Thảo luận tại Hội trường về Luật Giám định tư pháp

Theo Chương trình làm việc, buổi sáng ngày 21-11-2011, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, QH thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giám định tư pháp.

Có nên giữ bộ phận giám định pháp y công lập là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đề cập, trong đó đa số ý kiến nghiêng về việc nên giữ bộ phận giám định pháp y thuộc phòng kỹ thuật hình sự công an tỉnh.

Lập luận của nhiều đại biểu cho thấy thực tiễn hoạt động giám định pháp y của đội ngũ giám định viên pháp y thuộc công an cấp tỉnh đang phát huy hiệu quả, không có vướng mắc về quản lý nhà nước cũng như tổ chức việc giám định; phục vụ kịp thời cho quá trình tiến hành tố tụng, nhất là đối với các vụ án phức tạp, nghiêm trọng. Những năm qua, lực lượng pháp y trong công an không để xảy ra sai phạm, vướng mắc cho ngành y tế, nếu bỏ sẽ dẫn đến thiếu hụt lực lượng chuyên môn, gây nhiều khó khăn.

Từ thực tế hơn 30 năm tham gia công tác pháp y, hiểu tới "chân tơ kẽ tóc" của công việc đầy gian khổ và vất vả này, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) băn khoăn, chúng ta còn chủ trương giải quyết điểm nghẽn trong giám định pháp y bằng việc xã hội hóa, trong lúc đất nước đang cần xã hội chung tay thì không lý gì chúng ta bỏ lực lượng pháp y trong công an tỉnh. Với yêu cầu điều tra, khám phá nhanh chóng, kịp thời của vụ án thì pháp y trong công an nhân dân có điều kiện để đảm bảo hơn. Theo đại biểu, nếu vì lý do tập trung nhân lực, nên tập trung cho lực lượng pháp y công an, Bộ Y tế làm nhiệm vụ chữa bệnh cho nhân dân, hoặc có chăng thì thêm phần giám định y khoa ngoài tư pháp.

Các ý kiến đề nghị nên giữ quy định về tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y như hiện hành, gồm Viện pháp y quốc gia; Trung tâm pháp y tỉnh, thành phố; Viện pháp y quân đội; Trung tâm pháp y thuộc Viện khoa học hình sự của Bộ Công an; Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giám định viên pháp y; Bệnh viện cấp quân khu có giám định viên pháp y.

Việc xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp cũng được nhiều đại biểu thảo luận. Đa số ý kiến cho rằng việc thành lập tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập là loại hình dịch vụ mới, cần có lộ trình phù hợp. Không đồng tình với việc xã hội hóa hoạt động giám định pháp y bao gồm cả việc giao cho đương sự được trưng cầu giám định, đặc biệt là đối với các vụ án hình sự, những vấn đề liên quan đến hành chính và kể cả một số vấn đề liên quan đến dân sự là ý kiến của đại biểu Hồ Trọng Ngũ. Theo đại biểu, vấn đề bảo đảm công lý là trách nhiệm của Nhà nước, vì thế vấn đề giám định pháp y xét về mặt đạo lý thì Nhà nước phải bảo đảm cho toàn bộ hoạt động của hệ thống tư pháp hoạt động thật tốt. Sự đầu tư để giúp cho việc xác định chân lý khách quan trong quá trình giải quyết vụ việc phải là đầu tư công là chính. Đại biểu này cho rằng Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về vấn đề này hết sức thận trọng chứ không phải cái gì cũng xã hội hóa. Những vấn đề thuộc về căn nguyên, những vấn đề thuộc về bản chất mà làm thay đổi là không đúng với tinh thần Nghị quyết. Tư duy về xã hội hóa hơi thái quá trong nhiều Luật gần đây - đại biểu nhấn mạnh.

Nhiều đại biểu đánh giá thực tế Nhà nước đầu tư cho giám định chưa đáng kể nên hoạt động giám định còn nhiều hạn chế, chưa đạt hiệu quả mong muốn, vì thế số án tồn nhiều, xử lý kéo dài, do vậy phải tính đến bài toán xử lý đầu tư tốt hơn. Một số ý kiến cho rằng, nếu tính xã hội hóa cho đương sự trưng cầu giám định là lợi bất cập hại, Nhà nước được lợi bao nhiêu, giảm chi ngân sách bao nhiêu thì chưa biết, nhưng cái có thể nhìn thấy là tình hình lộn xộn, phức tạp trong xã hội chắc chắn sẽ diễn ra.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất