Hài hòa lợi ích
Ngày 2-5-2011, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Báo cáo tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ năm 2008-2011 do Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày tại Hội nghị cho thấy bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn những hạn chế, yếu kém: một số địa phương chưa tổ chức tốt việc tiếp công dân, chưa gắn công tác tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là ở cấp huyện; nhiều vụ việc giải quyết còn chậm; một số vụ việc giải quyết không đúng chính sách, pháp luật và thực tế; nhiều địa phương chỉ chú trọng đến việc giải quyết hết thẩm quyền mà chưa quan tâm đến giải quyết dứt điểm; còn hiện tượng né tránh, đùn đẩy, thấy sai phạm nhưng chưa có biện pháp khắc phục…Về giải quyết các vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm được  66,7%. Hiện còn lại 528 vụ việc đang được tiếp tục xem xét, giải quyết. Đáng chú ý là nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân chủ yếu liên quan đến đất đai (chiếm 70%), trong đó nhiều nhất là khiếu nại việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết: đất đai chiếm tới 98% tổng số đơn thư khiếu nại tố cáo Bộ nhận được hằng năm.

Nguyên nhân dẫn đến khiếu nại tố cáo về khách quan có việc chính sách bồi thường cho người có đất bị thu hồi còn nhiều bất cập (giá bồi thường thấp, hay thay đổi, thiếu nhất quán…); có sự chênh lệch quá lớn giữa giá đất bồi thường so với giá trị trường hoặc giá nhà đầu tư bán; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế… Về chủ quan, công tác quản lý đất đai còn sơ hở, lỏng lẻo; nhiều cán bộ lợi dụng tham nhũng, tiêu cực nhưng không bị xử lý nghiêm minh; chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục, giải thích, hài hòa ngay từ cơ sở; chưa tập trung giải quyết khiếu kiện ngay từ đầu; công tác giám sát của cơ quan dân cử, của các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo chưa thường xuyên;…

Tại Hội nghị này, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào đã báo cáo Thủ tướng vụ cưỡng chế, thu hồi đất ở huyện Văn Giang, nơi nông dân 3 xã Cửu Cao, Phụng Công, Xuân Quan thường xuyên lên tỉnh và các cơ quan Trung ương để kiến nghị và tố cáo 9 nội dung liên quan đến Dự án khu đô thị thương mại du lịch Văn Giang (Ecopark). Đặc biệt, Phó chủ tịch Nguyễn Khắc Hào cho biết: “Trong vụ việc ở Văn Giang, có sự móc nối chặt chẽ với những phần tử chống đối ở nước ngoài. Các thông tin thậm chí còn được tường thuật tại chỗ, từng giờ, để tuyên truyền xuyên tạc, dàn dựng những video clip giả để vu khống, bôi nhọ chính quyền”. Thật nguy hiểm! Chẳng lẽ, với hệ thống chính trị hoàn chỉnh, với bộ máy công an, an ninh mạnh lại không thể tìm được những kẻ đã móc nối với những phần tử chống đối, vạch mặt, chỉ tên chúng trong suốt thời gian từ khi dân chúng khiếu kiện đến khi chính quyền cưỡng chế? Chẳng lẽ chúng ta thiếu phương tiện, kỹ thuật để xác minh những video clip giả, vạch mặt những kẻ vu khống, bôi nhọ chính quyền? Đây là những việc cần làm ngay để giải tỏa bức xúc của dư luận trong và ngoài nước khi nhìn cảnh bạo lực dã man, để chứng minh chính quyền của ta dưới sự lãnh đạo của Đảng thực sự là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân quyết không thể dùng bạo lực với người dân như thế.

Đối với 528 vụ việc còn tồn đọng, kéo dài, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các cơ quan chức năng lập hồ sơ từng vụ việc cụ thể, từ đó thành lập Hội đồng thẩm định, đề ra các phương án xử lý với tinh thần trách nhiệm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, giải quyết dứt điểm và đăng tải công khai trên mạng của các cơ quan chức năng về tiến độ xử lý từng vụ việc. Khi đã có kết luận đối với từng vụ việc, nếu vụ việc nào chính quyền sai thì phải nhận lỗi, phải sửa; nếu người dân sai phải sửa, phải chấp hành theo pháp luật, trong đó có xem xét hỗ trợ khó khăn cho người dân.
        
Xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy hoạch phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội là nhằm mục đích ngày càng nâng cao mức sống của nhân dân. Do đó, quá trình thu hồi đất theo quy hoạch phải bảo đảm hài hòa, công bằng lợi ích của người dân có đất thu hồi và lợi ích của chủ đầu tư. Đó là trách nhiệm của Đảng và Chính phủ của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Phản hồi (9)

Nguyễn Văn Chính 18/05/2012

Sau vụ Tiên Lãng, chính quyền đã không rút kinh nghiệm để có cách đối thoại với dân tốt hơn, lại rút kinh nghiệm dùng bạo lực mạnh hơn. Có một điểm chung là đều đổ lỗi cho dân và báo cáo sai với Chính Phủ. Theo tôi, việc này cần được xử lý nghiêm khắc để không tái phạm. Nếu thông tin sai, Chính phủ làm sao có quyết định đúng?

Dương Văn Bình 10/05/2012

Bây giờ có lẽ không cần điều tra nữa cũng biết video clip đó là thật. Vì đã có 2 nhà báo Đài tiếng nói Việt Nam chính thức lên tiếng chính họ bị đánh, bị bắt, bị tịch thu giấy tờ tùy thân. Sự việc đang chờ tỉnh Hưng Yên giải quyết. Nhưng dù người đó là ai thì công an nhân dân không được dùng vũ lực như vậy. Trách gì bạo lực lan tràn trong xã hội khi những người có trách nhiệm giữ gìn an ninh, trật tự xã hội lại như vây? Chưa bao giờ các tờ báo đảng nhiều việc và khó viết như bây giờ. Mong sao các nhà báo Tạp chí Xây dựng Đảng hãy dũng cảm lên tiếng, nêu rõ quan điểm của mình bảo vệ lẽ phải, chống bất công vì nhân dân.

Nguyễn Văn Tính 09/05/2012

Tôi nghe nói rằng những người bị hành hung là các nhà báo. Vậy là video thật đấy chứ? Tỉnh báo cáo Thủ tướng sai sao? Vậy thì dân như chúng tôi biết đâu là sự thâtj? Đề nghị Tạp chí tìm hiểu và công bố cho bạn đọc được biết sự thật là thế nào.

1 2 3

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất