Cần có những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ cho vấn đề kinh tế - xã hội

Ngày 1-11-2010, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011. Các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc điều hành linh hoạt, nhạy bén trong thời gian qua nhằm giữ ổn định kinh tế, đạt tốc độ tăng trưởng cao. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn để giải quyết những vấn đề tồn tại nhiều năm qua: bội chi, nhập siêu, tăng giá, thiếu điện, tham nhũng và dành thời lượng thích đáng để phân tích, mổ xẻ “ca bệnh” Vinashin, nhằm rút ra những bài học sâu sắc trong công tác quản lý, điều hành hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.


Vụ việc Vinashin còn những ai phải chịu trách nhiệm? Bàn về về vụ Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin sụp đổ, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) nói, ông vô cùng lo lắng vì tình trạng quản lý yếu kém đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Ông xót xa vì gần 100.000 tỷ đồng đã trôi theo cùng sự sụp đổ của Vinashin. “Nhưng ngoài lãnh đạo Vinashin, còn những ai phải chịu trách nhiệm? Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết nêu rõ quan điểm: Tôi trân trọng đề nghị Quốc hội thành lập Uỷ ban lâm thời để điều tra trách nhiệm của những thành viên Chính phủ trong vụ việc này. 
                       

Chung mối quan tâm, đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hoá) cho rằng, sự cố này đã được cảnh báo sớm về kết quả quản lý yếu kém, tiêu cực, nhưng vì có biểu hiện bao che, ưu ái, nuông chiều nên cái u, cái nhọt lâu ngày đã vỡ tung để lại hậu quả hết sức nặng nề. “Vinashin là giọt nước làm tràn ly, bộc lộ rõ trình độ quan liêu, yếu kém, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý vốn, tài sản nhà nước của Chính phủ, các bộ, ngành chức năng đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được xác định là những đầu tàu, là quả đấm thép của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa… Đại biểu Lê Văn Cuông cũng đề nghị thành lập một Ủy ban lâm thời điều tra, xác minh để xử lý nghiêm, không chỉ Vinashin mà cả các tập đoàn nhà nước khác.


Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) nói: "Coi vụ việc Vinashin như một biến cố quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của các tập đoàn kinh tế nhà nước và đại biểu nêu thêm: Cử tri cũng rất quan tâm tình hình hậu Vinashin và tân Vinashin. Các lỗ hổng trong quản lý sẽ được trám lại như thế nào? Các cá nhân, tập thể liên quan cần được xử lý thế nào? Quốc hội cần có nghị quyết chuyên đề về vấn đề này”.


Tiếp tục vấn đề này, đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) đặt câu hỏi: Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cuối cùng về những sai phạm của Vinashin, vì một mình họ không thể tự tung tự tác làm sai luật được. Ai đã cho phép Vinashin phát hành trái phiếu? Ai đã cho phép Vinashin vay nợ lớn đến như vậy... Từ năm 2009 Quốc hội đã đề nghị giám sát, nhưng Chính phủ lại đề nghị hoãn lại; Kiểm toán Nhà nước đến nay cũng chưa vào làm việc được. Trong vụ việc này, những người làm sai phải có lời xin lỗi trước nhân dân và có lẽ cũng nên nghĩ tới văn hóa từ chức. Về việc quản lý các tập đoàn nhà nước nói chung, đại biểu Phạm Thị Loan cho rằng nguyên tắc tách biệt giữa quản nhà nước với việc điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh chưa được tôn trọng.


Từ vụ việc Vinashin, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đi sâu phân tích cơ sở pháp lý của việc thí điểm thành lập và hoạt động của tập đoàn kinh tế Nhà nước. “Tuy là thí điểm nhưng các tập đoàn của chúng ta đều được thành lập chính thức, là một chủ thể quan trọng của nền kinh tế. Nên từ chủ trương của Đảng cho đến thực tiễn cần thiết phải có bước thể chế hóa thành văn bản quy phạm pháp luật về thí điểm ở tầm một nghị quyết của Quốc hội trong đó quy định rõ phạm vi lĩnh vực, thời gian thí điểm, mô hình tổ chức, địa vị pháp lý xử lý những vấn đề mâu thuẫn với các luật, phân công trách nhiệm kiểm tra, giám sát và xác định thời hạn tổng kết thì mới đảm bảo.


