Năm 2012 tiếp
tục là một năm sóng gió, tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh, phức
tạp, khó lường. Khủng hoảng kinh tế kéo dài. Hòa bình, hợp tác, hội nhập và
phát triển tuy vẫn là xu hướng chủ đạo nhưng xung đột, khủng bố, chạy đua vũ
trang đan xen, nhiều thách thức. Trong hoàn cảnh đó, hoạt động đối ngoại của Đảng
và Nhà nước ta được triển khai toàn diện, góp phần tích cực phát triển kinh tế,
bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước, nâng vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Việt Nam vẫn là điểm
đến tin cậy của bạn bè quốc tế. Trong năm, số lượng đoàn cấp cao của các nước
đến Việt Nam tăng mạnh với 31 đoàn, gấp 4-5 lần so với các năm. Đặc biệt, trong
tổng số 31 đoàn thì 11 đoàn là lãnh đạo của các nước Mỹ La-tinh. Có những nước
lãnh đạo cấp cao chưa bao giờ đến khu vực nhưng trong năm 2012 đã đến Việt Nam. Các chuyến
thăm đã mở ra nhiều cơ hội đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam với các
nước Mỹ La-tinh trên nhiều lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực mà hai bên có thế
mạnh và nhu cầu hợp tác phát triển. Điểm nhấn sôi động trong quan hệ hữu nghị
với bạn bè truyền thống là các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ
ngoại giao, 35 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác toàn diện với CHDCND Lào
và 45 năm quan hệ ngoại giao với Vương quốc Căm-pu-chia, quan hệ với Nga năm
2012 đã được nâng lên tầm đối tác chiến lược toàn diện.
Trên các diễn
đàn đa phương APEC, ASEM, đặc biệt ASEAN, hoạt động đối ngoại ghi dấu ấn tích
cực bằng những đóng góp thực chất, cụ thể và nhiều sáng kiến, được sự ủng hộ
rộng rãi thể hiện vị thế, vai trò ngày càng tăng của Việt Nam. Khi tình
hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, cùng với cộng đồng quốc tế, Việt Nam tuân thủ,
hành động theo các nguyên tắc xử lý trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước
Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS). Năm 2012, ASEAN và Trung Quốc đã
xây dựng được Tuyên bố chung kỷ niệm 10 năm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở
Biển Đông (DOC) và ASEAN đã ra tuyên bố 6 điểm về vấn đề Biển Đông. Đó là những
cơ sở pháp lý góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở Biển Đông và đặc
biệt giải quyết vấn đề Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đoàn kết người
Việt Nam và bảo hộ công dân
ở nước ngoài đã gắn kết người Việt Nam trên toàn thế giới. Hội nghị
người Việt Nam
ở nước ngoài lần 2 (9-2012) và chuyến đi thăm Trường Sa đầu tiên của đồng bào
Việt kiều đã giúp bà con ta ở nước ngoài hiểu rõ hơn về chính sách và quyết tâm
của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo. Ngoại giao
kinh tế đã góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư với
các đối tác, thu hút các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế của đất
nước. Hoạt động đối ngoại đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, bảo vệ
biên giới lãnh hải, lãnh thổ của Tổ quốc.
Sang năm 2013,
phía trước vẫn muôn vàn thách thức. Từ kết quả đã đạt được, từ kinh nghiệm thực
tế, bài học lớn rút ra trong quá trình cách mạng nước ta luôn có giá trị đối
với mọi thời kỳ, mọi giai đoạn, mọi lĩnh vực, đặc biệt trong đối ngoại. Đó là:
dĩ bất biến, ứng vạn biến. Bất biến chính là lợi ích dân tộc, độc lập, chủ
quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Trong mọi hoạt động của bất kỳ tổ chức, cá
nhân nào đều lấy cái bất biến để ứng phó với cái vạn biến.
Đó là kết hợp
sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại. Thời đại ngày nay là thời đại kinh
tế tri thức, thời đại cách mạng khoa học - công nghệ, chia sẻ thông tin toàn
cầu. Kết hợp được sức mạnh của đất nước với sức mạnh của khoa học công nghệ thế
giới là điều kiện để cùng bước phát triển với thế giới, không lỡ chuyến con tàu
lịch sử. Sức mạnh thời đại ngày càng mạnh bởi loài người ngày càng tỉnh táo nhận
biết và phản đối mọi mưu đồ xâm lược, áp bức và thống trị, đồng thời ủng hộ, cổ
vũ chính nghĩa. Vận mệnh các dân tộc liên quan chặt chẽ với nhau, không dân tộc
nào đơn độc trong cuộc đấu tranh vì lợi ích chính đáng và phẩm giá của mình.
Các nước lớn trên thế giới theo đuổi những mục tiêu và lợi ích không đồng nhất,
tạo ra thế kiềm chế lẫn nhau, không cho phép kẻ nào đơn phương lộng hành, bành
trướng, tạo nên thế cân bằng, môi trường hoà bình, điều kiện cho phát triển.
Đó là kết nối được lợi ích đất nước với lợi
ích khu vực và lợi ích toàn cầu. Sự chia sẻ hệ thống các lợi ích về kinh
tế, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, môi trường... phải
tối ưu hóa được các lợi ích quốc gia, cùng có lợi với các nước, tổ chức quốc tế
và khu vực trên cơ sở tuân thủ luật pháp nước ta và quốc tế. Giải quyết đúng
đắn mối quan hệ lợi ích dân tộc và lợi ích quốc tế đồng nghĩa với tăng cường
độc lập, tự chủ của Việt Nam trong hội nhập, tranh thủ được sự đồng tình, ủng
hộ và giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.
Đó là hợp tác đi liền với đấu tranh. Xu
thế lớn, xu thế chủ đạo ngày nay là hòa bình, hợp tác và phát triển. Trong đối
tác có đối tượng, trong đối tượng có đối tác. Trong hợp tác, do lợi ích dân tộc
giữa các đối tác không giống nhau, nên không thể hợp tác một chiều và trong hợp
tác có đấu tranh để đảm bảo lợi ích dân tộc là vạn biến dưới nhiều hình thức.
Thực hiện đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ, duy trì được trạng thái
cân bằng với các nước lớn, các trung tâm tài chính, kinh tế lớn, các nhóm, khối
nước khu vực có ảnh hưởng lớn trên thế giới.
Đó là chủ động tham gia vào các tiến trình
khu vực và quốc tế, cảnh giác và có các biện pháp phù hợp trong hội nhập quốc
tế. Độc lập, tự chủ không chỉ không bị phụ thuộc, áp đặt, lôi kéo, chi
phối, can thiệp vào công việc nội bộ hay bị động, bất ngờ trước những diễn biến
quan hệ quốc tế, mà còn là chủ động trong việc tham gia vào các nội dung, tiến
trình hoạt động của khu vực và quốc tế. Tham gia các cơ chế hợp tác chính trị,
an ninh, kinh tế song phương và đa phương vì lợi ích quốc gia trên cơ sở tôn
trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc.
Chủ động tham gia vào các tiến trình hoạt động quốc tế, với tư cách là người
trong cuộc để có các dự báo chiến lược và trực tiếp đề xuất những sáng kiến của
mình trong các thỏa thuận quốc tế, tranh thủ tối đa sự ủng hộ, hạn chế thấp
nhất những khác biệt, bất đồng... Đồng thời, có sáng kiến, đề xuất được cộng
đồng quốc tế chấp nhận.
Đó là xây dựng thực lực mạnh. Chủ tịch
Hồ Chí Minh khẳng định: Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Tư tưởng này
khẳng định bản chất, nguồn gốc cũng như điều kiện của sức mạnh đối ngoại Việt Nam là thực
lực. Để có độc lập, tự chủ về đối ngoại luôn cần ổn định chính trị - xã hội,
kinh tế tăng trưởng bền vững, quốc phòng - an ninh vững mạnh, đội ngũ cán bộ
lãnh đạo, quản lý trung thành và chuyên nghiệp. Đặc biệt đoàn kết toàn dân,
phát huy lòng yêu nước nồng nàn của mỗi người dân vào công cuộc xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc. Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là kết quả dĩ bất
biến để ứng vạn biến cho “non sông ngàn thủa vững âu vàng”.
Thu Nga