Ngày 17-7-2019 Thanh tra Bộ Nội vụ đã ra Thông báo Kết luận thanh tra về việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý biên chế, tuyển dụng công chức; xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên, bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý…của UBND tỉnh Tuyên Quang.
Trong phần nội dung về bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, Thông báo chỉ rõ: tại thời điểm thanh tra còn 7 công chức thiếu chứng chỉ ngoại ngữ tương ứng với ngạch công chức, 2 công chức thiếu chứng chỉ quản lý nhà nước dành cho lãnh đạo sở hoặc nghiệp vụ chuyên ngành, 1 công chức có bằng chuyên môn hợp với vị trí việc làm và 1 trường hợp chưa có quyết định tuyển dụng công chức. Chưa được tuyển dụng công chức đã là cán bộ lãnh đạo, quản lý? Phải chăng đây là lần đầu tiên xảy ra trong công tác đề bạt cán bộ? Vì sao vậy? Những ai phải chịu trách nhiệm để xảy ra vi phạm?
Sẽ có lý do biện minh cho trường hợp vi phạm quy định này nhưng cho dù bất kỳ lý do nào cũng không thể chấp nhận được. Chính vì thế, Thanh tra Bộ Nội vụ đã kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang thu hồi quyết định bổ nhiệm. Đồng thời đề nghị rà soát điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục đối với các trường hợp được tuyển dụng, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo từ tháng 6-2012 đến nay. Như thế liệu đã đủ? Phải chăng cần làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc, có tính răn đe những cán bộ vi phạm dẫn đến quyết định bổ nhiệm sai trái.
Sự việc sai phạm ở Tuyên Quang tuy không lớn nhưng cho thấy dù đã có rất nhiều cố gắng đổi mới nội dung, cách làm trong công tác cán bộ nhưng nếu không được siết chặt, kiểm tra, giám sát, thanh tra trường xuyên, xử lý nghiêm khắc thì sai phạm vẫn tiếp tục xảy ra. Trách nhiệm trước tiên thuộc về người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và cơ quan tham mưu.
Bon Thái Bình