Ngày 11-6, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án đổi mới quản trị doanh nghiệp theo thông lệ kinh tế thị trường. Đề án được đón nhận như một bước tiến dài trong cải cách doanh nghiệp nhà nước, thể hiện tư tưởng mới, đi vào những vấn đề có tính cốt lõi, hệ thống. Theo đó, Đề án đưa ra nhiều giải pháp về công bố minh bạch thông tin, cải cách quản trị doanh nghiệp, rõ trách nhiệm cá nhân…buộc doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải hoạt động theo thông lệ kinh tế thị trường, có hiệu quả.
Có vô lý không khi những sai phạm nghiêm trọng, thua lỗ nặng nề của Vinashin, Vinalines đến hàng chục ngàn tỷ đồng diễn ra trong một quá trình dài mà các cơ quan quản lý nhà nước có không hay biết? Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình trên diễn đàn Quốc hội: “Đối với các dự án thì doanh nghiệp tự quyết định, tự chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và quản lý, cho nên các tập đoàn, tổng công ty không báo cáo với các cơ quan, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư”. Có vô lý không, với những sai phạm, tổn thất lớn như vậy mà không có ai trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng và quản lý nhà nước phải chịu trách nhiệm? Những vô lý đó khiến dư luận đặt câu hỏi liệu có xen lợi ích nhóm không trong quá trình hình thành không ít văn bản pháp luật?
Sẽ không thể không biết khi các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải công bố báo cáo thường niên (trước 31-12), báo cáo tài chính quý và thông tin bất thường tương tự doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, khi mức độ đóng góp cho an sinh xã hội hay ổn định kinh tế vĩ mô của các doanh nghiệp này được hạch toán rõ ràng, đánh giá xác thực hiệu quả kinh doanh, không lẫn lộn giữa hoạt động công ích và nhiệm vụ kinh doanh như hiện nay. Sẽ không có ai có thể chối bỏ trách nhiệm khi tách bạch chức trách, nhiệm vụ giữa chủ tịch công ty, chủ tịch hội đồng thành viên với tổng giám đốc, giám đốc, gắn lợi ích và quyền hạn, trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp với doanh nghiệp mà họ quản lý, điều hành, khi tách bạch chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý hành chính nhà nước của các cơ quan nhà nước, chức năng lãnh đạo của các cơ quan đảng. Sẽ khó vi phạm khi có một cơ chế giám sát đủ chặt chẽ, kiểm soát viên hoạt động thực sự độc lập của chủ sở hữu tại công ty, ngăn chặn sai đường, lệch hướng.
Công khai minh bạch thông tin, rõ trách nhiệm cá nhân chính là tăng cường giám sát xã hội. Cộng đồng xã hội vừa thực hiện chức năng giám sát đối với hoạt động của doanh nghiệp nhà nước vừa giám sát với chính những người có trách nhiệm giám sát doanh nghiệp nhà nước nhằm mục tiêu đạt hiệu quả trong sản xuất kinh doanh vì lợi ích của nhân dân.
Thu Nga