Con số có chính xác?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiến

Ngày 30-5-2013, tại phiên thảo luận của Quốc hội tại hội trường được truyền hình trực tiếp về kinh tế - xã hội năm 2012, đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) bức xúc khi đưa ra những con số vênh nhau, bất hợp lý. Theo đó, cuối năm 2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết nợ xấu khoảng 10%, trong khi số liệu Thanh tra Ngân hàng Nhà nước công bố là 8,6%, còn báo cáo tại kỳ họp Quốc hội lần này là 7,8%, nhưng Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia lại đưa ra con số 11,8%. Tháng 3-2013, Ngân hàng Nhà nước thông báo nợ xấu còn 6%. Con số nào chính xác? Cho đến giờ này, chúng ta thực sự không biết lượng tồn kho bất động sản là bao nhiêu: 200.000 căn hay 40.000 căn; 83.000 tỷ đồng hay 40.000 tỷ đồng; nợ công bằng 55% GDP hay cao hơn như nghiên cứu của Ủy ban kinh tế của Quốc hội và liệu có an toàn? Tại sao mỗi năm hơn 50.000 doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động, số doanh nghiệp còn lại phải giảm quy mô hoạt động ít nhất 30%, vốn đầu tư toàn xã hội càng ngày càng giảm mà con số báo cáo về tạo việc làm mới cứ đều đặn hằng năm 1,5 - 1,6 triệu người và tỷ lệ thất nghiệp hằng năm cứ giảm (2010: 2,8%; 2011: 2,22%; 2012: 1,99%)? v.v. Phát biểu của đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiến đã nhận được chia sẻ đồng tình của dư luận xã hội và nhiều chuyên gia kinh tế.

 
Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế-xã hội, trong các lĩnh vực khác cũng có thể chỉ ra không ít con số thống kê vênh nhau và khó xác định. Chẳng hạn, trong Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” khẳng định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...” nhưng không thể xác định “một bộ phận không nhỏ” ấy là bao nhiêu? Ở đâu? Và càng mâu thuẫn nếu đối chiếu với các con số đảng viên đủ tư cách ở các tổ chức cơ sở đảng trên toàn quốc thì chính họ mới là con số không nhỏ. Mà đã đủ tư cách thì không thể “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…!”.


Tương tự như vậy, Nghị quyết Trung ương 6 khoá X về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận định: “Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, khả năng nhận thức, vận dụng, cụ thể hoá và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và cấp uỷ cấp trên của nhiều tổ chức cơ sở đảng còn yếu, chưa đủ sức phát hiện, giải quyết những vấn đề phức tạp xảy ra ở cơ sở, có tổ chức đảng bị mất sức chiến đấu”.  Nhưng nếu đối chiếu với số lượng thống kê kết quả phân tích, đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng hằng năm sẽ cho kết quả ngược lại. Nhận định của Nghị quyết đúng hay số liệu thống kê chính xác?  Điều này đã được chính Nghị quyết kết luận: “Việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hằng năm còn hình thức, kết quả chưa thực chất”.


Nếu những con số trên mà biết nói, đây sẽ là “hình thức”, “chưa thực chất” phản ánh sự không chính xác trong các số liệu. Không chính xác thì làm sao đánh giá đúng tình hình, để đưa ra các giải pháp, cách xử lý đúng đắn, có hiệu quả? Trong nhiều nguyên nhân, có một nguyên nhân do bệnh thành tích, chạy theo chỉ tiêu. Để chữa căn bệnh này không chỉ bắt đầu từ cơ sở mà phải bắt đầu từ các cơ quan cấp cao, nhất là người đứng đầu cấp cao muốn công khai, minh bạch, muốn nghe lời nói thật, muốn biết tình hình thật, cho dù sự thật có đắng chát đến đâu.

Để các số liệu thống kê chính xác, một trong những giải pháp là phải chữa căn bệnh thành thích. Không chỉ bắt đầu từ cơ sở mà phải bắt đầu bắt đầu từ các cơ quan cấp cao, từ những người đứng đầu muốn nghe lời nói thật, biết sự thật để có giải pháp khắc phục hữu hiệu cũng như bác sỹ phải chuẩn đoán đúng bệnh, kê đơn trúng mới chữa khỏi bệnh.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất