1. Chính phủ sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiểm soát giá.
Theo Thủ tướng, diễn biến giá tiêu dùng trong năm nay cũng theo quy luật tăng cao vào quý I, giảm dần và tương đối ổn định trong quý II và tăng trở lại vào các tháng cuối năm. Đến hết tháng 11, giá tiêu dùng tăng 9,58% so với tháng 12-2009... Để tiếp tục kiểm soát giá, kiềm chế lạm phát, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 1875 ngày 11-10-2010 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả thị trường trong thời gian tới, giao các bộ, cơ quan và chính quyền địa phương tổ chức thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ với các trọng tâm: Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh; giữ ổn định giá một số hàng hóa; điều hành các công cụ tài chính, tiền tệ linh hoạt theo cơ chế thị trường; Bộ Công Thương và các địa phương triển khai các chương trình bình ổn thị trường, giá cả; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và xử lý nghiêm việc đưa tin không chính xác tạo bất ổn trên thị trường. Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiểm soát giá cả, nhất là trong dịp Tết nguyên đán.
2. Chỉ tiếp tục khai thác, chế biến bô-xít khi bảo đảm an toàn về môi trường.
Thủ tướng khẳng định, việc thăm dò, khai thác, chế biến bô-xít là chủ trương nhất quán từ Đại hội IX và Đại hội X của Đảng. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản và các địa phương liên quan thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, đồng thời, tập trung chỉ đạo triển khai thí điểm 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thực hiện việc kiểm tra, tính toán, đánh giá lại hiệu quả kinh tế và tác động môi trường đối với các dự án, đặc biệt chú ý thẩm định thiết kế kỹ thuật hồ bùn đỏ, bảo đảm an toàn lâu dài đối với môi trường... Như vậy, việc thẩm định các dự án đã được các hội đồng thẩm định, các bộ tiến hành thẩm định nghiêm túc, thận trọng và khẳng định các dự án có hiệu quả kinh tế-xã hội, bảo đảm an toàn về môi trường và an ninh, quốc phòng.
Theo Thủ tướng, chính việc khai thác bô-xít sẽ là điều kiện để cải tạo đất tốt hơn cho phát triển cây công nghiệp và trồng rừng ở Tây Nguyên. Nhưng ngay sau khi có sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở Hung-ga-ri và sự quan tâm góp ý của một số đại biểu Quốc hội, cán bộ lão thành cách mạng, nhà khoa học, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản rà soát lại các hạng mục công trình của dự án và các giải pháp xây dựng, vận hành hồ bùn đỏ. Hiện nay Dự án Tân Rai đã hoàn thành nhiều hạng mục, dự kiến tháng 4-2011 sẽ có alumin thương phẩm. Dự án Nhân Cơ đang hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư, dự kiến đầu năm 2011 sẽ khởi công xây dựng và đưa nhà máy vào vận hành cuối năm 2012.
Riêng về vấn đề an toàn hồ bùn đỏ, Thủ tướng giải trình là giải pháp công nghệ và quản lý hồ bùn đỏ Tân Rai là hiện đại, có độ an toàn cao. Song, Chính phủ sẽ xem xét quyết định và chỉ tiếp tục thực hiện dự án khi bảo đảm an toàn về môi trường.
3. Trách nhiệm của Thủ tướng về Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Vinashin?
Theo Thủ tướng, thực trạng Vinashin hiện nay là do một số cơ quan chức năng thuộc Chính phủ chưa thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đối với Tập đoàn. Thủ tướng cũng cho biết, khi được các cơ quan chức năng báo cáo tình hình quản lý yếu kém và sai trái của lãnh đạo Tập đoàn Vinashin, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ chức năng, bộ quản lý ngành liên tục theo sát để tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh. Đến nay, tổng số nợ của Tập đoàn là hơn 86 nghìn tỷ đồng... Thủ tướng cũng khẳng định, những việc làm sai trái của lãnh đạo Tập đoàn Vinashin đã gây hậu quả nghiêm trọng. Những người trực tiếp quản lý điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn vi phạm pháp luật đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ và sẽ xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Theo Thủ tướng, thực trạng này có trách nhiệm của Chính phủ, của các thành viên Chính phủ. Thủ tướng xin nhận trách nhiệm về những hạn chế, yếu kém và mong các vị đại biểu Quốc hội chia sẻ, ủng hộ và giám sát việc thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin trong lúc còn rất khó khăn.
Trước báo cáo giải trình của Thủ tướng, các đại biểu Quốc hội tiếp tục nêu những câu hỏi nhằm làm rõ thêm tình hình, trách nhiệm và giải pháp cho vụ Vinashin. Trả lời chất vấn của đại biểu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng vụ Vinashin có kẽ hở của thể chế, cơ chế, nhưng có phần trách nhiệm của việc không theo dõi, giám sát. Hiện tại, Thủ tướng, Phó thủ tướng, các bộ trưởng có liên quan về trách nhiệm trong quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đang tiến hành kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm cụ thể của mình. Thủ tướng cũng khẳng định với Quốc hội là không làm qua loa, mà làm nghiêm túc và theo đúng quy trình, quy định của Đảng, Nhà nước. Kết luận kiểm điểm, trách nhiệm cụ thể sẽ công khai tới các đại biểu Quốc hội.
Về vấn đề tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Thủ tướng cho biết đã thành lập Ban chỉ đạo liên ngành để cùng Hội đồng quản trị Tập đoàn Vinashin xây dựng đề án tái cơ cấu và đề án đó được thảo luận nhiều lần, có tính khả thi và để trở thành hiện thực cần sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, cụ thể. Theo Thủ tướng, quá trình thực hiện đề án này phải đúng quy định của pháp luật, đúng chủ trương của Đảng. Chính phủ quyết tâm thực hiện thành công đề án tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin và không để xảy ra tình trạng tương tự như Vinashin.
4. Có bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất và đời sống nhân dân?
Trước câu hỏi của một số đại biểu về vấn đề này, Thủ tướng khẳng định: Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm phát triển ngành điện. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành điện giai đoạn 2004-2010, định hướng đến năm 2020; chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2050. Với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự nỗ lực của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện lực, ngành điện đã có bước phát triển mạnh. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7-2010, tình trạng thiếu điện đã xảy ra vào những ngày nắng nóng và diễn ra trên diện rộng, làm ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp và sinh hoạt của nhân dân.
Cũng theo Thủ tướng, năm 2011, Chính phủ có biện pháp tránh tình trạng thiếu điện: khai thác tối đa các nguồn phát điện hiện có; đưa vào vận hành ổn định các dự án nguồn điện; uu tiên tích nước cho các hồ thuỷ điện; tăng cường công tác tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất và tiêu dùng; ban hành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2015-2020 có tính đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) vào cuối năm 2011; thực hiện cơ cấu lại ngành điện, sớm đưa thị trường phát điện cạnh tranh vào hoạt động; thực hiện lộ trình từng bước giá bán điện theo cơ chế thị trường; nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi Luật Điện lực cho phù hợp với cơ chế thị trường.
5. Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai nhiều chương trình, đề án đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Do vậy, năm 2009, tổng vốn đầu tư bố trí cho lĩnh vực này gần 80 nghìn tỷ đồng, bằng 46,8% tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ; năm 2010, là hơn 87 nghìn tỷ đồng, bằng 48,1% ; dự toán năm 2011, tổng vốn đầu tư sẽ là 98,5 nghìn tỷ đồng, bằng 50% tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Thủ tướng khẳng định, đầu tư của Nhà nước cho khu vực nông nghiệp, nông thôn hằng năm vẫn cao hơn mức tăng bình quân chung.
Thủ tướng một lần nữa khẳng định: Đảng, Nhà nước ta trong đó có Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Việc đầu tư như vừa trình bày sẽ tăng và đáp ứng Nghị quyết Trung ương 7, song so với yêu cầu, mong muốn thì chưa đạt, Chính phủ sẽ cố gắng hết sức phân bổ có ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các chương trình mục tiêu khác.
6. Vấn đề quy hoạch đã thực sự tốt?
Trước ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề này, Thủ tướng cho rằng việc quy hoạch kinh tế-xã hội nói chung và quy hoạch chuyên ngành có một bước tiến dài, nhưng cũng còn nhiều bất cập. Chất lượng, hiệu quả quy hoạch, tính pháp lý của quy hoạch còn nhiều điểm phải nâng lên. Thủ tướng cũng cho biết, xây dựng, thẩm định và quản lý thực hiện quy hoạch là một trong những nội dung quản lý nhà nước của Chính phủ, của các bộ chức năng, của chính quyền địa phương. Việc này được Chính phủ hết sức quan tâm và sẽ tiếp tục chỉ đạo để có một quy hoạch tổng thể, chuyên ngành đầy đủ hơn, chất lượng tốt hơn, sát với yêu cầu cuộc sống, sát với sự phát triển hơn.
Thủ tướng cũng khẳng định: Đến nay tất cả các ngành, các địa phương đều có quy hoạch. Để phù hợp với chiến lược chung 10 năm tới, đến năm 2020 và tầm nhìn xa hơn, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, yêu cầu các ngành, các lĩnh vực, các địa phương tiến hành đánh giá lại tình hình của ngành mình, lĩnh vực mình, địa phương mình trên cơ sở đó hoàn thiện quy hoạch và việc này đang làm một cách khẩn trương.
Vấn đề quy hoạch Hà Nội, Thủ tướng giải trình: Chính phủ đã lập Ban chỉ đạo để cùng với Hà Nội xây dựng quy hoạch và việc này sẽ làm theo đúng trình tự pháp luật. Đồng thời Chính phủ tạo mọi điều kiện tiếp thu ý kiến của nhân dân, các nhà khoa học, các cơ quan chức năng để có một quy hoạch thủ đô Hà Nội xứng tầm với thủ đô của một nước Việt Nam CNH, HĐH.
Về quy hoạch nguồn nhân lực Thủ tướng cho biết: Để quy hoạch nguồn nhân lực cho đất nước trong giai đoạn nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì chưa làm được. Hiện nay, đang làm theo hướng xây dựng quy hoạch nguồn nhân lực cho từng ngành, từng lĩnh vực và từ đó sẽ tổng hợp lại. Còn trách nhiệm quy hoạch yếu kém thuộc về ai Thủ tướng cho rằng có trách nhiệm người đứng đầu Chính phủ.
Thuỷ Anh