Đồng bộ
Vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á khiến dư luận rất bức xúc.

Ngày 11-1-2022, tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường thứ nhất, về vụ án mua bán kít xét nghiệm của Công ty Việt Á, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu “Xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Trước đó, ngày 7-1-2022, Bộ Công an cho biết Tồng Giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt khai nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 lên khoảng 45% và chi “hoa hồng” cho các đơn vị, cá nhân  gần 800 tỷ đồng. Qua việc nâng khống giá, lót tay, Công ty Việt Á đã thu lợi trên 500 tỷ đồng. Một mình Tổng Giám đốc Công ty Việt Á không thể thực hiện được việc làm phi pháp này. Phải có sự tiếp tay, tạo điều kiện, thông đồng từ những cán bộ thoái hóa, biến chất ở một số cơ quan chức năng. Tính đến thời điểm này, liên quan vụ án, cơ quan điều tra đã khởi tố 20 bị can, trong đó có cán bộ lãnh đạo quản lý, đảng viên ở Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, CDC địa phương. Đây là vụ án lớn, nghiêm trọng làm dậy sóng dư luận, được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Liệu có thể chấp nhận khi cả nước gồng mình chống dịch, hàng ngàn “áo trắng, “áo xanh”, đội ngũ tình nguyện viên đi vào tâm dịch, chấp nhận gian khổ, hy sinh bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, hàng triệu người dân gom góp từng đồng nhắn tin vào Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19, thì họ - những người mang danh cán bộ, đảng viên, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được Đảng và Nhà nước giao tìm mọi cách đục khoét hàng chục tỷ đồng của chung bỏ túi riêng ngay trên chính nỗi đau của đồng bào?

Chẳng lẽ những vụ án tương tự đã xảy ra ở CDC Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai… với nhiều cán bộ lãnh đạo bị khởi tố, bắt giam, có vụ đã được xử lý với những bản án nghiêm minh vẫn không đủ sức cảnh báo, răn đe? Khi nhận tiền ăn chia, liệu họ có nghĩ nếu bị phát hiện, dù có trả lại tiền như bây giờ thì họ chẳng những không được gì mà vẫn không thoát bị xử ký vi phạm, thân bại danh liệt? 

Thực tế cho thấy vấn đề mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế ở các bệnh viện công, các cơ sở y tế đã và đang xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng, có hệ thống. Do đó cần giải pháp đồng bộ, trong đó, vấn đề cán bộ luôn luôn là số 1. Cán bộ không chỉ là vấn đề chọn đúng người cụ thể mà là toàn bộ công tác cán bộ với nhiều nội dung: từ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bố trí sử dụng, quản lý đến chính sách bảo đảm vật chất, động viên tinh thần để có được đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu có đủ tài, đức liêm khiết, ngay thẳng, giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục. Những cán bộ như thế, với tấm lòng thành thực, ngay thẳng họ luôn muốn giữ bàn tay sạch, không muốn nhúng chàm.

Cán bộ tốt cần môi trường tốt để phát huy, cống hiến, cần hoàn thiện thể chế, không kẽ hở, công khai, minh bạch, có trách nhiệm giải trình, có hệ thống chính sách, pháp luật chặt chẽ, nghiêm minh để phòng ngừa từ xa, khó bề vi phạm. Chế tài mạnh, nghiêm khắc xử lý triệt để, công bằng khi xảy ra vi phạm. Đó là giải pháp để cán bộ không thể, và không dám vi phạm.

Rồi đây, khi vụ án khép lại, sẽ có nhiều góc khuất được làm sáng tỏ, sẽ có những cán bộ, đảng viên sai phạm - dù giữ cương vị nào cũng sẽ bị xử lý, sẽ có thêm những bài học được rút ra để mỗi tổ chức, cá nhân tự chiêm nghiệm, rèn luyện. Nhưng có một bài học luôn đúng là phải nói đi đôi với làm.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất