Sáng 17-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh Quốc hội khóa XIII.
Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh toàn khóa gồm 96 dự án thuộc Chương trình chính thức (90 dự án luật và 6 dự án pháp lệnh) và 38 dự án thuộc Chương trình chuẩn bị.
Đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội đồng tình với dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng Chương trình đã bám sát những định hướng lớn của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, không ít đại biểu lưu ý tới tính khả thi của chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của khóa trước. Mặc dù Quốc hội khóa XII đã quyết định được rất nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần thiết lập khung pháp luật quản lý nhà nước, quản lý xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền, nhưng vẫn còn những hạn chế và chưa đạt được những kết quả như mục tiêu chương trình đề ra. Mới thông qua được 67/83 dự án luật, 14 pháp lệnh và 7 nghị quyết.
Nguyên nhân của việc xây dựng pháp luật chưa hiệu quả, theo các đại biểu là do chưa nắm chắc những tiêu chí cơ bản về nội hàm của luật cần ban hành, khâu soạn thảo triển khai chậm dẫn đến việc góp ý, thảo luận chưa kỹ, ảnh hưởng tới chất lượng luật. Việc đầu tư cho xây dựng pháp luật chưa được coi trọng và thiếu chỉ đạo quyết liệt từ phía Quốc hội. Ngoài ra, chưa xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân không đảm bảo nghiêm túc tiến độ xây dựng luật…
Góp ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII, hầu hết các đại biểu đề nghị xây dựng luật phải trên quan điểm bám sát nhu cầu cuộc sống, nhấn mạnh một số nguyên tắc ưu tiên, các điều kiện đảm bảo hoàn thành chương trình với chất lượng cao, kiên quyết không đưa vào chương trình những dự án luật chưa rõ phạm vi, đối tượng điều chỉnh, chưa có cơ sở đảm bảo hình thành dự án luật, ưu tiên những dự án luật có sự chuẩn bị tốt, bảo đảm tính hợp pháp, hợp hiến…
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.
Hồng Phúc