, trở thành việc làm thường xuyên.

Ba là, phải chú ý làm tốt công tác tư tưởng với cán bộ luân chuyển và cấp ủy, lãnh đạo nơi cán bộ luân chuyển đi, luân chuyển đến. Đây là việc làm rất ý nghĩa, vừa thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, lãnh đạo đối với cán bộ luân chuyển, vừa xác đinh rõ trách nhiệm, nghĩa vụ mà người cán bộ luân chuyển phải thực hiện. Sau khi Thường vụ tỉnh ủy phê duyệt danh sách quy hoạch cán bộ và luân chuyển cán bộ, cần phân công cụ thể từng lãnh đạo của tỉnh đến gặp gỡ, làm công tác tư tưởng cho cán bộ dự kiến được luân chuyển; trao đổi, cung cấp những thông tin cần thiết nơi cán bộ luân chuyển đến; nêu rõ mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ được giao để cán bộ luân chuyển định hướng công việc và có kế hoạch phấn đấu. Đồng thời, nghe cán bộ dự kiến luân chuyển phát biểu, đề đạt nguyện vọng. Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ trao đổi với cơ quan, đơn vị nơi cán bộ luân chuyển đến để thống nhất tư tưởng và chuẩn bị đón tiếp chu đáo. Cũng cần trao đổi với cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, địa phương, đơn vị nơi cán bộ luân chuyển đi và luân chuyển về mục tiêu, yêu cầu và ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác luân chuyển cán bộ để thống nhất kế hoạch luân chuyển và ổn định bộ máy của những nơi đó, tạo nên sự thống nhất nhận thức về công tác luân chuyển, tránh sự hiểu nhầm là không tin tưởng cán bộ tại chỗ hoặc coi cán bộ luân chuyển chỉ là cán bộ “thư viên”, để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác luân chuyển cán bộ.

Bốn là, tính toán kỹ để luân chuyển cán bộ đúng vị trí; cần chuẩn bị cho cán bộ đi luân chuyển kiến thức và kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Đối với số cán bộ nằm trong quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý đòi hỏi phải được chuẩn bị về kiến thức và năng lực lãnh đạo toàn diện, thì việc luân chuyển công tác đối với họ phải nhằm vào yêu cầu ấy. Một cán bộ được quy hoạch làm cán bộ chủ chốt của Tỉnh ủy hoặc huyện ủy, nhưng cán bộ này lâu nay chỉ công tác ở một ngành thì nên luân chuyển họ về công tác ở cương vị lãnh đạo toàn diện cấp dưới như về làm bí thư, chủ tịch một huyện, hoặc họ đã trải qua nhiều năm làm công tác Đảng, nhưng còn ít hiểu biết về công việc quản lý nhà nước thì luân chuyển sang làm công tác quản lý nhà nước, qua đó giúp cán bộ nắm được kiến thức, kinh nghiệm lãnh đạo toàn diện.

Đối với cán bộ nằm trong quy hoạch cán bộ quản lý ngành, doanh nghiệp… thì phạm vi luân chuyển nói chung nên trong ngành ấy, lĩnh vực ấy, không nên luân chuyển từ ngành quản lý này sang ngành quản lý khác xa lạ, trái ngược với ngành, nghề cán bộ được tạo, bồi dưỡng.

Nếu luân chuyển cán bộ không đúng chỗ, đúng việc thì kế hoạch luân chuyển cán bộ sẽ đổ vỡ, nhiệm vụ chính trị không hoàn thành và cán bộ đó không phát triển lên được. Vì vậy, trước khi xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ cần phải phân biệt những đối tượng cán bộ khác nhau để lựa chọn nơi luân chuyển phù hợp và có hiệu quả.

Trước khi đưa cán bộ đi luân chuyển cần tổ chức bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng lãnh đạo, quản lý cần thiết, giúp họ xây dựng chương trình, kế hoạch, ý tưởng cho công tác sắp nhận.

Năm là, để công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý nói chung, cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Viêng Chăn quản lý được tiến hành thuận lợi, cần thực hiện chế độ nhà công vụ và chính sách hỗ trợ cho cán bộ luân chuyển. Công tác luân chuyển thực sự có cơ sở thực hiện bền vững khi nó dựa trên hệ thống các chính sách, chế độ hỗ trợ phù hợp. Để công tác luân chuyển đi vào nền nếp thường xuyên, cần phải nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, chế độ này. Kết hợp giữa trung ương và địa phương, giữa nơi cán bộ luân chuyển đến; có thể tiêu chuẩn hóa, công khai hóa về các chính sách, chế độ đó, để tránh tình trạng lợi dụng luân chuyển cho các mục tiêu cá nhân, dễ phát sinh các hiện tượng tiêu cực như chọn nơi đến, chế độ khác nhau, thời gian khác nhau, thuận lợi và khó khăn khác nhau, sự quan tâm khác nhau… Sau thời gian luân chuyển, cán bộ phải được theo dõi, nhận xét, đánh giá mức độ trưởng thành. Nếu cán bộ có nhiều thành tích đóng góp, có nhiều sáng tạo trong công việc thì cần biểu dương, khen thưởng kịp thời, như: bổ nhiệm, đề bạt trước thời hạn, cử đi tham quan học tập ở trong nước hoặc ngoài nước.
    
Sáu là, hằng năm cần phải kiểm tra, đánh giá cán bộ và công tác luân chuyển, kịp thời nắm bắt những vấn đề mới nảy sinh trong đội ngũ cán bộ và công tác luân chuyển cán bộ, để chủ động giúp đỡ cán bộ khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy phải coi trọng kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức thực hiện để kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp luân chuyển sai quy định, lợi dụng luân chuyển để đạt những mục đích cá nhân. Để nâng cao hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ, định kỳ Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần tiến hành sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm việc thực hiện luân chuyển cán bộ.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất