Đảng bộ Yên Bái tập trung giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

Yên Bái là một tỉnh miền núi, nằm giữa vùng Tây Bắc và Đông Bắc, giữa miền trung du và thượng du của Bắc Việt Nam.  Tỉnh Yên Bái bao gồm 1 thành phố: Yên Bái, 1 thị xã: Nghĩa Lộ và 7 huyện: Yên Bình, Lục Yên, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên, Trạm Tấu, Mù Căng Chải; với tổng số 180 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn (157 xã, trong đó có 70 xã vùng cao, đặc biệt khó khăn được đầu tư theo các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước; 13 phường; 10 thị trấn) với 1943 thôn, bản, tổ dân phố (1668 thôn, bản; 275 tổ dân phố). Tính đến 30-6-2016 Đảng bộ tỉnh có 13 đảng bộ trực thuộc, 575 TCCSĐ (319 đảng bộ; 256 chi bộ), 3.287 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở với 51.082 đảng viên. Đến nay 100% thôn, bản, tổ dân phố đều có chi bộ. Chia theo các loại hình TCCSĐ: 180 đảng bộ cơ sở xã, phường, thị trấn; 156 đảng bộ, chi bộ cơ quan hành chính; 88 đảng bộ, chi bộ đơn vị sự nghiệp; 37 đảng bộ, chi bộ công an và 15 đảng bộ quân sự... Tuy nhiên, so với yêu cầu, chất lượng sinh hoạt chi bộ ở các chi bộ thôn bản vẫn còn những hạn chế, yếu kém:


Thứ nhất, về nội dung sinh hoạt chi bộ. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng ở một số chi bộ vẫn còn những mặt chưa tốt nội dung sinh hoạt còn chung chung mang nặng tính hình thức nên tác dụng nâng cao giác ngộ chính trị, tư tưởng, nhận thức về nhiệm vụ lãnh đạo của chi bộ và đảng viên còn nhiều hạn chế; việc học tập lý luận chính trị, đường lối, chính sách của Đảng chưa thiết thực, kém hiệu quả, nội dung không rõ ràng mang tính dàn trải; giới thiệu nghị quyết của Đảng cấp trên thường gò bó làm cho người nghe thiếu tập trung theo dõi, thiếu ghi chép; truyền đạt dưới dạng một chiều, ít tranh luận, thảo luận nên không làm rõ được vấn đề; sau học nghị quyết chưa chú trọng đến việc vận dụng xây dựng kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết cho cá nhân, tập thể cấp ủy và tổ chức đảng. Vì vậy, chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng công tác chính trị tư tưởng, đáp ứng yêu cầu tình hình mới; chưa tăng cường được sức chiến đấu cho cán bộ, đảng viên về mặt tư tưởng chính trị.

Nội dung sinh hoạt chi bộ chậm đổi mới, chưa thực sự gắn việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của của địa phương, với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; chưa lựa chọn được nhiều nội dung cần tập trung lãnh đạo để tổ chức sinh hoạt chuyên đề. Nội dung sinh hoạt ở một số ít chi bộ chưa có sự đổi mới, kém thiết thực; tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu của nhiều cuộc sinh hoạt chi bộ chưa thể hiện rõ. Nội dung sinh hoạt nghèo nàn, mang tính sự vụ, chủ yếu giải quyết các công việc nội bộ, nặng về bàn luận tình hình thời sự và phê phán tiêu cực ở cấp trên hay nơi khác. Chưa có nhiều nghị quyết chuyên đề để giải quyết các vướng mắc và bức xúc trong chi bộ, trong công tác lãnh đạo các tổ chức, đoàn thể nhân dân ở địa phương, đây là tình trạng đã được Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên, chỉ rõ: “Nhiều cấp ủy, đảng bộ, chi bộ... chưa thực hiện có nền nếp chế độ sinh hoạt đảng, nội dung sinh hoạt chi bộ chậm đổi mới” [28, tr.92].


Ở nhiều nơi, trong sinh hoạt chi bộ, chưa coi trọng đánh giá kết quả hoạt động của chi bộ trong tháng trước và kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện nghị quyết của chi bộ; Một số chi bộ tuy đã chú ý đến việc này, song chưa chỉ rõ những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân; chưa chú ý phát hiện, động viên kịp thời những điển hình tiên tiến và tổng kết kinh nghiệm. Chương trình hoạt động của chi bộ trong tháng tới thường nêu tên công việc, ít nêu biện pháp thực hiện, và còn sơ sài; nội dung sinh hoạt chủ yếu do đồng chí bí thư chi bộ chuẩn bị ít được thảo luận trong chi uỷ trước khi tổ chức sinh hoạt chi bộ. Ở nhiều nơi, trong sinh hoạt chi bộ còn coi nhẹ thảo luận, thậm chí không thảo luận, nặng về phổ biến, đọc các thông tin trong các ấn phẩm về công tác tư tưởng hoặc các văn bản chỉ đạo của cấp trên. Chưa chủ động xác định và xây dựng chuyên đề để tổ chức sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề. Nội dung của các cuộc sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề, chủ yếu do gợi ý của đảng uỷ cơ sở xã.

Thứ hai, về hình thức sinh hoạt chi bộ. Việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề còn ít chưa đúng, đủ theo quy định; vẫn còn tình trạng có tổ chức đảng chưa tổ chức sinh hoạt chuyên đề.

Sinh hoạt chuyên đề ở một số chi bộ còn hình thức, chưa thiết thực, việc lựa chọn nội dung sinh hoạt chung chung, chưa phải là những nội dung cần thiết, bức xúc đưa ra bàn để tìm giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Một số nội dung sinh hoạt chuyên đề chuẩn bị chưa đạt yêu cầu, đảng viên tham gia ý kiến ít sôi nổi, chưa đồng đều chỉ tập chung vào một số đảng viên nhất định, chủ yếu là đóng góp về câu từ, mà chưa làm rõ vấn đề hạn chế, nguyên nhân và giải pháp thực hiện, nhằm giải quyết các vấn đề đang đặt ra.

Một số báo cáo chuyên đề chưa phân tích, đánh giá đúng, đầy đủ, cụ thể những hạn chế, nguyên nhân nên việc đề ra giải pháp chưa cụ thể, sơ sài, không khả thi.

Thứ ba, về số lượng và chất lượng đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ. Ở nhiều đảng bộ, có chi bộ thôn, bản có số đảng viên vắng mặt trong sinh hoạt chi bộ còn nhiều, có chi bộ thôn, bản ở Đảng bộ huyện Trạm Tấu chỉ đạt 82,7% số đảng viên tham gia sinh hoạt; trong sinh hoạt một số đảng viên còn mất trật tự, còn trao đổi chuyện riêng; còn có nhiều đảng viên dự sinh hoạt không mang theo sổ ghi chép sinh hoạt, số ý kiến phát biểu mang tính phản ánh nhiều, chưa có nhiều ý kiến mang tính hiến kế các giải pháp thực hiện. Một số đồng chí bí thư chi bộ trong điều hành sinh hoạt chi bộ còn nhiều lúng túng, kết luận sinh hoạt chi bộ còn dài dòng...

Thứ tư, về việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng. Tính chiến đấu, tính lãnh đạo, tính giáo dục trong sinh hoạt chi bộ của nhiều chi bộ thôn, bản ở tỉnh Yên Bái còn mờ nhạt, nhất là về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình. Nghị quyết Trung ương 6 khóa X của Đảng về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, chỉ rõ: “Nhiều cấp ủy, đảng bộ, chi bộ chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng”. Trong sinh hoạt chi bộ thôn, bản, vẫn còn tình trạng một số đảng viên làm việc riêng, không tập trung phát biểu ý kiến xây dựng nghị quyết là tình trạng phổ biến. Cạnh đó, còn có tình trạng một số đảng viên không phát biểu ý kiến trong sinh hoạt chi bộ, sau đó lại phát biểu trái nghị quyết của chi bộ, của cấp ủy cấp trên, vi phạm kỷ luật phát ngôn của Đảng vẫn xuất hiện ở một số chi bộ.

Việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém, chất lượng thấp, phổ biến là né tránh, lựa chiều “dĩ hoà, vi quý”. Ở một số chi bộ thôn, bản vẫn còn tình trạng trong sinh hoạt chi bộ, một số đảng viên ngại phát biểu ý kiến khi có cán bộ lãnh đạo cấp trên tham gia sinh hoạt chi bộ. Trong sinh hoạt của một số chi bộ có biểu hiện xuê xoa, dễ dãi bỏ qua khuyết điểm của đảng viên, chưa mạnh dạn làm rõ những hạn chế, thiếu sót của từng đảng viên. Cạnh đó là tình trạng biến tự phê bình và phê bình trong một số cuộc sinh hoạt chi bộ thành những cuộc cãi vã, bới móc, nói xấu lẫn nhau. Chưa chủ động gắn tự phê bình và phê bình với việc phát hiện và đấu tranh chống tiêu cực.

Thứ năm, về quy trình sinh hoạt chi bộ. Việc ghi biên bản, nghị quyết của chi bộ còn chưa thống nhất. Cách ghi chép còn sơ sài, thiếu khoa học; không ít chi bộ ghi biên bản cùng với sổ sách sinh hoạt chuyên môn, sổ ghi chép công việc, cá biệt có chi bộ ghi vào sổ tay cá nhân. Việc báo cáo về sinh hoạt chi bộ cho đảng ủy xã của nhiều chi bộ còn chưa đầy đủ, kịp thời.

Thứ sáu về kết quả thực hiện nghị quyết chi bộ. Qua kiểm tra sổ ghi biên bản sinh hoạt chi bộ thôn, bản ở tỉnh Yên Bái cho thấy: Các nghị quyết, kết luận của nhiều chi bộ thôn, bản được khảo sát còn chung chung, chưa thiết thực, phần nhiều là "sao chép" nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy cấp trên hoặc vận dụng máy móc. Các nghị quyết, kết luận của nhiều chi bộ không gắn với tình hình kinh tế - xã hội ở thôn, bản, nên chất lượng nghị quyết thấp, không có ý nghĩa trong thực  tiễn.

Biện pháp chủ yếu   

Một là, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII; Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) và Hướng dẫn số 09- HD/BTCTW ngày 2-3-2012 của Ban Tổ chức Trung ương về nội dung sinh hoạt chi bộ. Nhất là từ khi có Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 15-8-2011 của Ban Chấp Hành Tỉnh uỷ về tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của của Đảng bộ giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020. Đề án số 07 -ĐA/TU ngày 30-11-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Yên Bái về nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp uỷ cơ sở và sinh hoạt chi bộ giai đoạn 2012-2015.

Các cấp uỷ huyện đã xây dựng được các chương trình, kế hoạch, đề án chuyên sâu triển khai thực hiện, như: Huyện uỷ Trấn Yên đã ban hành Kế hoạch số 35-KH/HU ngày 14-2-2013 của Ban Thường vụ Huyện uỷ về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong Đảng bộ huyện; Huyện uỷ Yên Bình ban hành hướng dẫn sinh hoạt chuyên đề về lãnh đạo công tác bầu cử trưởng, phó thôn nhiệm kỳ 2011-2013; Huyện uỷ Lục Yên ban hành kế hoạch và thành lập các tổ công tác trực tiếp về cơ sở để khắc phục các mặt hạn chế, yếu kém; Huyện uỷ Mù Cang Chải ban hành nghị quyết chuyên đề về kết nạp đảng viên, đề án về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thôn, bản...

Hai là, thực hiện đúng quy trình và đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ. Các cấp ủy phải thường xuyên duy trì chế độ sinh hoạt theo định kỳ và theo Điều lệ Đảng quy định “chi bộ, chi ủy chi bộ sinh hoạt thường lệ mỗi tháng một lần; họp bất thường khi cần”. Thực tế cho thấy nếu các tổ chức đảng thường duy trì nền nếp chế độ sinh hoạt thì sẽ có vai trò ý nghĩa quan trọng đối với chi bộ. Chi ủy và từng đảng viên trong chi bộ cần nhận thức sâu sắc và thực hiện tốt việc duy trì nền nếp sinh hoạt chi bộ chi bộ phải thống nhất sinh hoạt vào một ngày nhất định, trước khi sinh hoạt phải thông báo cho đảng viên biết cụ thể, thời gian, địa điểm sinh hoạt trước để đảng viên chủ động, bố trí thời gian và chuẩn bị ý kiến phát biểu.

Ba là, duy trì nền nếp sinh hoạt chi bộ, chi ủy; nâng cao chất lượng điều hành sinh hoạt chi bộ của chi ủy. Các cấp ủy đảng phải chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, nền nếp chế độ sinh hoạt định kỳ theo qui định của Điều lệ Đảng; chuẩn bị chu đáo nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ.