Trong phiên làm việc buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng giải trình: thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với Tập đoàn của Bộ Giao thông Vận tải thực sự có khó khăn, có lúng túng. Bộ chỉ được giao 2 nhiệm vụ chính: Một là, báo cáo ý kiến của mình khi Tập đoàn trình về mục tiêu, quy hoạch, chiến lược phát triển, điều lệ, cơ cấu tổ chức, một số vấn đề về nhân sự... sau đó Thủ tướng Chính phủ tập hợp, nghiên cứu các ý kiến rồi quyết định hoặc giao Tập đoàn quyết. Thứ hai, cùng với các bộ khác như Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính... giám sát đầu tư của Tập đoàn, thì đúng là có vấn đề chúng tôi phát hiện được, có cái chậm phát hiện và nhiều cái hoàn toàn không phát hiện được. Qua kiểm điểm có trách nhiệm của mình nhưng cũng thấy có nhiều lúng túng trong giám  sát. Lúng túng trong việc để doanh nghiệp thực hiện quyền tự quyết và việc thực hiện quyền sở hữu của Nhà nước. Theo Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, nhiều sai phạm cố ý của Vinashin, Bộ hoàn toàn không phát hiện được. Cái đó có trách nhiệm, khuyết điểm của Bộ, nhưng từ khi có nghị quyết về đổi mới doanh nghiệp thì Bộ đứng trước một ranh giới rất khó phân định: vừa phải tập trung thực hiện quản lý ngành, chấm dứt can thiệp cụ thể vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn; vừa phải đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước đối với Tập đoàn...


Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết, vụ Vinashin, Chính phủ đã kiểm tra, kiểm điểm trách nhiệm. Việc 11 lần thanh tra, giám sát mà không phát hiện được yếu kém, sai phạm của tập đoàn là do một phần cơ chế, bởi những lần thanh tra đó là do nhiều cơ quan chức năng khác nhau thực hiện, mà theo luật thì các cơ quan khác nhau chịu sự điều chỉnh khác nhau, còn Thanh tra Chính phủ do để tránh chồng chéo nên chưa thanh tra kiểm toán được toàn diện tập đoàn. Trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ là không giám sát hết được các hoạt động thanh tra, kiểm toán. Mà thanh tra mỗi cấp do cơ quan thanh tra cùng cấp thực hiện, cấp trên không được sửa kết luận thanh tra cấp dưới và nếu thanh tra cấp dưới không báo cáo thì thanh tra cấp trên không can thiệp được. Đây cũng là bất cập mà luật thanh tra đang sửa đổi.


Liên quan đến trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ trong vụ Vinashin, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền phát biểu: Thanh tra Chính phủ đã 3 lần đề xuất kế hoạch thanh tra toàn diện Vinashin chứ không phải 2 lần. Nhưng vì nhiều lý do chưa thực hiện được và thực sự là chúng tôi chưa tiến hành thanh tra toàn diện để đánh giá kịp thời; phát hiện đầy đủ những sai phạm ở Tập đoàn Vinashin. Một phần cũng là do cơ chế của ta có sự “chờ đợi nhau” giữa các cơ quan thanh tra, giám sát, kiểm toán.


Tạo tiền đề giảm bội chi ngân sách và nhập siêu. Ghi nhận những thành tựu quan trọng đã đạt được trong thời gian qua, song các đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên), Phạm Thị Loan (Hà Nội), Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình)... cho rằng, chất lượng tăng trưởng thực tế chưa song hành cùng với số lượng. 


