Ngày 22-11-2011, tại Vĩnh Yên, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí”. Đồng chí Tạ Ngọc Tấn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì (ảnh). Đông đảo các nhà báo ở các chi hội, liên chi hội nhà báo các địa phương và Trung ương tham dự.
Nghề báo đòi hỏi sự sáng tạo, đổi mới hằng ngày, nên bất cứ nhà báo nào cũng cần được bồi dưỡng nghiệp vụ. Những năm qua, báo chí Việt Nam có sự thay đổi to lớn cả về quy mô, số lượng và cách thức hoạt động, sự thay đổi đó tạo ra những thách thức đối với cơ quan báo chí và những người làm báo, do vậy việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí là nhu cầu cần thiết và mang tính thường xuyên.
Năm 2011, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí đã phối hợp tổ chức được 49 lớp bồi dưỡng cho 2.211 nhà báo, trong đó có 18 lớp do giảng viên nước ngoài lên lớp cho 287 nhà báo; 4 hội thảo trong nước và 1 hội thảo quốc tế cho 440 nhà báo. Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục triển khai các khoá bồi dưỡng nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu phát triển kỹ năng nghiệp vụ cho các nhà báo. Liên kết với các cơ quan báo chí, trung tâm đào tạo của các cơ quan báo chí, các trường đào tạo báo chí để phối hợp và mở rộng các hình thức đào tạo bồi dưỡng, đồng thời phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ nước ngoài để tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và hội thảo để các nhà báo học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi làm rõ các nội dung: Nhu cầu đào tạo của các cơ quan báo chí; các hình thức đào tạo phù hợp; nội dung đào tạo đối với phóng viên, đối với lãnh đạo, quản lý cơ quan báo; về quy mô đào tạo sao cho hiệu quả; cơ chế, chính sách của các cơ quan báo chí trong việc bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho đội ngũ biên tập viên, phóng viên và cơ chế để duy trì, phát triển đội ngũ giảng viên…
Qua hội thảo, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí trao đổi và chia sẻ sâu về công tác bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí. Trung tâm tiếp nhận được nhiều ý kiến về giải pháp, nội dung, phương pháp… từ đó có cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ phù hợp, đồng thời xác lập tốt mối quan hệ giữa trung tâm, liên kết với cơ sở đào tạo của các cơ quan báo chí để hỗ trợ, phối hợp trong đào tạo, bồi dưỡng đạt kết quả…
Hồng Phúc