Thành phố Vĩnh Long có 7 phường, 4 xã, với 58 khóm, ấp. Đảng bộ thành phố có gần 4.000 đảng viên sinh hoạt tại 35 chi bộ, đảng bộ cơ sở trực thuộc (trong đó có 38 chi bộ khóm và 20 chi bộ ấp). Trong thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã có nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề trong sinh hoạt chi bộ đảng.
Thứ nhất, Ban Tổ chức Tỉnh ủy có hướng dẫn chung về sinh hoạt chuyên đề.
Hướng dẫn số 05-HD/BTC, ngày 5-3-2014 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Long nêu rõ: “Sinh hoạt chuyên đề (mỗi quý ít nhất một lần) là ngoài nội dung sinh hoạt chi bộ định kỳ để bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho đảng viên trong chi bộ, tùy điều kiện và nhiệm vụ cụ thể, chi ủy cần lựa chọn một số vấn đề bức xúc, xuất phát từ yêu cầu lãnh đạo của chi bộ trong từng thời điểm mà chi ủy chọn nội dung chuyên đề để tổ chức sinh hoạt nhằm nâng cao nhận thức, năng lực, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ và rèn luyện kỹ năng thuyết trình cho đảng viên”. Như vậy, sinh hoạt chuyên đề là hình thức sinh hoạt chỉ đi sâu thảo luận, giải quyết một vấn đề chi bộ thấy cần thiết, mang tính cốt lõi trong lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ đối với yêu cầu nhiệm vụ đang đặt ra.
Thứ hai, chi ủy xác định rõ nội dung sinh hoạt chuyên đề, tập trung vào những vấn đề bức xúc nổi lên trên địa bàn dân cư và trong chi bộ.
Chi bộ khóm thuộc các phường nên tập trung vào vấn đề công tác phát triển đảng viên; bảo vệ môi trường; xây dựng phường văn minh đô thị; thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, mừng thọ, tân gia; bảo đảm an ninh trật tự; quản lý đất đai; phòng chống tham nhũng, lãng phí…
Chi bộ ấp thuộc các xã, tập trung vào bàn về công tác phát triển đảng viên; sản xuất nông nghiệp; giải phóng mặt bằng; phòng chống các dịch bệnh trên người, gia súc, gia cầm; chung sức xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo; xây dựng khóm, ấp, xã văn hoá; phòng chống tệ nạn xã hội; bảo đảm trật tự an toàn giao thông...
Thứ ba, trong mỗi nhiệm kỳ, đảng ủy phường, xã cần tổ chức các phong trào hoạt động của các chi ủy chi bộ khóm, ấp với những hình thức đa dạng như: sinh hoạt chuyên đề trong giao ban, thi bí thư chi bộ giỏi, thi tìm hiểu những quy định của cấp ủy cấp trên về sinh hoạt chi bộ, tọa đàm, trao đổi về kinh nghiệm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, kinh nghiệm phát triển đảng viên, kinh nghiệm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Thứ tư, tổ chức tốt việc sinh hoạt theo chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Xây dựng tiêu chí về đạo đức, tác phong theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tác phong của cán bộ, đảng viên ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Chi ủy cần phân công đảng viên sưu tầm tài liệu về tấm gương đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh sát hợp với nhiệm vụ chính trị để phổ biến, học tập. Trong mỗi hội nghị sơ kết, tổng kết hoạt động của chi bộ, có bổ sung, hoàn thiện các tiêu chí về đạo đức, tác phong của cán bộ, đảng viên trong đơn vị; đồng thời từng tập thể, cá nhân viết bảng đăng ký làm theo với những việc làm cụ thể và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, các giải pháp thiết thực nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế, thiếu sót.
Thứ năm, trong chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên hằng năm cần có lồng ghép kiểm tra nội dung nâng cao sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề; giám sát tiêu chí xây dựng chi, đảng bộ trong sạch, vững mạnh… Trong đó, chú trọng xem xét, đánh giá việc tìm tòi, nghiên cứu, cải tiến nội dung và hình thức sinh hoạt chi bộ gắn liền với thực tiễn của cơ quan, đơn vị và phát huy tính tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Mai Nghĩa Nhân
Ban Tuyên giáo Thành ủy Vĩnh Long