Đó là câu nói cửa miệng của cư dân quê tôi. Thoạt đầu mới nghe, ai cũng cứ tưởng đó là điều vô lý, nhưng lại là sự thật. Để làm rõ thực hư, chúng tôi đã trực tiếp đi khảo sát một số địa phương, thì đều có hiện tượng tương tự. Tại sao lại gọi “đảng viên ngoài chi bộ”? Có nghĩa là có một số người, chắc chắn trước đây họ là đảng viên. Nhưng nay không rõ lý do gì, mà họ lại không tham gia sinh hoạt đảng ở một tổ chức đảng nào cả, vào những ngày chi bộ sinh hoạt định kỳ, hoặc đảng viên tập trung học nghị quyết của Đảng, thì số đảng viên này hầu như vắng mặt. Đành rằng số này tuy không đông, nhưng khá phổ biến. Do đó, quần chúng nhân dân nhìn vào và gọi họ là “đảng viên ngoài chi bộ”.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã 87 năm, nhiều lớp đảng viên kiên cường, dũng cảm, không quản ngại gian khổ, hy sinh, chiến đấu quên mình vì lý tưởng cộng sản. Ngày nay, trong thời bình, phát huy truyền thống cách mạng, nhiều đảng viên dù tuổi đã cao nhưng luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, giữ vững mối quan hệ mật thiết với Đảng, tham gia sinh hoạt đảng đều đặn, giữ vững phẩm chất đạo đức và đi đầu trong thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Nhìn vào thực tế trên địa bàn dân cư hiện nay, bên cạnh những điểm sáng, mặt tích cực như trên, còn có hiện tượng đáng được cấp ủy và đảng viên quan tâm. Đó là hiện tượng đảng viên muốn xa rời Đảng, hời hợt trong sinh hoạt Đảng, tập trung vào các thành phần:
Một là, số đảng viên công tác ở công ty, xí nghiệp tư nhân mà ở đó chưa có tổ chức đảng, họ gửi hồ sơ sinh hoạt đảng về nơi cư trú, và với lý do bận công tác nên số đảng viên này sinh hoạt đảng thất thường, sinh hoạt định kỳ chỉ đạt từ 30-40%, nghĩa là 3-6 lần/năm. Còn sinh hoạt, học tập thì gần như không tham dự. Do ở xa, cấp ủy không phân công nhiệm vụ cụ thể, và gần như cũng không “quản lý” được số đảng viên này. Thế nhưng, khi bình xét, đánh giá, phân loại đảng viên cuối năm, số đảng viên này vẫn cứ “hoàn thành nhiệm vụ” như nhiều đảng viên khác.
Hai là, một số đảng viên về hưu, dù tuổi đời chưa cao, có khi chỉ mới về hưu, tức là độ tuổi 55 đối với nữ, 60 đối với nam. Thế nhưng, họ vin vào Điều 7, Điều lệ Đảng “đảng viên tuổi cao, sức yếu…” để làm đơn miễn sinh hoạt đảng. Mặt khác, chi ủy, chi bộ xét thấy số đảng viên này không thiết tha với Đảng, nên cũng chấp thuận. Điều đáng nói, là trong số đảng viên này, có người thậm chí xin nghỉ sinh hoạt đảng, nhưng các tổ chức quần chúng khác họ vẫn tham gia. Có người còn viết đơn xin vào hội Cựu Chiến binh...
Ba là, số đảng viên về hưu nhưng chỉ nộp giấy cung cấp tài chính để nhận lương, mà không nộp giấy chuyển sinh hoạt đảng để tiếp tục sinh hoạt đảng. Trong đó có cả cán bộ chính trị trong quân đội, hiệu phó, hiệu trưởng trường THCS. Như vậy, nếu theo Điều 8, Điều lệ Đảng, số đảng viên này đã tự ý bỏ sinh hoạt đảng mà không có một hình thức kỷ luật Đảng nào. Với những biểu hiện trên, không những làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, danh dự của những đảng viên chân chính mà còn tác động xấu đến sự phấn đấu của lớp đảng viên trẻ và thu hút lực lượng thanh niên vào Đảng.
Về nguyên nhân thì có nhiều, nhưng với hai nguyên nhân chính, cơ bản, cần được khắc phục. Đó là: một số đảng viên cơ hội, vụ lợi với động cơ vào Đảng để được “thăng quan phát tài”, cộng với đó là sự yếu kém trong tu dưỡng, rèn luyện, nên dẫn đến thoái hóa về phẩm chất chính trị và đạo đức, lối sống. Đây là biểu hiện sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng hiện nay mà nhiều nghị quyêt của Trung ương và cấp ủy đảng các cấp gần đây đã chỉ ra. Nguyên nhân thứ hai là sự quản lý lỏng lẻo và sự giáo dục thiếu chặt chẽ của các TCCSĐ. Mặt khác, nội dung sinh hoạt chi bộ nghèo nàn, xơ cứng làm cho đảng viên không hứng thú, ngại tham gia sinh hoạt đảng.
Trước thực trạng đó, thiết nghĩ các cấp ủy đảng cần quán triệt thực hiện tốt Chỉ thị 10/CT-TW ngày 30-3-2007 của Ban Bí thư Trung ương về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, Hướng dẫn 09-HD/BTCTW ngày 2-3-2012 của Ban Tổ chức Trung ương về “Nội dung sinh hoạt chi bộ”. Qua đó, đưa chi bộ về đúng vai trò, vị trí, là nơi quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên, là pháo đài chiến đấu của Đảng. Trên cơ sở những nội dung cơ bản đã được ghi trong Điều lệ Đảng, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, cấp ủy các cấp cần cụ thể hóa nội dung sinh hoạt phù hợp từng loại hình tổ chức cơ sở đảng và thực tế chi bộ mình, làm sao để nội dung dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc để mỗi đảng viên dễ tổ chức thực hiện. Tránh tình trạng nghị quyết, chỉ thị nhiều nhưng không phổ biến đến đảng viên hoặc có phổ biến nhưng qua loa, hình thức, không đầy đủ. Có như thế, đảng viên và Đảng mới gần gũi, gắn bó mật thiết, đảng viên mới rèn luyện và phấn đấu để luôn là đội tiên phong của Đảng.
Chu Bá Lãn
Đường Hải Thượng Lãn Ông, thành phố Vinh, Nghệ An