Mỗi chi bộ tùy theo điều kiện cụ thể mà qui định thời gian, địa điểm thích hợp, ổn định và thống nhất để đảng viên có ý thức thường xuyên. Chuẩn bị đến ngày sinh hoạt chi bộ, từng đảng viên chủ động sắp xếp công việc và tự kiểm điểm lại việc thực hiện nhiệm vụ được chi bộ giao trong tháng để báo cáo trước chi bộ và nhận nhiệm vụ mới đồng thời chuẩn bị ý kiến phát biểu.

Đảng viên trong chi bộ là cấp ủy cấp trên và chi ủy cần gương mẫu trong thực hiện chế độ sinh hoạt để đảng viên và cán bộ cấp dưới noi theo. Gương mẫu trong tự phê bình và phê bình, thẳng thắn, chân thành trong đấu tranh chống những quan điểm sai trái, hành vi tham nhũng, quan liêu, lãng phí và những tiêu cực khác trong chi bộ, đảng bộ. Chi bộ cần bố trí thời gian thích hợp để các đồng chí cán bộ đảng viên tham gia đầy đủ các cuộc sinh hoạt.

Năm là, thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng theo đúng qui định của Điều lệ Đảng. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt chi bộ theo hướng vừa mở rộng dân chủ, vừa tăng cường kỷ cương, kỷ luật, khắc phục bệnh hình thức. Xây dựng và thực hiện tốt qui chế làm việc của cấp ủy hoặc chi bộ. Trong đó phải qui định cụ thể chế độ sinh hoạt định kỳ, trách nhiệm của cấp ủy, trách nhiệm của đảng viên, việc bảo đảm các quyền của đảng viên, chế độ báo cáo, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, công tác kiểm tra, giám sát các mối liên hệ… Đảng viên dù ở cương vị nào cũng phải tham gia đầy đủ các kỳ sinh hoạt của chi bộ theo qui định của Điều lệ Đảng, kể cả các chi bộ có đảng viên là cán bộ cấp cao sinh hoạt. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của của cấp ủy viên, trước hết là bí thư trong việc chuẩn bị nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ. Nội dung sinh hoạt phải thiết thực, cụ thể, tránh hình thức. Những nơi có chi ủy cần phải duy trì chế độ hội ý cấp ủy và phân công cấp ủy viên chuẩn bị kỹ nội dung sinh hoạt chi bộ. Nơi chưa có cấp ủy, bí thư chi bộ phải trực tiếp chuẩn bị kỹ nội dung sinh hoạt chi bộ theo hướng dẫn của cấp trên và tình hình thực tế của chi bộ.

Sáu là, chăm lo bồi dưỡng phẩm chất và năng lực cho đội ngũ chi ủy; kiện toàn tổ chức chi bộ. Thông qua đại hội cần lựa chọn cho được đội ngũ cấp ủy viên, đặc biệt là đồng chí bí thư chi bộ có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ lãnh đạo, có như vậy công tác lãnh đạo của chi bộ mới đạt được hiệu quả, chất lượng hoạt động của chi bộ mới được nâng cao. Để nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy còn phải thường xuyên chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng, kinh nghiệm thực tiễn, kiến thức mới cho đội ngũ chi ủy viên trước hết là bí thư chi bộ.

Bảy là, nâng cao tính tiền phong và trình độ lý luận chính trị của đội ngũ đảng viên. Tăng cường công tác tư tưởng, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. 

Tám là, tăng cường sự lãnh đạo, hướng dẫn và kiểm tra của cấp ủy cấp trên đối với sinh hoạt chi bộ. Tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên mà trực tiếp là đảng ủy xã đối với chi bộ và sinh hoạt chi bộ thôn, bản nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thôn. Các đảng uỷ xã cần tiếp tục phổ biến, quán triệt đầy đủ, sâu sắc các nội dung chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên.  Đảng ủy xã tiếp tục xây dựng và hướng dẫn các chi bộ thôn, bản thực hiện những chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phù hợp với đặc điểm hoạt động của địa phương. Đảng ủy xã tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo chi bộ thôn, bản thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình.


Hoàng Xuân Bình
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất