Trong nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” yêu cầu “sớm thực hiện quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Quy định thực hiện lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với các chức danh lãnh đạo trong cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể”.
Tại phiên họp thứ 6 (từ ngày 19 đến 28-3-2012), Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí hằng năm sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ lãnh đạo cao cấp từ Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước trở xuống. Kết quả bỏ phiếu sẽ được công bố công khai. Theo đó, người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số đại biểu Quốc hội 2 lần liên tiếp sẽ được xem xét, trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc phải từ chức. Trong Hội nghị cán bộ chủ chốt thành phố học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (ngày 20 - 21-3-2012), Hà Nội thể hiện sẽ thí điểm lấy phiếu tín nhiệm cán bộ được bầu trong Đảng, chính quyền ở tất cả các cấp. Đây là hành động cụ thể thực hiện Nghị quyết Trung ương 4.
Việc lấy phiếu tín nhiệm không phải là việc làm mới. Trong hoạt động Quốc hội đã có quy định nhưng chưa thực hiện được. Trong hoạt động của Đảng, việc lấy phiếu tín nhiệm đã được thực hiện khi quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ, chuẩn bị nhân sự đại hội đảng các cấp… Thậm chí ở nhiều công sở đã thực hiện việc dân nhấn nút điện tử đánh giá chất lượng công việc của cán bộ, công chức khi phục vụ nhân dân chẳng phải là một hình thức dân bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ, công chức đó sao?
Nét mới lần này là được thực hiện hằng năm với các chức danh lãnh đạo trong cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể từ cán bộ lãnh đạo cao cấp nhất. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công khai và “những người hai năm liền tín nhiệm thấp, không hoàn thành nhiệm vụ cần được xem xét, cho thôi giữ chức vụ, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác”. Mỗi năm lấy tín nhiệm một lần chẳng những có tác dụng tích cực trong việc đánh giá và bố trí cán bộ mà còn buộc cán bộ nâng cao chất lượng công việc, rèn luyện đạo đức, lối sống, buộc cán bộ phải từ chức khi không hoàn thành nhiệm vụ. Có thể năm nào cũng đi vận động lá phiếu? Có thể che giấu thực chất công việc kém, lối sống tồi, hành vi tiêu cực năm này qua năm khác? Đây là biện pháp lượng hóa tiêu chuẩn, là cơ sở đánh giá cán bộ chính xác hơn, thúc đẩy cán bộ phải luôn cố gắng phấn đấu, rèn luyện vươn lên. Đồng thời khắc phục trì trệ, nâng cao tính năng động của bộ máy bởi đưa ra khỏi guồng máy những cán bộ không đủ năng lực, uy tín và tiếp nhận những cán bộ có chất lượng.
Để việc lấy phiếu tín nhiệm đúng thực chất, không hình thức cần mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch không chỉ trong lấy phiếu mà cả trong quá trình làm việc để mọi người hiểu rõ ưu, khuyết điểm của nhau, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mỗi người. Lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành bằng quy định chặt chẽ, khoa học với tinh thần trách nhiệm, trung thực của những người tham gia bỏ phiếu. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, rút kinh nghiệm, mở rộng lấy phiếu tín nhiệm của nhân dân với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đây chính là một hình thức thực hiện Tư tưởng Hồ Chí Minh: dựa vào dân để giám sát và xây dựng Đảng. Chỉ có thế, đổi mới, chỉnh đốn Đảng mới thành công.
Nguyễn Thúy Hoàn