Được thành lập ngày 15-11-1955, Đảng Dân chủ Tự do (tiền thân là Đảng Tự do được thành lập ngày 9-11-1945) là đảng lớn nhất trên chính trường Nhật Bản. Từ khi thành lập đến tháng 8-1993 là 38 năm liên tục, Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền ở Nhật Bản. Do xuất hiện tình trạng tham nhũng và nội bộ chia rẽ nên Đảng Dân chủ Tự do đã mất quyền lãnh đạo trong cuộc bầu cử ngày 9-8-1983. Từ sau thời điểm này, có thời gian Đảng Dân chủ Tự do không phải liên minh với đảng nào để có thể cầm quyền nhưng nhiều giai đoạn, Đảng phải liên minh với đảng khác mới chiếm đa số ghế trong Quốc hội để thành lập nội các.
Trong cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản ngày 16-12-2012, Đảng Dân chủ Tự do dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Đảng - ông Sin-dô A-bê - đã giành chiến thắng và ngày 26-12-2012, tại phiên họp toàn thể của Quốc hội ông đã được bầu làm Thủ tướng với hơn 70% số phiếu tán thành.
Nhiệm vụ của Chính phủ mới của Thủ tướng A-bê được cho là tập trung vào khôi phục kinh tế, tái thiết vùng đông-bắc bị ảnh hưởng bởi động đất - sóng thần cũng như sự cố hạt nhân Phư-cư-si-ma năm 2011. Chính sách đối ngoại, ông A-bê nhấn mạnh trọng tâm tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ và cải thiện quan hệ với các nước láng giềng, tăng cường vị thế quốc tế và khu vực thông qua việc tích cực hội nhập quốc tế, tham gia đóng góp vào các hoạt động đa phương (APEC, ASEAM, ASEAN, G8, G20, ARF, EAS, OECD, Nhật Bản - Mê Công…), giải pháp cho các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Việt Nam là nước ngoài đầu tiên Thủ tướng Nhật Bản đến thăm nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản mở rộng trên nhiều lĩnh vực, thiết thực và hiệu quả. Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam nhiều năm qua và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Ðến nay, Nhật Bản là nhà đầu tư số một tại Việt Nam về tổng vốn đầu tư và vốn đã giải ngân, là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam. Hai nước phấn đấu tăng gấp hai lần kim ngạch thương mại song phương vào năm 2020, từ 21,181 tỷ USD (2011). Nhật Bản là nhà cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam. ODA của Nhật Bản chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Từ năm 1992 đến năm 2011, Nhật Bản đã cam kết gần 20 tỷ USD vốn vay ODA giúp Việt Nam. Trong năm tài khóa 2011 (kết thúc vào ngày 31-3-2012), Nhật Bản dành cho Việt Nam khoản ODA vốn vay tương đương 2,8 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay. Hợp tác Việt Nam, Nhật Bản trong các lĩnh vực khác: Khoa học, công nghệ, lao động, du lịch, giáo dục - đào tạo, văn hóa thông tin, lãnh sự... ngày càng thu được thành quả thiết thực. Các địa phương hai nước được thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ. Hai bên tích cực khai thác thế mạnh của nhau, hỗ trợ nhau trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi.
Việt Nam và Nhật Bản hợp tác tốt tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, WTO, APEC, ASEM, hội nghị cấp cao Ðông Á (EAS), ASEAN+3 v.v.; tích cực tham gia nỗ lực chung đối phó những thách thức và các mối đe dọa mới, duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Hai nước lập ủy ban Hợp tác Việt - Nhật do hai Bộ trưởng Ngoại giao làm đồng chủ tịch. Nhật Bản ủng hộ đường lối đổi mới, mở cửa của Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam hội nhập vào khu vực và thế giới.
Với việc trở lại của Đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản, Nhật Bản càng coi trọng thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược song phương, tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, góp phần giữ gìn hoà bình, ổn định, phát triển thế giới.
Đặng Thu Nga