Tình hữu nghị bên dòng Sông Mã
Đoàn cán bộ huyện Sông Mã sang thăm và làm việc tại huyện Mường Ét.
Sau 3 tiếng đồng hồ đi bằng xe máy từ thành phố Sơn La, chúng tôi đã có mặt tại huyện biên giới Sông Mã “chung núi chung sông... chung núi đồi biên giới” với nước bạn Lào anh em. Chẳng vậy mà mỗi khi nhắc tới mối tình hữu nghị đặc biệt, sắt son của hai nước Việt - Lào, người dân hai huyện Sông Mã và Mường Ét luôn tự hào với truyền thống từ xa xưa. Đặc biệt, tại vùng biên này, người dân hai biên giới thường tự hào nói “Pết bản Đán, Hán Chiềng Khương” (Vịt bản Đán, ngan Chiềng Khương. Nghĩa là, nếu muốn thưởng thức vị ngon, ngọt, thơm của thịt vịt thì phải là giống vịt lùn, cổ xanh của bà con cụm bản Đán, huyện Mường Ét, Lào. Còn nói về thịt ngan ngon, mềm và thơm thì phải là giống ngan địa phương của người dân các bản thuộc xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã). Không biết câu nói này có từ bao giờ, chỉ biết rằng hai loại gia cầm uống chung nước một dòng sông từ bao đời nay đã được người dân hai bên thường xuyên trao đổi, mua bán...  

Trong kháng chiến chống Mỹ, cùng với nhân dân các bộ tộc Lào anh em, nhân dân các dân tộc huyện Sông Mã đã trực tiếp tham gia và chi viện cho cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân Lào như: Thành lập một đại đội du kích sang chiến đấu giúp nước bạn Lào; tham gia vận chuyển 1.800 tấn lương thực, hàng hoá, đạn dược, huy động gần 13.000 lượt người với hơn 55.000 ngày công sang giúp nước bạn ... Từ năm 2002, sau khi ký cam kết thực hiện hiệp định quy chế biên giới quốc gia và hợp tác cùng phát triển với huyện Mường Ét, bạn đã sang thăm, làm việc tại Sông Mã 20 lần; huyện đã thành lập 8 đoàn công tác sang thăm, làm việc bên bạn. Ngoài ra, Sông Mã còn giúp bạn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như các mô hình sản xuất, giúp bạn chuyển đổi tập quán canh tác; tổ chức và duy trì thường xuyên lịch giao ban giữa các xã, bản giáp ranh, giữa các lực lượng vũ trang và hai huyện; tổng giá trị xuất nhập khẩu 5 năm gần đây giữa Sông Mã với Mường Ét đạt gần 16 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2000 - 2012, hai huyện đã tạo điều kiện cho trên 160 ngàn lượt người xuất, nhập cảnh vùng biên giới qua lại thăm thân nhân, du lịch, hợp tác phát triển kinh tế; 6.000 lượt ô tô và trên 50 ngàn lượt xe máy qua lại cửa khẩu quốc gia Chiềng Khương. Ngoài ra, Sông Mã còn đăng ký kết hôn cho 118 người có quốc tịch Lào xin nhập quốc tịch Việt Nam; khám, chữa bệnh cho hàng ngàn lượt người dân nước bạn; phối hợp cùng với Mường Ét phát hiện, bắt giữ 17 vụ liên quan tới ma tuý. Những hoạt động hợp tác trên đã góp phần hiệu quả vào việc tạo dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, thắt chặt an ninh biên giới, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Khu vực biên giới hai nước không còn tình trạng xâm canh, xâm cư, nhân dân hai bên luôn đoàn kết, gắn bó keo sơn, hỗ trợ và giúp đỡ nhau cùng phát triển...  

           

                 
Hằng năm, có khoảng 60 chuyến xe chở dưa của bà con huyện Mường Ét (Lào) sang bán tại huyện Sông Mã (Sơn La).

Để cảm nhận rõ mối tình hữu nghị đặc biệt đôi bờ Sông Mã, chúng tôi đã có mặt tại xã Chiềng Khương, nơi có cửa khẩu quốc tế Chiềng Khương. Đây không chỉ là nơi nhân dân các dân tộc hai bên thường xuyên qua lại, trao đổi hàng hoá, thăm thân, mà còn là nơi từng diễn ra nhiều sự kiện quan trọng giữa hai nước Việt - Lào. Chúng tôi đã được nghe nhiều chuyện về những mối tình đã đơm hoa kết trái giữa nam nữ thanh niên Việt - Lào từ bao đời nay. Chị Vi Thị Thân (tên tiếng Lào là Nang hoà Bua si), bản Chiềng Khương, xã Chiềng Khương, lấy chồng và nhập quốc tịch Việt Nam từ năm 1988 tâm sự: Gia đình tôi đều ở bản Nà Viềng, thị xã Sầm Nưa (Hủa Phăn). Hằng năm, họ hàng hai bên vẫn qua lại thăm nhau. Hai vợ chồng quen nhau đầu tiên là ở chợ Sầm Nưa, giờ đã làm dâu ở Việt Nam được gần 25 năm, đã thật sự gắn bó với nơi đây. Vợ chồng tôi đã có 2 con dâu và 1 cháu nội, gia đình sống rất hạnh phúc...

Câu chuyện làm dâu Việt Nam của chị Vi Thị Thân, dân tộc Lào chỉ là một trong nhiều câu chuyện đẹp về những mối tình Việt - Lào đã được trai, gái hai bên tạo dựng. Những mối tình đẹp đó không chỉ khẳng định tình cảm máu thịt từ bao đời nay đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hn dày công vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, đúng như lời hát trong “Bài Ca Việt - Lào”: “...Một lòng tranh đấu, dẫu núi cao suối sâu ta nguyện bên nhau; như rễ chung cây, xiết chặt chúng ta hướng về tương lai; Việt - Lào anh em, vai sát vai tiến lên xây dựng ngày mai...”.  

Nhắc tới Chiềng Khương, chúng ta không thể không nhắc tới tới công trình kênh mương hữu nghị được xây dựng từ năm 1978, cung cấp nước tưới cho hơn 100 ha ruộng của cụm 8 bản thuộc huyện Mường Ét và 15 ha ruộng của 2 bản thuộc xã Chiềng Khương. Cách đây 34 năm, trong buổi lễ khánh thành kênh mương hữu nghị Chiềng Khương, đồng chí Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Hủa Phăn đã nắm chặt tay đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La xúc động đọc bài thơ, lược ý rằng: “Nhân dân hai tỉnh chúng ta/Làm nương chung rẫy/Làm ruộng chung bờ/Uống chung dòng nước/Cạn chum rượu cần/Hạt muối chia đôi/Cọng rau bẻ nửa/Việt - Lào Sa-ma-khi - Phi Sệt !”. Cũng trong ngày hôm đó, dưới ánh trăng rằm, cán bộ, nhân dân và đoàn đại biểu hai tỉnh Sơn La - Hủa Phăn đã cùng nhau đoàn kết trong tiếng trống lăm vông, vòng xoè quanh đống lửa hồng và vầng trăng tròn cũng sà xuống lung linh, sóng sánh trên mặt hồ, như tiếp thêm sức mạnh cho khối đại đoàn kết đặc biệt Việt - Lào nói chung, Sông Mã - Mường Ét nói riêng mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững…  

Tình hữu nghị Việt – Lào đã được đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Hủa Phăn tiếp tục khẳng định trong lễ cắt băng khánh thành công trình đầu tư, cải tạo lại bến phà Mường Ét năm 2006: Hai tỉnh Hủa Phăn - Sơn La vốn có truyền thống đoàn kết, láng giềng từ lâu đời, trên tinh thần hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa, đồng cam cộng khổ, không rời xa nhau. Thời kỳ chiến tranh, quân đội và nhân dân hai nước và hai tỉnh, hai huyện biên giới đã cùng kề vai sát cánh bên nhau, cùng chung một chiến hào, cùng chiến đấu đánh đuổi kẻ thù chung. Máu của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân hai nước, hai tỉnh, hai huyện đã tô thắm thêm trang sử vẻ vang của hai dân tộc Việt - Lào. Sự hợp tác toàn diện của chúng ta sẽ càng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu...


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất