Dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sáng 18-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Giá.
Đa số các đại biểu đều cho rằng, dự thảo Luật Giá cần quy định chi tiết, cụ thể, đặc biệt là quy định trách nhiệm, vai trò của Nhà nước đối với bình ổn giá. Coi trọng vai trò, sự can thiệp điều tiết giá cả của cơ quan quản lý nhà nước và thành lập Quỹ bình ổn giá đối với những mặt hàng thiết yếu, phải hướng tới số đông người dân được thụ hưởng, do đó nên chăng trong Luật cần có quy định danh mục các loại hàng hóa được bình ổn giá. từ đó đưa ra các biện pháp can thiệp hợp lý tùy từng mức độ, tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Quỹ bình ổn này sẽ góp phần kiểm soát giá cả của nhiều loại hàng hóa, tránh hiện tượng đầu cơ, găm hàng đẩy giá cao.
Thực hiện tốt bình ổn giá sẽ đảm bảo nguồn cung - cầu hàng hóa trên thị trường, tránh khan hiếm giả tạo và góp phần ổn định nền kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, cần đảm bảo lợi ích bình ổn giá giữa các vùng, miền, đối tượng thu nhập thấp. Trong thảo luận, nhiều đại biểu kiến nghị dự thảo Luật cần có các biện pháp chú trọng ổn định giá hàng hóa nông nghiệp, xem xét đến việc định giá nông sản, đảm bảo quyền lợi cho người nông dân, trong dự thảo Luật có trao quyền cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh được định giá sản phẩm của mình, nhưng những người nông dân lại không được quy định giá mà luôn bị ép giá, thực tế nhiều mặt hàng người nông dân không được định giá mà do người mua định giá.
Nhằm phát huy chính sách bình ổn giá của Chính phủ, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra sự niêm yết giá tại các cửa hàng siêu thị, thường xuyên kiểm tra việc bán hàng theo giá niêm yết. Có ý kiến nhấn mạnh nội dung liên quan đến mục tiêu của Luật, xác định rõ hơn nội dung bình ổn giá, tên gọi và phạm vi điều chỉnh của Luật…
Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá các ý kiến thảo luận rất có chất lượng, với mong muốn Luật Giá được ban hành sẽ đáp ứng được yêu cầu quản lý giá trong nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường. Quốc hội sẽ xem xét các ý kiến đề nghị cần xác định danh mục hàng hóa bình ổn giá trong dự luật, phân loại các nhóm hàng hóa để quy định quản lý cho phù hợp, bổ sung chế tài, cơ chế xử lý cụ thể, các hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm soát về giá… để đảm bảo Luật giá có chất lượng, minh bạch, rõ ràng và khi ban hành sẽ đáp ứng được yêu cầu quản lý, kiểm soát của Nhà nước trong việc bình ổn giá, ổn định kinh tế vĩ mô.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Hồng Phúc