Vấn đề xây dựng một Quốc hội mạnh để đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là nơi gửi gắm niềm tin, thực hiện tốt sự uỷ quyền của cử tri càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, đó cũng chính là xu thế của thời đại.
Sáng ngày 28-3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chủ trì, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn điều khiển nội dung, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo tổng kết hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007-2011). Dưới đây là một số ý kiến:
Về kết quả
Đại biểu Lê Văn Cuông - Thanh Hoá: Quốc hội khóa XII đã phát huy cao độ tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, cởi mở và có tính xây dựng trong hoạt động nghị trường nên đã để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng cử tri. Là diễn đàn lớn thể hiện thành công nền dân chủ xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội khóa XII đã kế thừa, phát huy những thành quả về dân chủ mà các nhiệm kỳ trước đã đạt được. Dân chủ trong Quốc hội phản ánh sự tiến bộ trong xã hội. Chính các hoạt động của Quốc hội thông qua tranh luận dân chủ, thẳng thắn đã làm cho việc điều hành đất nước có chất lượng hơn. Văn hóa tranh luận, đối thoại công khai tại nghị trường trước khi tiến hành biểu quyết cho thấy Quốc hội đã thực sự là của dân, do dân và vì dân. Cử tri ngày càng yêu mến, tin tưởng vào Quốc hội, bởi Quốc hội đã nói lên tiếng nói bảo vệ lợi ích của họ.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh - Tp. Hải Phòng: Đây là khóa Quốc hội đầu tiên thảo luận theo nhóm vấn đề để tăng tính tranh luận, tăng đối thoại làm sáng tỏ những nhóm vấn đề lớn, nổi bật của đất nước và cũng là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành chất vấn tại hội trường theo nhóm vấn đề và ra nghị quyết về chất vấn, trả lời chất vấn để giải quyết cụ thể vấn đề hậu chất vấn, bước đầu tạo được hành lang pháp lý, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động giám sát của Quốc hội. Nhiệm kỳ này cũng lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đăng đàn trong nhiều giờ để trả lời chất vấn, đối thoại thẳng thắn, nghiêm túc và làm rõ các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, tạo ra phong cách làm việc mới, làm cho hoạt động chất vấn trên nghị trường ngày càng hiệu quả hơn. Quốc hội khóa XII cũng lần đầu tiên tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giải quyết kịp thời các tình huống phát sinh về kinh tế - xã hội giữa hai kỳ họp của Quốc hội, được cử tri cả nước theo dõi và đánh giá cao. Cũng tại Kỳ họp khóa XII, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên báo cáo tự giám sát mình tại Quốc hội, báo cáo về giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri đối với các cơ quan chức năng.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Bạc Liêu: Quốc hội khóa XII đã thể hiện tốt về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình trên cả 3 lĩnh vực: lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Đại biểu Danh Út - Kiên Giang: Điểm mới đáng ghi nhận của Quốc hội khóa XII là đã tạo được sự kết nối ngày càng tốt hơn giữa Quốc hội, đại biểu Quốc hội với cử tri. Cử tri nhận thấy hoạt động của Quốc hội mang lại những hiệu quả thiết thực.
Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng - Tp. Hồ Chí Minh: Hoạt động Quốc hội nhiệm kỳ này có nhiều tiến bộ, nhiều điểm mới ai cũng thấy. Nhưng nổi lên 2 tiến bộ, 2 điểm mới sau đây: Điểm thứ nhất, các phiên họp của Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội, chất vấn và trả lời chất vấn rất hấp dẫn đối với cử tri, nhiều cử tri nói họ thích theo dõi các phiên họp của Quốc hội. Tại sao hoạt động chất vấn lại hấp dẫn như thế, theo tôi có 3 lý do: Một, việc chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành theo từng nhóm vấn đề nên các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn rất tập trung, không tản mạn. Hai, Chủ tọa, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội đã chủ động gợi ý và tạo điều kiện cho các đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận sôi nổi. Ba, nhiều đại biểu Quốc hội rất bản lĩnh, tranh luận thẳng thắn, mạnh mẽ, nảy lửa nhưng rất tâm huyết chân tình và xây dựng.
Điểm thứ hai, về mặt tổ chức, Quốc hội đã thành lập thêm 2 ủy ban mới, chuyển trọng tâm của hoạt động trong cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội nên chất lượng các Báo cáo thẩm tra của các Ủy ban Quốc hội đối với các Báo cáo của Chính phủ và dự án luật rất có chất lượng.
Đại biểu Phạm Quốc Anh - Đồng Nai: Tính dân chủ, công khai của Quốc hội ngày càng rõ rệt, mang lại niềm tin trong nhân dân. Các kỳ họp thảo luận về kinh tế - xã hội, các kỳ chất vấn của Quốc hội ngày càng được nhân dân quan tâm, theo dõi và đồng tình. Công tác xây dựng pháp luật có nhiều cố gắng với khối lượng công việc đồ sộ, đến nay, về cơ bản các luật của chúng ta đáp ứng được yêu cầu hội nhập với thế giới.
Điểm nữa là hoạt động đối ngoại, Quốc hội đã làm tốt vai trò Chủ tịch hiệp hội của Nghị viện các nước ASEAN, AIPA và Phó chủ tịch Hiệp hội Liên minh nghị viện quốc tế AIPO, nâng cao được vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Đây là những tiến bộ đáng ghi nhận trong hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ này.
Kiến nghị
Đại biểu Lê Văn Cuông - Thanh Hoá: Muốn có được một Quốc hội mạnh, trước hết phải bắt đầu từ vai trò trách nhiệm của từng đại biểu Quốc hội, trong đó vai trò đại biểu chuyên trách là rất quan trọng. Vai trò của người đứng đầu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của Quốc hội. Hơn ai hết, các vị trí này phải là những cá nhân thực sự có bản lĩnh, trí tuệ và nhân cách, có đức tính hy sinh vì lý tưởng của Đảng, lợi ích của dân tộc, của nhân dân, sẵn sàng đương đầu với những khó khăn, thử thách, không né tránh, ngại va chạm và không cơ hội mới tạo được niềm tin trong nhân dân. Vai trò của Văn phòng Quốc hội và Văn phòng phục vụ đoàn đại biểu Quốc hội ở các địa phương là bộ phận không thể thiếu, không thể tách rời hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh - Tp. Hải Phòng: Đề nghị Quốc hội tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách ở các đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố và xác định rõ địa vị pháp lý về hoạt động của các đoàn đại biểu Quốc hội. Quốc hội cũng cần nghiên cứu về chế độ, chính sách đãi ngộ giữa đại biểu chuyên trách ở Trung ương và đại biểu chuyên trách ở địa phương sao cho công bằng, bình đẳng.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Bạc Liêu kiến nghị quan tâm tổ chức giám sát các chuyên đề thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, qua đó tìm ra giải pháp thiết thực, khắc phục triệt để trong thời gian tới.
Ngoài việc giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri trước mỗi kỳ họp, nên có bổ sung và báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của Quốc hội sau giám sát để chất lượng giám sát của Quốc hội ngày càng tốt hơn.
Tăng cường hơn nữa việc tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm để giúp cho đại biểu mới được bầu có kỹ năng làm nhiệm vụ của mình, đặc biệt là những thông tin có tính phản biện có giá trị, để khi quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước cũng như việc xem xét thông qua các luật của Quốc hội, đại biểu tự tin hơn.
Cần có quy định chế độ hợp lý đối với đại biểu chuyên trách.
Đại biểu Lê Thị Dung - An Giang đề nghị tính phản biện phải cao hơn và đa chiều hơn nữa, tránh hiện tượng nể nang, không quyết liệt với những vấn đề thấy chưa ổn và cần phải tính toán.
Đại biểu Nguyễn Đình Xuân - Tây Ninh: Tôi thấy rằng chúng ta chọn ra những đại biểu trẻ để có thể cống hiến được nhiều khóa, để tiếp tục tái cử chứ không phải là nhiệm kỳ sau lại thay đổi bằng một người trẻ khác để luôn luôn có đại biểu trẻ trong cơ cấu và người trẻ cũng phải tiêu biểu cho giới trẻ chứ không chỉ đơn giản là trẻ. Tức là có tiếng nói của giới trẻ và có tính đại diện cao.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào - Tp. Hà Nội: Với tư cách là một cơ quan quyền lực mà chức năng đầu tiên là lập pháp thì chúng ta làm được nhiều, nhưng có cái chưa làm được. Tôi đề nghị không nên vì số lượng các luật mà nên vì chất lượng các luật có tính ổn định, lâu dài, khi đã đầu tư trí tuệ, tiền bạc thì luật đó chắc chắn phải đi vào cuộc sống và có lợi ích cho nhân dân, chứ không thể thỉnh thoảng lại sửa luật.
Mỗi đại biểu, từng đoàn đại biểu và cả Quốc hội đều không chỉ phải giám sát chuyên đề mà còn phải giám sát từng công việc dân sinh cụ thể.
Đại biểu Dương Trung Quốc - Đồng Nai: Mặc dù tỷ trọng đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng ảnh hưởng đến tính chuyên nghiệp, nhưng quan trọng nhất là tính chuyên nghiệp của mỗi đại biểu Quốc hội là chuyên trách hoặc không chuyên trách.
Đại biểu Phạm Thị Loan - Tp. Hà Nội: Đề nghị từng bước xem xét lại số đại biểu, đặc biệt là đại biểu chuyên nghiệp và đại biểu không thuộc cơ quan hành pháp tham gia vào Quốc hội, những đại biểu không phải là đảng viên.
Đại biểu Hồ Trọng Ngũ - Ninh Thuận: Thực chất vấn đề không phải là đại biểu ngoài Đảng hay trong Đảng, mà chính là chất lượng của đại biểu và cơ chế phát huy vai trò của từng đại biểu. Cần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Hữu Đồng - Nam Định: Cần có hình thức bình xét, động viên khen thưởng đại biểu, các đoàn đại biểu.
Thu Huyền