Những ngày vừa qua, dư luận quan tâm việc đại biểu quốc hội Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khóa XIII đã quyết định trả lại phòng làm việc và xe công vụ trước 2 tháng. Đại biểu Lê Như Tiến nói: “Theo quyết định, tháng 10 tôi nghỉ hưu, nghĩa là tôi có tiêu chuẩn sử dụng xe công đến thời điểm đó. Nhưng tôi muốn bàn giao sớm từ đầu tháng 8 này để tạo điều kiện cho Văn phòng Quốc hội bố trí phòng làm việc, xe công cho đại biểu Quốc hội khóa mới sử dụng”. Các đồng chí Đinh Trịnh Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách, đồng chí Danh Út, đồng chí Mã Điền Cư, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc, đồng chí Đặng Đình Luyến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật…cũng đã trả xe công, bàn giao phòng làm việc trước thời hạn về hưu như đồng chí Lê Như Tiến. Số lượng đại biểu Quốc hội khóa XIII trong tiêu chuẩn sử dụng xe công và sắp về hưu như đồng chí Lê Như Tiến khoảng 20 người.
Trong khi vẫn có cơ quan, đơn vị “mượn” xe ô tô của các doanh nghiệp về dùng thì vừa qua, UBND tỉnh Ninh Bình đã từ chối nhận ba ô tô sang giá 6,6 tỷ đồng được Công ty Đầu tư Xây dựng và Thương mại Hoa Lư tặng. Đồng thời, tỉnh Ninh Bình có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị hủy bỏ văn bản yêu cầu xác nhận sở hữu nhà nước (cấp biển xanh) trước đó.
Ở cấp lãnh đạo cao hơn, vừa qua, dư luận nhân dân rất hoan nghênh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố trong cuộc họp thường kỳ tháng 7 của Chính phủ, yêu cầu cán bộ nhiệm kỳ này phải đi đầu trong chống tham nhũng, chống lãng phí. Thủ tướng cho biết sẽ không mua ôtô mới, đồng thời hoan nghênh các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc việc không tặng hoa chúc mừng. “Với mấy chục thành viên Chính phủ mới thì có thể tiết kiệm hàng chục, hàng trăm lẵng hoa”. Đó là sự nêu gương của người đứng đầu Chính phủ. Người đứng đầu Đảng ta, từ mấy năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu gương không dùng xe ô tô mới mà vẫn dùng xe cũ của những đồng chí tiền nhiệm.
Từ giữa năm 2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Trong quy định trên không nói rõ ràng, cụ thể về việc cán bộ lãnh đạo phải nêu gương trong sử dụng xe công như thế nào. Nhưng những phát ngôn, việc làm tuy nhỏ, không phải là những việc gì quá to tát, của nhiều đồng chí lãnh đạo từ Trung ương đến các ngành, các cấp, các địa phương lại là những việc hợp lòng dân đã có tác động lớn đến xã hội.
Đó là thể hiện sự gương mẫu, nói đi đôi với làm của cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.
Thể hiện một bước cán bộ lãnh đạo, quản lý công khai, dân chủ, minh bạch của để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát” những người lãnh đạo và công bộc của mình.
Người dân tin hơn, phục hơn và kính trọng hơn những người lãnh đạo cụ thể, bằng xương bằng thịt nêu gương bằng hành động chứ không phải là những lời nói chung chung, trìu tượng nữa.
Như một phản ứng dây chuyền, từ những phát ngôn, việc làm của từng người lãnh đạo cụ thể sẽ tác động mạnh đến những tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương và những cán bộ lãnh đạo, quản lý khác. Dần dần sẽ tạo ra một phong trào.
Từ những năm 20 của thế kỷ XX, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Ở nước ta hiện nay, quần chúng, nhân dân rất mong ngày càng nhiều những “tấm gương sống” như thế.
Vũ Bình Minh