Theo đại biểu Vũ Quang Hải, khi chỉ số lạm phát lên tới 8% hoặc thậm chí có thể cao hơn nữa thì tăng trưởng GDP không có ý nghĩa cải thiện được cuộc sống của người dân như mong đợi. Còn theo đại biểu Cao Sỹ Kiêm, mặc dù đã thành công trong chống lạm phát năm 2008 và chống suy giảm kinh tế năm 2009; nhưng nhìn vào 6 hạn chế yếu kém mà Chính phủ đưa ra - chính là những vấn đề cơ bản quyết định sự phát triển bền vững - thì thấy sự chuyển biến còn rất chậm.


Một trong những yếu kém làm cho chất lượng tăng trưởng kinh tế không cao, theo đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) là do công tác quy hoạch những năm qua bất cập, thiếu liên kết, gây lãng phí lớn...

Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng), ba vấn đề quan trọng của đất nước hiện nay là nhập siêu, bội chi ngân sách và nợ công. “Trong Báo cáo của Chính phủ vẫn chưa thấy lối ra an toàn. Nhập siêu liên tục nhiều năm với mức khá cao và không có chiều hướng giảm… Đặc biệt, nợ nước ngoài ngày càng tăng lên nhanh chóng nếu cộng tất cả con số lại thì mức nợ công của chúng ta mấp mé mức không an toàn, trong khi ngân sách đang bội chi, dự trữ ngoại tệ ngày càng giảm, làm cho nền kinh tế vĩ mô không ổn định, vững chắc và tạo nguy cơ bất trắc không kiểm soát được.


Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa, trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ phối hợp với chính sách tài khóa cần được xem là quốc sách lớn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng bền vững. Đại biểu Huỳnh Nghĩa đề nghị, không nên đặt mục tiêu tăng trưởng quá cao, mà nên tập trung ưu tiên kìm chế lạm phát, siết chặt quản lý thu, chi ngân sách. Đồng thời cơ cấu lại đầu tư, chỉ tập trung cho những dự án thiết thực, có hiệu quả, cương quyết dừng những dự án chưa phải là cấp bách.


Cũng quan tâm đến vấn đề nợ công, đại biểu Vũ Quang Hải  (Hưng Yên) cho rằng, báo cáo nợ Chính phủ là 44.5%, trong đó nợ nước ngoài là 42.2% nhưng nếu tính đúng, tính đủ theo quy định và theo Luật đầu tư công thì chỉ số nợ đầu tư công của Việt Nam cao hơn mức hiện nay. “Nợ công của Việt Nam đang tiệm cận đến những vấn đề không an toàn bởi các khoản nợ của các dự án không tạo ra giá trị gia tăng chiếm nhiều và hiện chúng ta chưa phải trả nợ nhiều (năm gần đây mới chỉ khoảng 250 - 270 triệu USD) nhưng đến năm 2020 và những năm tiếp theo đến kỳ trả nợ thì Việt Nam sẽ phải trả nợ nhiều hơn….Vì vậy, đại biểu Vũ Quang Hải đề nghị với Quốc hội và Chính phủ phải đặt việc quản lý nợ công vào trong một sự kiểm soát đặc biệt của Quốc hội và Chính phủ.


Đại biểu Cao Sĩ Kiêm  (Thái Bình) cho rằng, Việt Nam đã thành công trong những giải pháp tình thế, giải quyết những tác động rất bức bách của đất nước và của thế giới khá thành công. Nhưng nhìn vào những vấn đề rất cơ bản đảm bảo phát triển bền vững của đất nước trong những năm tới, thì chưa thành công, hoặc chuyển biến rất chậm. Để đảm bảo các mục tiêu được thực hiện một cách đầy đủ, đặc biệt là những mục tiêu của năm 2011- năm đầu của kế hoạch 5 năm và năm đầu tiên thực hiện những tư tưởng chỉ đạo mới của Đại hội XI, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có chương trình, lộ trình sửa một cách cơ bản, tạo chuyển biến một cách rõ rệt 6 khuyết điểm mà trong Báo cáo Chính phủ năm 2011 nêu lên. Trên cơ sở phân tích tình hình thế giới và trong nước, đại biểu Cao Sỹ Kiêm yêu cầu: “Chính phủ cần có lộ trình cụ thể để giải quyết những nút thắt của nền kinh tế; tạo tiền đề giảm bội chi ngân sách và nhập siêu càng nhanh càng tốt, càng nhiều càng hay”.


Phát triển nông thôn đã thực sự được quan tâm? Theo đại biểu Nguyễn Đăng Vang  (Bình Định) đã lâu Việt Nam đầu tư cho nông nghiệp chưa xứng tầm của nó. “Đầu tư cho nông nghiệp năm 2009 chỉ bằng 6,26% tổng đầu tư cho xã hội, trong khi GDP của ngành này là 20,91%. Trước đó năm 2008 thì tỉ trọng này còn cao hơn một chút, tức là 6,45% và vào năm 2005 cách đây 5 năm thì còn được 7,50%, vào năm 2000, cách đây 10 năm còn được 13,85%. Nhưng từ đấy đến nay cứ giảm dần, giảm dần và chỉ còn 6,26%... Như vậy rõ ràng đầu tư cho nông nghiệp ngày càng giảm, hiện nay bằng 30% so với trung bình tương đương giá trị GDP của chính ngành này mang lại”.


Đại biểu Nguyễn Đăng Vang lo lắng, nông nghiệp không hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, cũng không hấp dẫn nhà đầu tư trong nước và cũng... không hấp dẫn các nhà hoạch định chính sách. Đó là điều rất đáng lo ngại, đe dọa làm doãng rộng khoảng cách phát triển và là nguyên nhân của nhiều vấn đề xã hội khác.


Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Tuyên Quang) cũng xót xa: “Nông thôn hiện nay còn rất khó khăn, nhiều người dân phải đi vay tín dụng đen với lãi suất ngất ngưởng để mua tư liệu sản xuất, thậm chí để đóng học phí cho con”... Theo đại biểu Nguyễn Hữu Nhị (Nghệ An), ở nông nghiệp, nông thôn hiện nay đang tồn tại những bất cập lớn: đất nông nghiệp quá manh mún; vai trò của Nhà nước đối với thị trường nông sản vẫn chưa đủ mạnh; biến đổi khí hậu; giá cả đầu vào vừa cao lại vừa loạn; vệ sinh an toàn thực phẩm đang đặt ra cho nông nghiệp nước ta trước sự cạnh tranh hết sức gay gắt…


Cùng với quan điểm trên, đại biểu Vi Trọng Lễ (Phú Thọ) nhất trí, để chương trình xây dựng nông thôn mới có hiệu quả vừa đảm bảo chiến lược an ninh lương thực, vừa đảm bảo nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững, Chính phủ cần quan tâm nghiên cứu xây dựng một bộ giống cây lương thực chuẩn và ổn định, để từ đó có thể sản xuất đại trà tạo ra một sản lượng lương thực hàng hóa lớn, phục vụ cho tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu. Đồng thời, sớm hoàn thành việc xây dựng quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, tạo điều kiện để người nông dân hỗ trợ lẫn nhau hoặc cộng đồng trách nhiệm trong sản xuất nông nghiệp; quan tâm chỉ đạo để phát triển mối liên kết "4 nhà" đảm bảo chặt chẽ và hiệu quả theo hướng xác định rõ trách nhiệm từng nhà đến đâu, cơ chế ràng buộc giữa các nhà nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nông thôn phát triển.  

 

Để khắc phục những bất cập này, đại biểu Nguyễn Hữu Nhị đề nghị Chính phủ có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thuê đất, đầu tư sản xuất nông nghiệp, tăng cường quản lý nhà nước về thị trường, nhất là thị trường nông sản, thị trường cung ứng giống, vật tư cho sản xuất nông nghiệp; tiếp tục ưu tiên đầu tư mạnh cho hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nhất là giao thông thủy lợi; có chính sách và giải pháp đồng bộ để khuyến khích có trách nhiệm đầu tư công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Theo đại biểu này, lực lượng quốc gia có hơn 70% dân số ở khu vực nông nghiệp và nông thôn nên chúng ta phải phấn đấu làm sao tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với phát triển đời sống của nhân dân và làm thế nào để người nông dân thực sự nếm được vị ngọt của tăng trưởng kinh tế. Đại biểu Nguyễn Đăng Vang đề nghị, năm 2011 không nên tiếp tục giảm tỷ lệ đầu tư ở khu vực này và cần phải có một chính sách đồng bộ, tính toán hiệu quả kinh tế cao nhất.


Phải đảm bảo nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống nhân dân. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, năm 2010, đặc biệt là mùa khô từ tháng 5 - 7 tình hình cung ứng điện có nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó có trách nhiệm về mặt chỉ đạo về việc thực hiện tổng sơ đồ phát triển điện giai đoạn 6 từ năm 2006 đến năm 2010 và có tầm nhìn đến năm 2015. Theo Bộ trưởng, nếu thực hiện đúng theo quy hoạch 6 thì chúng ta sẽ không xảy ra tình trạng thiếu điện như vừa rồi. Dự báo của chúng ta về nhu cầu điện là tương đối phù hợp với diễn biến nhưng trên thực tế việc huy động các nguồn điện vào sản xuất và cung ứng điện có chậm trễ. “Trong giai đoạn năm 2008 và năm 2009, đứng trước ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu, chúng ta cũng thực hiện một số giải pháp để thắt chặt chi tiêu, trong đó có giải pháp hạn chế đầu tư. Vì vậy, một số công trình trong ngành điện trong giai đoạn năm 2008, 2009 cũng rất khó khăn trong việc vay vốn và ảnh hưởng đến tiến độ đưa một số công trình điểm vào huy động trong năm 2010 và một số năm sau.


Các đại biểu rất quan tâm về vấn đề điện. Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) phát biểu: Điện thiếu triền miên, dù ngành điện hứa tới hứa lui. Thiệt hại cho sản xuất kinh doanh là cực kỳ lớn, khó đong đếm. Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) đề nghị EVN trực tiếp báo cáo về tình trạng thiếu điện trước Quốc hội và giải pháp khắc phục...


Trước ý kiến bức xúc của các đại biểu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Theo yêu cầu của Chính phủ thì dù khó khăn đến mấy trong năm 2011, phải đảm bảo nhu cầu điện cho các nhu cầu sản xuất thiết yếu và phục vụ cho đời sống của nhân dân. Muốn vậy, cần rà soát, xử lý các công trình lãng phí, công nghệ lạc hậu, tiêu hao năng lượng; điều chỉnh giá điện theo chỉ đạo, có chú trọng hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách và đẩy mạnh cuộc vận động tiết kiệm điện. Theo Bộ trưởng, giải pháp quyết liệt nhất và quyết định nhất là phải đẩy mạnh tiến độ xây dựng các công trình nguồn điện theo Tổng sơ đồ 6 và sắp tới đây là Tổng sơ đồ 7. Bên cạnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương và các ngành phải nhanh chóng đưa những công trình nhiệt điện mới xây dựng đã đi vào hoạt động  phải hoạt động ổn định. Đồng thời, tái cơ cấu ngành điện, trong đó có Tập đoàn điện lực Việt Nam; xây dựng các phương án để chủ động cung ứng điện trong bất cứ tình huống nào xảy ra; tiếp tục xây dựng đề án điều chỉnh giá điện theo cơ chế trị trường; tăng cường giải pháp vận động tiết kiệm điện.

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất