Chất vấn xung quanh vấn đề giao thông vận tải
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng tại phiên chất vấn

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam có phải là ưu tiên hàng đầu?

Về vấn đề có ưu tiên cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng trả lời trước Quốc hội: Kỳ họp Quốc hội trước với số phiếu không quá bán nên chưa thông qua chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc. Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải chưa tiến hành đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Song, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc (luật cho phép việc nghiên cứu dự án là của Chính phủ được phép thực hiện). Hiện nay Bộ đã chủ động nghiên cứu rất nhiều dự án về đường sắt và dự án này được nghiên cứu dưới dạng báo cáo khả thi để phục vụ công tác quy hoạch giao thông vận tải mà Quốc hội đã yêu cầu. Từ đó, sẽ lên được một quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt Bắc - Nam trong tương lai. Nghiên cứu lần này không phải là toàn tuyến Bắc - Nam mà nghiên cứu khả thi một số dự án khác như đường sắt trên cao dọc vành đai 3, trung tâm Hà Nội tới sân bay Nội Bài, đường sắt từ Hà Nội, Thanh Hóa, đường sắt Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh… Song mới dừng ở mức độ nghiên cứu và lập dự án còn quyết định đầu tư chờ Chính phủ báo cáo Quốc hội. nếu thấy khả thi . Bộ trưởng nhấn mạnh, trong dự thảo về chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 2011-2020 có đề cập việc xây dựng đường sắt cao tốc. Như vậy, căn cứ vào chủ trương của Đảng và đối chiếu với quy định pháp luật, việc nghiên cứu dự án đường sắt này là cần thiết và đúng luật.


Làm thế nào để Vinashin trả được nợ?

Liên quan đến Vinashin, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định: Việc Vinashin lỗ bao nhiêu các cơ quan đang tiếp tục làm việc và "không có câu chuyện lỗ 100.000 tỷ". Đến năm 2009 báo cáo kiểm toán số lỗ của Vinashin là 1.600 tỷ, năm 2010 vẫn còn lỗ, song không có chuyện lỗ 100.000 tỷ. Theo Bộ trưởng đã là doanh nghiệp, đã đầu tư phát triển thì phải có vay, có nợ và doanh nghiệp như Vinashin cũng phải có vay, có nợ. Vay để đầu tư phát triển, nợ trong đầu tư phát triển và nợ trong những dự án đóng tàu đang dở dang... Bộ trưởng cho rằng, điều bất thường của Vinashin là nợ này đã vượt quá cao so với tỷ lệ cho phép. Tức là nợ trên vốn chủ sở hữu đã quá cao, lên tới 11 lần, thông thường khoảng 3, 4 lần thì trong giới hạn an toàn… Nợ như vậy là mất an toàn và có khả năng sẽ bị phá sản. Nhưng không có nghĩa rằng số nợ này là số lỗ, số nợ này và số tài sản này đang nằm trên tài sản hiện hữu của Vinashin. Bộ trưởng khẳng định, Chính phủ sẽ bằng cơ chế đúng pháp luật hỗ trợ Vinashin các điều kiện để tiếp cận vốn, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất. Vinashin phải bằng hoạt động kinh doanh của mình để trả nợ chứ không phải Nhà nước dùng vốn ngân sách hay vốn nào để trả nợ thay. Bằng cơ chế, bằng hỗ trợ của Chính phủ để lành mạnh hóa dần tình hình tài chính qua đề án tái cơ cấu Vinashin.


Bộ trưởng cho rằng, kinh tế thế giới đang phục hồi trở lại cho nên vận tải hàng hóa, vận tải biển và giá đóng tàu, giá tàu đang phục hồi trở lại cộng với những nội dung mà Chính phủ sẽ hỗ trợ cho Vinashin thì Vinashin có thể đẩy mạnh được hoạt động sản xuất, kinh doanh và có thể trả được nợ. Hiện nay, hầu hết công nhân đang được huy động trở lại và có việc làm. Nhiều chủ tàu ở nước ngoài đang quay trở lại đàm phán về các dự án. Theo Bộ trưởng đây là những tín hiệu lạc quan và có thực để tiếp tục phát triển công nghiệp đóng tàu của chúng ta.


Cũng về vấn đề Vinashin, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Võ Hồng Phúc khẳng định, Bộ đã làm tròn việc tham mưu cho Chính phủ về quy hoạch, kế hoạch và chiến lược phát triển của Vinashin đúng với các tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị. Bộ không phải chịu trách nhiệm như ý kiến của đại biểu Quốc hội đã nêu. Bộ trưởng nhấn mạnh: ở góc độ chung, thì đó là bài học không riêng một ai, cho cả Quốc hội, Chính phủ và lãnh đạo Nhà nước về việc thí điểm. Đây là kinh nghiệm để chỉnh đốn làm mọi việc tốt hơn, đặc biệt là trong xây dựng luật và các quy chế dưới luật để quản lý.


