Ngày 29-12, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng phối hợp Ban Tuyên giáo T.Ư và Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia "Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 - Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử". Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; các Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM, cùng đông đảo các tướng lĩnh, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, dự.
Cách đây 50 năm, thắng lợi to lớn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là thắng lợi của đường lối đúng đắn và sáng tạo của Đảng; lòng quả cảm, trí thông minh, anh dũng của quân và dân ta trên hai miền Nam - Bắc; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế; sự kế thừa và phát huy lên tầm cao mới truyền thống đánh giặc và nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Nhiều tham luận khoa học tại Hội thảo đã đánh giá: Từ những dự báo và phân tích tình hình trong nước và quốc tế, âm mưu của địch và chính quyền Sài Gòn trong chiến lược “chiến tranh cục bộ”; khẳng định các chủ trương đúng đắn, sự sáng suốt trong đánh giá tầm nhìn của đối phương và lực lượng Quân và dân miền Nam của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trên khắp chiến trường miền Nam là những thế làm chủ đã tiến lên giành những thắng lợi lớn trong cuộc kháng chiến. Hội thảo cũng khẳng định những đóng góp, ủng hộ, giúp đỡ to lớn của các nước XHCN và nhân dân tiến bộ trên thế giới đối với cách mạng Việt Nam; đúc kết bài học lịch sử có giá trị lý luận, thực tiễn từ sự kiện này để vận dụng, phát huy vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN ngày nay.
Tham luận gửi đến hội thảo, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Miền năm 1968, đã khẳng định: Với tầm nhìn xa, trông rộng, Bác Hồ và Bộ Chính trị đã nhận thấy, ở thời điểm đó ta không đủ sức đánh bại cùng một lúc cả đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn để giành thắng lợi hoàn toàn, nên đã chủ trương chia thành 2 nhịp: “Đánh cho Mỹ cút”, rồi tiến tới “đánh cho ngụy nhào”. Cuộc Tổng tiến công, nổi dậy cùng với những cú “đánh bồi” đã tạo nên một đòn đủ nặng làm nhụt ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, tạo ra bước ngoặt của cuộc chiến tranh, buộc chúng phải xuống thang, ngồi vào bàn đàm phán tại Paris.
Trong tham luận gửi hội thảo, Thượng tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam khẳng định: Vai trò của “thế trận lòng dân” được thể hiện rõ trong suốt tiến trình lịch sử dân tộc, trong đó có cuộc Tổng tiến công, nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trong giai đoạn hiện nay, cần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, củng cố lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN; xây dựng “Thế trận lòng dân”, tạo tiền đề vững chắc để xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc như hôm nay.
Tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã tham luận “Sự chuẩn bị và tham gia của Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân Sài Gòn - Gia Định trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968”, qua đó tái hiện 2 đợt chiến đấu ác liệt của cuộc tổng công kích - tổng khởi nghĩa năm 1968 tại Sài Gòn – Gia Định, trung tâm đầu não chỉ huy toàn bộ bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ - Ngụy tại miền Nam Việt Nam.
Tham luận của Bí thư Thành ủy đã khẳng định: cùng với các lực lượng vũ trang, sự nổi dậy của các tầng lớp nhân dân, các giới đồng bào tại Sài Gòn - Gia Định với nhiều hình thức phong phú, thực sự là kết quả một quá trình chuẩn bị lâu dài, dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng lực lượng cơ sở chính trị song song với lực lượng vũ trang theo phương châm đánh địch trên cả 3 vùng, rừng núi, nông thôn, đô thị.
“Cuộc tổng công kích - tổng khởi nghĩa khu vực Sài Gòn – Gia Định Mậu Thân 1968 tuy không đạt được đẩy đủ mục tiêu đề ra, song đã tiêu hao một lực lượng lớn của Mỹ - ngụy, góp phần làm thất bại “chiến tranh cục bộ” của Mỹ - ngụy; khẳng định sự cần thiết và hiệu quả của lực lượng biệt động Sài Gòn, một phương thức đấu tranh quân sự sáng tạo, đặc thù đô thị, nơi đầu não của chế độ cũ, có hiệu suất chiến đấu cao; tận dụng được thế trận lòng dân, chiến tranh nhân dân, vô hiệu hóa phần lớn sức mạnh quân sự của các khí tài lớn, hiện đại của địch trong chiến đấu ở đô thị; khẳng định lòng yêu nước của nhân dân miền Nam và nhân dân Sài Gòn – Gia Định, sẵn sàng ủng hộ, hy sinh vì độc lập của dân tộc, tự do, thống nhất đất nước và hòa bình” - Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Phạm Hà Tĩnh
Thành ủy TPHCM