Không ngừng hoàn thiện Quy chế phối hợp, đưa công tác biên phòng lên bước phát triển mới
Toàn cảnh hội nghị

Năm 2011 là năm thứ hai thực hiện Quy chế phối hợp công tác biên phòng giữa địa phương và BĐBP. Mục đích của hội nghị lần này là nhằm tổng kết rút kinh nghiệm các mô hình, đề án và các phương thức tổ chức thực hiện Quy chế; trao đổi ý kiến nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả phối hợp giữa BĐBP với các địa phương trong công tác biên phòng. Trung tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Chính ủy BĐBP trực tiếp chủ trì hội nghị và báo cáo kết quả thực hiện Quy chế phối hợp giữa Đảng ủy BĐBP và các tỉnh, thành ủy năm 2011. Nội dung của bản báo cáo đã nhấn mạnh tới các kết quả và những điểm cần tập trung làm tốt hơn nữa nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng thực hiện Quy chế.


Về những kết quả

Năm 2011, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP và các tỉnh, thành ủy đã chủ động phối hợp trong tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, tuyên truyền và phổ biến các văn bản pháp luật của Nhà nước về quản lý và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia và xây dựng nền biên phòng toàn dân.


Việc tổ chức giao ban định kỳ về công tác biên phòng giữa Bộ Tư lệnh BĐBP và lãnh đạo các tỉnh theo tuyến biên giới đã tạo nên sự đồng bộ về công tác phối hợp. Những thông tin được trao đổi tại hội nghị giao ban mang ý nghĩa thiết thực, làm cơ sở để Bộ Tư lệnh BĐBP kịp thời có những điều chỉnh phù hợp với công tác biên phòng. Các tỉnh và thành phố đã hỗ trợ ngân sách cho công tác biên phòng trong các nhiệm vụ như: tìm kiếm cứu nạn, phòng chống tội phạm, đối ngoại biên phòng.

Giữa BĐBP và địa phương đã phối hợp tốt trong giải quyết các vấn đề liên quan tới chủ quyền lãnh thổ, dân tộc, tôn giáo trên địa bàn biên giới trên bộ và trên biển. Trong năm 2011, đã làm tốt việc phối hợp chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện Nghị định thư về phân giới cắm mốc giữa Việt Nam và Trung Quốc; đẩy nhanh tốc độ tôn tạo, tăng dày hệ thống mốc giới quốc gia Việt Nam - Lào và phân giới cắm mốc Việt Nam - Căm-pu-chia. Hệ thống cửa khẩu và cảng biển đã từng bước hiện đại hóa công tác kiểm soát, phối hợp công tác phát triển thương mại và du lịch với bảo đảm quốc phòng - an ninh. Cơ chế trao đổi và cung cấp thông tin được tiến hành tương đối chặt chẽ và thường xuyên. Sự phối hợp này đã mang lại hiệu quả thiết thực trong đấu tranh phòng chống các loại hình tội phạm nguy hiểm có tổ chức như: buôn người, buôn ma túy, chất nổ và truyền đạo trái pháp luật.


Trong xây dựng nền biên phòng toàn dân, các tỉnh, thành ủy đã quan tâm lãnh đạo và ưu tiên đầu tư cho các xã khu vực biên giới, đầu tư trang thiết bị cho công tác biên phòng, phối hợp với BĐBP tuyên truyền và vận động toàn dân tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới quốc gia.


Cũng trong năm 2011, các tỉnh, thành ủy đã phối hợp với BĐBP triển khai thành công “Cuộc vận động mái ấm cho người nghèo”, tạo nên ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn, củng cố mối quan hệ quân dân. Đáng chú ý nhất là hai đề án nổi bật của BĐBP: Bảo tồn và xóa đói giảm nghèo cho hai tộc người La Hủ (Mường Tè, Lai Châu) và Đan Lai (Nghệ An).


Năm 2011 cũng là năm tiếp tục khẳng định tính đúng đắn và hiệu quả của chủ trương cử cán bộ biên phòng tăng cường cho cấp ủy và chính quyền địa phương. Mô hình này đã được coi là biện pháp thực hiện chủ trương xóa nghèo bền vững và củng cố quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới theo Nghị quyết 80/NQ-CP của Chính phủ vừa ban hành. Theo đó, năm 2012, BĐBP sẽ tiếp tục tăng cường cán bộ biên phòng cho các xã khó khăn vùng dân tộc, xã bãi ngang ven biển và tiến tới năm 2013 bố trí đủ cán bộ biên phòng biệt phái cho 1.088 xã phường thị trấn biên giới theo tinh thần Nghị quyết 80/NQ-CP.


Những vấn đề cần tập trung phối hợp trong những năm tới

Trong báo cáo, Trung tướng Võ Trọng Việt nhấn mạnh: Trong tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp, giữa các tỉnh, thành ủy và BĐBP thời gian tới cần đặc biệt lưu ý đến tình hình gia tăng các hoạt động tôn giáo trái phép, buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới... Các vấn đề quan trọng như bảo đảm an toàn cho ngư dân khi khai thác trên biển kết hợp với tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, xóa bản “trắng” đảng viên, công tác phân giới cắm mốc... Đặc biệt là cần phải có các quyết sách cụ thể, đưa công tác biên phòng lên bước phát triển mới.


Về công tác trao đổi thông tin, đồng chí Chính ủy BĐBP cho rằng, cần có một cơ chế phối hợp tốt hơn, kịp thời và đầy đủ hơn. Quy chế phối hợp đồng thời phải cụ thể hơn, rõ hơn, sâu hơn và toàn diện hơn. BĐBP sẽ có kiến nghị để Chính phủ sớm ban hành “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới”; đồng thời tiếp tục làm tốt công tác tham mưu về việc tăng cường chức danh cán bộ xã, thực hiện chính sách cán bộ biệt phái; tiếp tục nhân rộng mô hình đảng viên biên phòng tham gia sinh hoạt ở địa phương.


Tại hội nghị lần này, các đại biểu đã nghe ý kiến phát biểu tham luận của các đồng chí thay mặt cho các tỉnh, thành ủy. Hầu hết các ý kiến đều ghi nhận những đóng góp to lớn của BĐBP trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giúp dân xóa đói giảm nghèo, phòng chống thiên tai, giữ gìn an ninh trật tự địa bàn và đấu tranh hiệu quả với các loại hình tội phạm xuyên quốc gia trên địa bàn biên giới.

Các đại biểu cũng đưa ra những kiến nghị đối với công tác biên phòng. Đó là: Cần được đầu tư tốt hơn ở cả hai phía địa phương và BĐBP, nhất là các phương tiện tàu thuyền có khả năng chịu được sóng to, gió lớn phục vụ cho công tác tìm kiếm cứu nạn và hoạt động tuần tra trên biển. Mặt khác, đối với các cán bộ, đảng viên BĐBP về sinh hoạt ở địa bàn cần phải kiên trì, sâu sát hơn, nêu gương về mọi mặt trước quần chúng. Về việc đưa cán bộ biên phòng về nhận vị trí chủ chốt tại địa phương, cần phải được triển khai các bước phù hợp với Điều lệ Đảng và phải có một ngân sách ổn định cho công tác biên phòng. 


Việc làm tốt công tác phối hợp giữa Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP và các tỉnh, thành ủy trong năm 2011 đã cho thấy có sự chuyển biến mới về nhận thức và hành động trong thực hiện nhiệm vụ công tác biên phòng; trở thành cơ sở vững chắc để phát huy sức mạnh tổng hợp của nền “Biên phòng toàn dân” trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Lực lượng BĐBP ở các địa phương luôn có được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân về vật chất và tinh thần. Đây thực sự là nguồn động viên to lớn để các cán bộ, chiến sỹ BĐBP hoàn thành tốt chức năng của đội quân chiến đấu, đội quân công tác nơi biên cương, hải đảo của Tổ quốc.

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất