Thực hiện Kế hoạch triển khai Đề tài nghiên cứu khoa học “Xây dựng khung tiêu chí và cơ chế quản lý biên chế đối với cơ quan chuyên trách của liên đoàn lao động (LĐLĐ) cấp tỉnh, cấp huyện”, mã số KHBĐ (2021)-21, Ban Tổ chức Trung ương và Ban Chủ nhiệm Đề tài tổ chức Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp quản lý biên chế đối với cơ quan chuyên trách LĐLĐ cấp tỉnh, cấp huyện”. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Điều lệ chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có các đồng chí đại diện Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bộ Nội vụ, Hội đồng khoa học Các cơ quan đảng Trung ương; đại diện lãnh đạo ban tổ chức, LĐLĐ một số tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo một số vụ, đơn vị của Ban Tổ chức Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học và Ban Chủ nhiệm Đề tài.
|
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Điều lệ phát biểu khai mạc tại Hội thảo.
|
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Điều lệ cho biết: Trong tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026, biên chế công đoàn chưa xác định được chính xác, do đó Bộ Chính trị đang tạm giao biên chế. Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan tham mưu cho Bộ Chính trị có trách nhiệm nghiên cứu, xác định biên chế công đoàn để giao chính thức trong thời gian tới. Vụ Tổ chức - Điều lệ là đơn vị có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cho Lãnh đạo Ban đã đăng ký Đề tài khoa học “Xây dựng khung tiêu chí và cơ chế quản lý biên chế đối với cơ quan chuyên trách của LĐLĐ cấp tỉnh, cấp huyện” nhằm góp phần cho công tác tham mưu của Vụ được tốt hơn. Đề tài hướng tới mục tiêu, trên cơ sở thực trạng về tình hình giao, sử dụng biên chế công đoàn trong thời gian qua, làm rõ biên chế, cơ chế quản lý biến chế công đoàn; từ đó nghiên cứu, đề xuất khung tiêu chí xác định biên chế, cơ chế quản lý biên chế đối với cơ quan chuyên trách của LĐLĐ cấp tỉnh, cấp huyện. Bởi vậy, Hội thảo khoa học có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở thực tiễn, nội dung cốt lõi để đảm bảo cho các giải pháp của Đề tài có tính khả thi, đáp ứng yêu cầu đổi mới về tổ chức, hoạt động của Công đoàn Việt Nam.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Kiều Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Điều lệ, Chủ nhiệm Đề tài cho biết thêm, Đề tài tập trung nghiên cứu, làm rõ cơ sở lý luận về tổ chức, hoạt động của Công đoàn Việt Nam; các vấn đề chung về quản lý, phân bổ, sử dụng biên chế của hệ thống chính trị và cơ chế quản lý biên chế đối với cơ quan chuyên trách LĐLĐ cấp tỉnh, cấp huyện thời gian qua. Đánh giá, tìm hiểu những vấn đề đặt ra đối với công tác phân bổ, quản lý biên chế. Trên cơ sở dự báo thời cơ và thách thức đối với tổ chức công đoàn những năm tới, nhất là việc ra đời tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp. Đề tài nghiên cứu, xây dựng khung tiêu chí để xác định biên chế và đề xuất cơ chế quản lý biên chế phù hợp đối với cơ quan chuyên trách LĐLĐ cấp tỉnh, cấp huyện.
Từ thực tiễn thực hiện cơ chế quản lý biên chế, các tham luận tại Hội thảo đã cho thấy nhiều cách làm phong phú ở các địa phương như: BTV Tỉnh ủy Đồng Nai, BTV Thành ủy Đà Nẵng thực hiện giao biên chế cho LĐLĐ tỉnh, thành phố, còn biên chế cơ quan LĐLĐ cấp huyện được phân cấp cho BTV các huyện, thành ủy xem xét, quyết định trong tổng biên chế được giao hằng năm. Ở Thái Nguyên, Thái Bình, BTV tỉnh ủy giao biên chế cho LĐLĐ tỉnh; tỉnh ủy ủy quyền cho đảng đoàn LĐLĐ tỉnh phân bổ biên chế của cơ quan và các công đoàn huyện, ngành phù hợp với cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ. BTV Tỉnh ủy Quảng Trị thực hiện giao biên chế cho cơ quan LĐLĐ cấp tỉnh, cấp huyện…
Nhiều ý kiến cũng đã thẳng thắn nêu những hạn chế, bất cập, vướng mắc. Điển hình như việc phân bổ biên chế và quản lý biên chế của hệ thống công đoàn ở địa phương chưa có sự thống nhất, vừa thực hiện biên chế do Ban Tổ chức Trung ương phân bổ, lại vừa thực hiện biên chế do Tổng LĐLĐ Việt Nam phân bổ. Bên cạnh đó, số biên chế được giao cho hệ thống LĐLĐ các tỉnh, thành phố chưa tương xứng với quy mô quản lý công đoàn cơ sở và đoàn viên công đoàn, chưa đáp ứng khối lượng công việc theo chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tiễn và những thách thức đặt ra cho tổ chức công đoàn trong tình hình mới.
|
Các ý kiến tham luận tại Hội thảo.
|
Các tham luận tại Hội thảo đã đề xuất các giải pháp để giao, quản lý biên chế công đoàn chuyên trách hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Bên cạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về công tác quản lý biên chế theo quy định, đề nghị Trung ương nghiên cứu, xem xét cơ chế giao biên chế công đoàn cấp tỉnh, cấp huyện bảo đảm phù hợp với số lượng công nhân lao động của địa phương, cơ quan, đơn vị. Ngoài số biên chế được cấp có thẩm quyền giao, tổ chức công đoàn được phép ký hợp đồng lao động để làm một số nhiệm vụ chuyên môn trong chức năng nhiệm vụ của tổ chức công đoàn (luật sư, tư vấn viên, kế toán công đoàn…). Có cơ chế đặc thù trong việc tuyển dụng cán bộ công đoàn chuyên trách đang hợp đồng làm nhiệm vụ chuyên môn đủ điều kiện về trình độ chuyên môn, có kỹ năng kinh nghiệm trong tổ chức các hoạt động công đoàn để bảo vệ quyền lợi cho cán bộ và ổn định tổ chức bộ máy. Sớm ban hành chính sách phù hợp để tuyển dụng cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, trong phong trào công nhân; thu hút, tạo động lực cho cán bộ công đoàn.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Bình cảm ơn những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đồng chí đại diện ban tổ chức và LĐLĐ các tỉnh, thành phố. Các ý kiến đã tập trung xoay quanh chủ đề về thực trạng việc giao, sử dụng, quản lý biên chế cơ quan chuyên trách công đoàn ở địa phương; đồng thời đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập. Các ý kiến dân chủ, thẳng thắn đã góp phần tiếp cận chủ đề này ở nhiều góc cạnh hơn, bổ sung những thông tin đa dạng từ thực tiễn của các địa phương, cơ quan, đơn vị. Điều đó có ý nghĩa rất to lớn với những người đang tham gia nghiên cứu Đề tài khoa học cũng như những người đang trực tiếp làm công tác tổ chức, công tác công đoàn.
Các tham luận gửi đến Hội thảo đã làm rõ hơn các nội dung về việc giao biên chế, cơ chế quản lý biên chế, những vướng mắc, bất cập và nêu các đề xuất, kiến nghị với Ban Tổ chức Trung ương, Tổng LĐLĐ Việt Nam. Đây là những nội dung rất quan trọng và cần thiết đối với cán bộ, công chức Ban Tổ chức Trung ương nói chung, Vụ Tổ chức - Điều lệ nói riêng trong quá trình nghiên cứu, tham mưu đề xuất về quản lý biên chế hệ thống chính trị, trong đó có biên chế cán bộ công đoàn chuyên trách. Vụ Tổ chức - Điều lệ sẽ tiếp thu các ý kiến để nghiên cứu, tham mưu cho Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương về công tác giao, quản lý biên chế công đoàn; đảm bảo thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12-6-2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Bảo Yến