Ngày 9-8-2012 Lãnh đạo Công an TP. Cần Thơ cho biết Đại úy Trương Hoài Phú - cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra về trật tự kinh tế và chức vụ Công an thành phố bàn giao số tiền 100 triệu đồng cho cơ quan điều tra. Số tiền này do ông Lương Quang Minh, nguyên Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Cần Thơ - Hậu Giang đem đến nhà đại úy Trương Hoài Phú khi đại uý không có nhà. Đại úy Phú là cán bộ trực tiếp điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Cty TNHH An Khang, Khu công nghiệp Trà Nóc, TP. Cần Thơ. Trong đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Cần Thơ - Hậu Giang có dấu hiệu sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng.
Đây là một trong nhiều vụ chạy tội mà các văn bản của Đảng thống kê trong các loại chạy: chạy án, chạy chức, quyền… của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Những kiểu chạy này góp phần đưa Việt Nam thuộc những nước có điểm số thấp (2,9 điểm) trong thang điểm 10 của năm 2011, đứng ở cuối bảng xếp hạng (112/182) về chỉ số tham nhũng của Tổ chức Minh bạch quốc tế. Những kiểu chạy này rất khó phát hiện vì ít khi có thể “bắt tận tay, day tận trán”, khó tìm ra bằng chứng nếu người nhận không tố giác, khó xét xử, buộc tội vì "chứng cứ đâu?". Và, những kiểu chạy này làm băng hoại đạo đức xã hội, rối loạn trật tự, kỷ cương, làm mất niềm tin của dân vào Đảng, là nguy cơ đe doạ sự tồn vong của chế độ, của Đảng và chủ quyền quốc gia.
Cũng tại TP. Cần Thơ, đại tá Huỳnh Đấu Tranh, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt đã trả lại 100 triệu đồng của chủ doanh nghiệp biếu nhân dịp Tết Nhâm Thìn. Trong đơn vị của ông có nhiều sỹ quan giữ được phẩm chất trong sáng như trung tá Phạm Văn Em, Trưởng trạm Thới Thuận. Trung tá Em công tác liên tục mấy chục năm, gia đình nghèo, sống tập thể, vợ con sống ở quê, nhưng nhiều lần không nhận hối lộ. Năm 2011, đơn vị có 24 cán bộ chiến sỹ không nhận hối lộ. Đảng bộ cơ sở liên tục được công nhận trong sạch vững mạnh. Những cán bộ, chiến sỹ, những đảng bộ như thế là những viên ngọc quý sáng lấp lánh cần được tiếp sức toả sáng trong toàn Đảng, trên toàn quốc.
Trong cuộc chiến chống tham nhũng, số người đưa tiền như ông Minh bị phát giác nhiều hơn những người nộp lại tiền như đại uý Phú, đại tá Tranh. Đơn giản vì họ nhận tiền nhưng không tố giác, nếu có bị phát hiện dễ dàng chối tội vì có ai đưa hối lộ lại có thể đòi biên nhận? Có dễ đâu lúc nào cũng ghi âm, chụp hình hay quay phim? Nếu kẻ trao, người nhận thông đồng với nhau và cả hai đều đạt mục đích thì ai tố cáo ai? Những người biết chuyện không dám tố cáo vì ai sẽ bảo vệ khi bị trù úm, truy chụp? Do đó, trong cuộc chiến cam go ấy, những người như đại tá Huỳnh Đấu Tranh, đại uý Trương Hoài Phú, trung tá Phạm Văn Em… dũng cảm vượt qua được viên đạn bọc đường, giữ được phẩm chất trong sáng của người cán bộ-chiến sỹ cần được tôn vinh, nêu gương và được trọng thưởng. Trọng thưởng không chỉ bằng giấy khen, bằng khen mà còn cần nâng một hoặc nhiều bậc lương, thăng quân hàm sớm trước niên hạn… Những người đưa hối lộ như ông Lương Quang Minh cần bị phê phán, phạt tiền, nghiêm trị để răn đe. Hai việc làm ấy đều quan trọng như nhau.
Thu Nga