Theo Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, để phát triển chiến lược biển cần phải có một ngành công nghiệp đóng tàu mạnh. Nhìn một cách khách quan, hiện nay Vinashin có những cơ sở đang sản xuất có hiệu quả, chọn phương án tái cơ cấu Vinashin với một tinh thần là duy trì ổn định phát triển sản xuất, để có được thu nhập, hoàn được vốn và trả được nợ.


Sau khi nghe các đại biểu Quốc hội chất vấn và các bộ trưởng trả lời về vấn đề Vinashin, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã báo cáo thêm về việc tái cơ cấu Vinashin. Theo Phó thủ tướng, thời gian qua lâm vào tình trạng phá sản thì không chỉ Vinashin, có thể nói toàn bộ ngành công nghiệp đóng tàu thế giới lâm vào tình trạng này như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… Trước tình trạng đó, Bộ Chính trị quyết định theo đúng tinh thần đường lối của Đảng ta về kinh tế biển là phải cơ cấu cho thành công và phải bảo đảm cho được nước ta vẫn phải có một doanh nghiệp đóng tàu làm chủ lực, cùng với các doanh nghiệp đóng tàu khác của cả nước để công nghiệp tàu thủy, công nghiệp cơ khí phát triển xứng đáng với tiềm năng nền kinh tế biển của đất nước. Lâm vào phá sản và chọn phương án tái cơ cấu là hết sức khó khăn. Việc tái cơ cấu bắt đầu từ năm 2008 và qua nhiều bước. Bây giờ là tái cơ cấu bước ba theo đúng tinh thần của Bộ Chính trị. Về tái cơ cấu là một quyết định phải làm một cách rất tổng thể. Đến nay, tư tưởng cán bộ, công nhân của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin ổn định từ trên xuống dưới, đã tạo ra một quyết tâm mới để khôi phục; hoạt động phụ trợ của Vinashin cũng đã trở lại… Phó thủ tướng khẳng định, có thể nói là sản xuất kinh doanh đã phục hồi. Từ đây có cơ sở để trả nợ dài hạn, trả nợ ngắn hạn và tiếp tục phát triển. Theo Phó thủ tướng, tính cả nợ ngắn hạn, nợ dài hạn cộng với tiền lãi suất do vay nợ gây ra thì Vinashin đều có khả năng đảm bảo trả nợ.


Theo Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng việc điều tra, xử lý vi phạm đang tiến hành. Những người cố ý làm trái, vi phạm thì sẽ xử lý theo pháp luật. Bộ Chính trị cũng chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm nghiêm túc từ người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng, các phó thủ tướng, các bộ trưởng liên quan và Tập đoàn Vinashin rất công bằng.


Chất lượng và tiến độ các công trình giao thông?

Về chất lượng đường, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định: Bên cạnh tiến bộ trong các công trình hạ tầng, chất lượng còn nhiều mặt chưa đảm bảo và các công trình giao thông còn chậm tiến độ. Bộ trưởng chỉ ra 3 nguyên nhân: quá nhiều thủ tục, thời gian chuẩn bị đầu tư kéo dài; năng lực tổ chức, trình độ nhà thầu không đều và có hạn; giải phóng mặt bằng luôn nan giản.


Bộ trưởng Giao thông vận tải cũng trả lời về việc nâng cấp các tuyến đường (Quốc lộ 91, An Giang…) hay việc sử dụng công trình đường Hồ Chí Minh theo tuyến Bắc - Nam như thế nào cho hiệu quả. Theo Bộ trưởng, những vấn đề sạt lở đã cố gắng xử lý, phối hợp với địa phương di dân. Tuy nhiên, đây chỉ là phương án tình thế, chưa phải là vĩnh cửu. Do vậy, Bộ Giao thông vận tải đang tiếp tục cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, phối hợp và sẽ đề ra phương án xử lý triệt để.


Theo Bộ trưởng, phải củng cố tiếp tuyến đường ngang và nối đường Hồ Chí Minh với đường 1.... thì mới tạo ra khả năng lưu thông tốt hơn của đường Hồ Chí Minh. Dự án các tuyến đường ngang muốn thực hiện phải kết hợp với các ngành, đầu tư vào các vùng kinh tế, các khu công nghiệp, phải đưa công nghiệp lên miền núi, hình thành các vùng dân cư thì mới tạo ra được trục kinh tế ở đây và có thể phát huy được hết hiệu quả. Vấn đề này không chỉ Bộ Giao thông vận tải mà của nhiều ngành, nhiều cấp và các địa phương mới giải quyết được.

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất