Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Đại biểu phát biểu tại tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Tầm quan trọng của việc sửa đổi Hiến pháp 1992. Các đại biểu cho rằng: Qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định mục tiêu, định hướng phát triển toàn diện, bền vững đất nước trong giai đoạn cách mạng mới nhằm xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nhất trí với việc tiến hành sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đại biểu Nguyễn Đăng Tiến (Bắc Giang) nói: Việc sửa đổi hiến pháp lần này cần làm rõ hơn về phần mục đích, yêu cầu; xác định rõ mô hình và quy định cụ thể một số nội dung trong các chương, điều để hoàn thiện kỹ thuật lập hiến, bảo đảm để Hiến pháp thực sự là đạo luật cơ bản, có tính ổn định, lâu dài. Theo đại biểu Nguyễn Quốc Cường (Bắc Giang): Việc sửa đổi, bổ sung hiến pháp lần này dựa trên cơ sở tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và các đạo luật có liên quan; căn cứ vào định hướng, nội dung của Cương lĩnh và các văn kiện khác của Đảng; kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và của các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp; sửa đổi, bổ sung những vấn đề thực sự cần thiết, những vấn đề đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có đủ cơ sở, nhận được sự thống nhất cao và phù hợp với tình hình mới đã được văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng xác định...

Sửa đổi Hiến pháp phải bảo đảm đổi mới đồng bộ. Thảo luận tại tổ, đa số các ý kiến của đại biểu cơ bản nhất trí với Tờ trình của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp về sự cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân… Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cho rằng cần đánh giá cụ thể báo cáo sau 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992 vì đây là cơ sở để sửa đổi. Đại biểu nêu ý kiến: Nói sửa đổi Hiến pháp cho phù hợp với tình hình mới thì phải làm rõ nội dung “tình hình mới” như thế nào để chiếu vào các điều khoản sửa đổi xem có phù hợp hay không.

 

                                     Đại biểu đoàn Bắc Giang phát biểu ý kiến

Liên quan đến Điều 2, Hiến pháp năm 1992 xác định: “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức…”. Qua thảo luận, có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị tiếp tục giữ nội dung quy định tại Điều 2, chỉ thay từ “tầng lớp” bằng từ “đội ngũ” để khẳng định bản chất công - nông - trí của Nhà nước ta. Loại ý kiến thứ hai đề nghị sửa quy định này thành: “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc…” để thể chế hóa quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc với vai trò là động lực của phát triển xã hội. Ủy Ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tán thành loại ý kiến thứ nhất và đã thể hiện tại Điều 2 của Dự thảo. Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TP.Hồ Chí Minh) tán thành với ý kiến của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và đề nghị giữ nguyên Điều 2 của Hiến pháp hiện hành để đề cao vai trò của đội ngũ trí thức. Tuy nhiên, cũng về nội dung này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.Hồ Chí Minh) lại thiên về loại ý kiến thứ hai.Còn đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM) cũng đề nghị sửa quy định này thành: “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc…” nhưng thêm “nòng cốt là công - nông - trí”. Điều 9, Hiến pháp năm 1992 thể hiện các nội dung liên quan đến các tổ chức chính trị - xã hội một cách tổng quát. Qua thảo luận, có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giữ quy định này như Hiến pháp năm 1992, không liệt kê cụ thể các tổ chức chính trị - xã hội vì bản thân cụm từ “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên” đã bao gồm các tổ chức này. Quy định như vậy bảo đảm tính ổn định cao của Hiến pháp, đáp ứng sự phát triển của các tổ chức chính trị - xã hội; đồng thời thể hiện sự bình đẳng giữa các tổ chức đó với các tổ chức xã hội khác. Loại ý kiến thứ hai đề nghị nêu tên gọi của các tổ chức chính trị - xã hội hiện nay để thể hiện rõ hơn vị thế của các tổ chức chính trị - xã hội trong Hiến pháp. Tuy nhiên, về lâu dài có thể sẽ không phù hợp với sự phát triển của các tổ chức này vì có thể có sự thay đổi về tên gọi hoặc có tổ chức chính trị - xã hội mới. Ủy ban tán thành loại ý kiến thứ nhất và đã thể hiện tại Điều 9 của Dự thảo. Đại biểu Nguyễn Văn Pha (Nam Định) tán thành với loại ý kiến thứ nhất và đề nghị cần bổ sung thêm một số chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để phù hợp với Cương lĩnh của Đảng cũng như là Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XI. Bên cạnh đó, một số đại biểu quan tâm tới vấn đề khác như quy định về chính quyền địa phương, quy định ngân sách…

Tập trung được trí tuệ toàn dân trong xây dựng Hiến pháp. Số đông đại biểu cho rằng, trong điều kiện của hệ thống chính trị nước ta thì trưng cầu ý dân về Hiến pháp là sự kiện hệ trọng, nên giao cho Quốc hội quyền cân nhắc và quyết định để phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi giai đoạn. Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng, cần tổ chức thực hiện làm sao tập trung được trí tuệ toàn dân trong xây dựng Hiến pháp, phải có cơ chế tiếp thu các luồng ý kiến để sửa đổi tốt hơn, đồng thời loại bỏ những ý kiến không mang tính xây dựng. Đại biểu Ngô Văn Minh nhấn mạnh: Việc lấy ý kiến nhân dân phải làm tốt. Ý kiến nào được tiếp thu hay không được tiếp thu phải được giải trình rõ… Trên cơ sở ý kiến của nhân dân và ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban sẽ tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2013); sau đó, tiếp tục hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2013).

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất