Chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội

Hoạt động giám sát tối cao tại kỳ họp Quốc hội đã được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật; hoạt động chất vấn tiếp tục được nâng cao về chất lượng, tăng cường tính đối thoại, tranh luận thẳng thắn, cầu thị, không né tránh trách nhiệm, đi sâu làm rõ thực chất theo nhóm vấn đề lớn, bức xúc, được dư luận xã hội và cử tri  quan tâm. Năm qua, các vấn đề được chất vấn tại Quốc hội tập trung hơn, chú trọng ở tầm vĩ mô, với sự tham gia trả lời của Thường trực Chính phủ và nhiều Bộ trưởng, trưởng ngành có trách nhiệm… nên được dư luận và cử tri hoan nghênh. Hoạt động giám sát theo chuyên đề được tiến hành công phu; việc lựa chọn các nội dung giám sát đúng đắn, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế. Tại kỳ họp thứ bảy, thứ tám Quốc hội đã giám sát được các chuyên đề, ra nghị quyết với nhiều kiến nghị sát thực và tiến hành hoạt động chất vấn theo chương trình đề ra.

Các cơ quan của Quốc hội đã chủ động xây dựng chương trình, nội dung giám sát và tiến hành giám sát theo đúng kế hoạch, tiến độ, bảo đảm chất lượng. Công tác điều hoà, phối hợp hoạt động giám sát được quan tâm thường xuyên, hạn chế sự chồng chéo trong hoạt động giám sát. Phân công lãnh đạo phụ trách lĩnh vực chủ trì tại phiên chất vấn hợp lý, đã mang lại hiệu quả tích cực. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã giám sát nhiều nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình, qua đó, giúp Chính phủ, các bộ, ngành trong chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ kinh tế-xã hội tốt hơn; hỗ trợ tích cực cho công tác xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chủ động, tích cực triển khai hoạt động giám sát, phối hợp tốt với các cơ quan khác của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ và cơ quan có liên quan, đảm bảo hoạt động giám sát theo chuyên đề. Việc thí điểm tổ chức hoạt động giải trình (điều trần) tại Hội đồng, Ủy ban của Quốc hội đã được các cơ quan quan tâm triển khai với hình thức đa dạng, đạt được kết quả bước đầu, khẳng định tính đúng đắn áp dụng phương thức “điều trần” trong Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, góp phần bổ sung, hoàn thiện pháp luật về hoạt động này trong thời gian tới.
Các Đoàn đại biểu Quốc hội đã chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch giám sát của mình và phối hợp tốt trong việc giám sát các chuyên đề. Công tác tham mưu, giúp việc trong xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện, tổng hợp, báo cáo kết quả hoạt động giám sát có tiến bộ. Các cơ quan chịu sự giám sát đã có sự phối hợp khá chặt chẽ, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, tích cực giải quyết các kiến nghị của các Đoàn giám sát và nâng cao trách nhiệm trong hoạt động chỉ đạo, điều hành.

Tuy nhiên, hoạt động giám sát của Quốc hội vẫn còn những hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình hiện nay. Giám sát việc ban hành văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa được quan tâm đúng mức. Kết quả giám sát giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân còn hạn chế. Việc theo dõi, đánh giá thực hiện các kiến nghị sau giám sát còn chưa làm được nhiều; chưa có bộ phận chuyên theo dõi, đôn đốc, báo cáo về vấn đề này; thiếu những chế tài cụ thể để nâng cao trách nhiệm của cơ quan chịu sự giám sát trong việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Lực lượng cán bộ phục vụ còn mỏng, các điều kiện bảo đảm cho công tác giám sát còn hạn chế.

Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011:

Hoạt động giám sát của các kỳ họp: Tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XII (dự kiến tháng 3/2011) sẽ xem xét các báo cáo cả nhiệm kỳ của Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao theo luật định; tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII (7/2011), Quốc hội xem xét báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ tám, Quốc hội khoá XII đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIII (không tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội).
Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII (10-11/2011), Quốc hội xem xét các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề.

Để đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình hoạt động giám sát, Quốc hội giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội; chỉ đạo nghiên cứu cải tiến, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát và sửa đổi, bổ sung Luật hoạt động giám sát của Quốc hội.  

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất