|
Toàn cảnh Hội thảo.
|
Chủ trì Hội thảo tại điểm cầu Ban Tổ chức Trung ương có đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Điều lệ; tại điểm cầu Khánh Hòa có đồng chí Nguyễn Khắc Hà, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Khánh Hòa.
Tham dự Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo đại diện các đơn vị làm công tác tổ chức, cán bộ thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; đại diện lãnh đạo Vụ Công chức, viên chức, Bộ Nội vụ; đại diện lãnh đạo ban tổ chức tỉnh ủy các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc; đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị của Ban Tổ chức Trung ương; các chuyên gia, nhà nghiên cứu và Ban Chủ nhiệm Đề tài.
Điểm cầu Khánh Hòa có các đồng chí đại diện lãnh đạo các ban đảng, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện của tỉnh Khánh Hòa.
|
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Điều lệ (Ban Tổ chức Trung ương) phát biểu khai mạc và đề dẫn tại Hội thảo.
|
Phát biểu khai mạc và đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Điều lệ, Chủ nhiệm Đề tài cho biết: Thời gian qua, công tác tuyển dụng công chức, viên chức khối đảng, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần xây dựng đội ngũ công chức, viên chức đảm bảo tiêu chuẩn chính trị, năng lực, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và đòi hỏi của thực tiễn. Trong giai đoạn từ 31-8-2015 (thời điểm triển khai thực hiện Hướng dẫn 37-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương) đến 30-6-2022, trên cả nước đã tổ chức được 167 kỳ tuyển dụng công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ cấp huyện. Kết quả đã tuyển mới được 12.394 công chức, viên chức, gồm 10.879 công chức, 1.515 viên chức, trong số công chức, viên chức mới tuyển dụng có 7.518 người là đảng viên (chiếm 60,7%).
Nhìn chung, các cơ quan có thẩm quyền về tuyển dụng đều thực hiện đúng các nội dung theo các văn bản quy định của Nhà nước và Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương. Việc tổ chức thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, các thông tin về tuyển dụng. Tuy nhiên, công tác tuyển dụng công chức, viên chức nói chung vẫn còn một số hạn chế, bất cập.
Để phần nào khắc phục những hạn chế, bất cập trong tuyển dụng công chức, viên chức, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm, chỉ đạo rà soát để bổ sung, sửa đổi các văn bản quy định, hướng dẫn theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn. Gần đây, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 22-HD/BTCTW, ngày 3-1-2023 về một số nội dung trong tuyển dụng công chức, viên chức cơ quan đảng, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Đến ngày 21-2-2023, Chính phủ ban hành Nghị định 06/NĐ-CP về kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Đây là một bước tiến trong quy trình tuyển dụng công chức, làm thay đổi phương thức tạo nguồn tuyển dụng hướng đến mục tiêu chuyên nghiệp, đa dạng hóa về nguồn và số lượng đầu vào khi tuyển dụng.
Việc triển khai nghiên cứu Đề tài khoa học “Đổi mới công tác tuyển dụng công chức, viên chức cơ quan đảng, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong giai đoạn hiện nay” nhằm mục đích hệ thống hóa những vấn đề lý luận cơ bản về công tác tuyển dụng công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan đảng, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; làm rõ những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập và đề xuất những giải pháp nhằm đổi mới công tác này trong thời gian tới theo hướng đồng bộ và thực hiện có hiệu quả chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước.
Hội thảo nhằm trao đổi, lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu, các cán bộ đã và đang trực tiếp tham mưu về công tác tổ chức - cán bộ tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và địa phương, góp phần làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn của việc đề xuất đổi mới công tác tuyển dụng công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan đảng, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
|
Các đại biểu phát biểu tham luận.
|
Trao đổi tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Duy Vũ, Phó Trưởng Ban Tổ chức, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nêu một số bất cập trong tuyển dụng đối với tổ chức công đoàn hiện nay như: Luật Cán bộ, công chức và các văn bản dưới luật còn một số điểm chưa rõ, cách hiểu khác nhau, khó thực hiện trong tuyển dụng cán bộ, công chức trong tổ chức công đoàn. Cán bộ công đoàn chuyên trách cấp cơ sở của công đoàn chưa được xác định vị trí, vai trò tương xứng trong điều kiện hiện nay. Đồng chí cũng nêu một số đề xuất nhằm đổi mới công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức như: bổ sung tiêu chí cho điểm nội dung thi về đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ, tư tưởng chính trị và bản sắc văn hóa dân tộc; thực hiện phân cấp một phần trong tuyển dụng; đề nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định về chính sách đối với một số đối tượng cán bộ công đoàn chuyên trách…
Đồng chí Nguyễn Huy Chí, Phó Trưởng Ban Tổ chức, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, trong quá trình triển khai công tác tuyển dụng tại cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, còn một số khó khăn, bất cập là: Việc tuyển dụng công chức vẫn chủ yếu căn cứ vào bằng cấp và kiểm tra kiến thức học thuật, mà chưa chú trọng đánh giá kỹ năng, phẩm chất, năng lực, sở trường, đạo đức công vụ của người dự tuyển. Hình thức thi tuyển có lúc chưa phù hợp. Việc sử dụng công chức, viên chức sau tuyển dụng chưa phát huy tốt năng lực, sở trường, chuyên môn đào tạo của công chức…
Ý kiến của các đồng chí đại diện lãnh đạo ban tổ chức tỉnh uỷ các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Sơn La đều cho thấy còn nhiều vấn đề đặt ra trong công tác tuyển dụng như: Bất cập trong quy định người đăng ký dự tuyển phải là đảng viên, không vi phạm các tiêu chuẩn chính trị về bảo vệ chính trị nội bộ. Chưa có hướng dẫn cụ thể về việc thẩm định tiêu chuẩn chính trị đối với các trường hợp đăng ký dự tuyển công chức. Khó khăn trong xác định ngành, chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm đối với cơ quan đảng, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Bên cạnh đó còn một số bất cập trong việc thực hiện các quy định về trình tự, thủ tục tổ chức tuyển dụng…
Ngoài những vướng mắc chung, đồng chí Phạm Thị Hồng Nhung, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc nêu thêm vướng mắc của tỉnh trong tuyển dụng cán bộ, công chức của hội cựu chiến binh cấp tỉnh, cấp huyện và tuyển dụng cán bộ, công chức đoàn thanh niên. Việc tuyển dụng bằng chính sách thu hút sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ gặp khó khăn. Đồng chí La Minh Khôi, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Sơn La cũng cho biết, việc bố trí, sử dụng cán bộ sau tuyển dụng hiện nay vẫn còn có mặt hạn chế, chưa có quy định về thời gian thực hiện nhiệm vụ tại vị trí tuyển dụng, nhìn chung phụ thuộc chủ yếu vào địa phương, cơ quan, đơn vị.
Các ý kiến phát biểu đều thống nhất rằng, việc tuyển dụng công chức, viên chức được thực hiện gắn với nhu cầu về vị trí việc làm, tuy nhiên đến nay hệ thống cơ sở pháp lý để xây dựng hoàn chỉnh vị trí việc làm các cơ quan khối đảng, đoàn thể chưa hoàn thiện, nhất là vị trí việc làm tại các đơn vị sự nghiệp. Đề nghị Trung ương sớm hoàn thiện và hướng dẫn xác định vị trí việc làm, khung năng lực của từng vị trí, xây dựng bản mô tả công việc để làm căn cứ khoa học, khách quan cho hoạt động tuyển dụng công chức, đây là vấn đề quan trọng để tuyển dụng đúng người, đúng việc. Đề nghị Trung ương tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tuyển dụng công chức, viên chức đảm bảo đồng bộ, thống nhất.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Bình cảm ơn các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, tâm huyết, đúc kết từ thực tiễn, có giá trị khoa học cao. Ban Chủ nhiệm Đề tài sẽ nghiêm túc tiếp thu để hoàn thiện đề tài, đồng thời lấy đó làm cơ sở cho công tác nghiên cứu, tham mưu của Vụ Tổ chức - Điều lệ với Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, góp phần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản về công tác tuyển dụng phù hợp với thực tiễn.
Bảo Yến