Hội nghị Trung ương 4 (khoá XI) khép lại năm 2011 và chuyển sang năm 2012 ba vấn đề cấp bách về công tác xây dựng đảng hiện nay:
1. Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
2. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
3. Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu của cấp uỷ, chính quyền các cấp và mối quan hệ với tập thể cấp uỷ, cơ quan, đơn vị để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là một trong những khâu quan trọng nhất.
Để giải quyết ba vấn đề cấp bách trên, Hội nghị đề ra 4 nhóm giải pháp: Thực hiện gương mẫu của cấp trên; tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng; cơ chế, chính sách và nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị tư tưởng.
Nhóm giải pháp về gương mẫu của cấp trên được Hội nghị Trung ương đặt số 1 bởi có ý nghĩa quyết định. Lần đầu tiên, đồng chí Tổng Bí thư chỉ rõ trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị: “Từng đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự giác, gương mẫu làm trước; tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình; cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa; tránh xa mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài; tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ tệ hại”. Nhân dân tin tưởng sự gương mẫu của từng đồng chí Uỷ viên Trung ương, Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư được thể hiện ở mọi lĩnh vực trong thực tế cuộc sống và ở mọi chỗ, mọi nơi, trước hết gương mẫu thực hiện đúng các quy định của Trung ương, trong đó có Quy định số 23/QĐ-TW ngày 15-1-2002 của Bộ Chính trị về thực hiện việc phê bình, chất vấn của Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương.
Quy định chỉ rõ phê bình, chất vấn phải được tiến hành một cách trực tiếp, công khai, dân chủ. Chất vấn được tiến hành tại các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Chất vấn được tiến hành công khai, được truyền hình trực tiếp là một biện pháp để nhân dân tham gia xây dựng, giám sát hoạt động của Đảng và cán bộ, thể hiện sinh động chủ trương của Đảng dân biết, dân bàn, dân làm dân kiểm tra. Đồng thời đây là một biện pháp nâng cao trách nhiệm cá nhân của cán bộ, đảng viên đối với nhiệm vụ được giao. Đảng ta là người lãnh đạo, là người đày tớ trung thành của nhân dân, ngoài lợi ích của nhân dân Đảng ta không có lợi ích nào khác thì không lẽ việc chất vấn trong Đảng liên quan trực tiếp đến lợi ích của dân mà dân không được biết? Ban Chấp hành Trung ương gương mẫu thực hiện trước, không lẽ gì ban chấp hành các đảng bộ cấp tỉnh, huyện, xã không thực hiện được? Quốc hội do Đảng lãnh đạo đã thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn từ lâu, được truyền hình trực tiếp không chỉ nhân dân trong nước biết mà cả thế giới biết, có tác dụng tích cực rõ rệt, được nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ không lẽ gì Đảng chưa thực hiện?
Tiến hành phê bình, chất vấn trực tiếp, công khai sẽ là bước tiến mở rộng dân chủ, minh bạch về thực hiện trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu từng cấp, từng ngành trước Đảng, trước dân. Là bước tiến mới trong tự phê bình, phê bình. Là một biểu hiện khẳng định Đảng ta là một đảng tiến bộ, chân chính, đủ khả năng tự đổi mới, tự chỉnh đốn, giữ vững vai trò dẫn dắt nhân dân đến bến bờ độc lập, tự do, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Nguyễn Thuý Hoàn