Hôm nay 30-10, buổi sáng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh; thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều nhất trí cần có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Tuy nhiên cần phải nghiên cứu để Luật có "sức sống" ít nhất mười, mười lăm năm.
Về việc thành lập trường đại học, các đại biểu nhất trí tách làm 2 phần (thành lập, được phép hoạt động), quy định rõ sau 3 năm đăng ký thành lập mà không hoạt động được thì bị xử lý theo Luật. Coi trọng xây dựng hệ thống kiểm tra chặt chẽ, trước hết là việc cấp phép thành lập trường, cấp phép các trường hoạt động.
Về vấn đề quyết định thành lập trường đại học vẫn còn 2 luồng ý kiến. Tuy nhiên, đa số ý kiến nhất trí giao quyền cho Bộ Giáo dục và Đào tạo với lý do làm được như vậy sẽ nâng cao thẩm quyền, trách nhiệm của người đầu ngành. Trong dự thảo Luật có nêu trong trường hợp đặc biệt thì Thủ tướng quyết định. Vấn đề đặt ra những trường hợp như thế nào được coi là trường hợp đặc biệt.
Đại biểu nhất trí cao với việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Đại biểu nêu lên thực trạng chất lượng chương trình giáo dục phổ thông: dạy chữ - dạy người chưa cân đối, học chưa đi đôi với hành... Sách giáo khoa còn nhiều hạn chế, bất cập, quá nhiều sách tham khảo, kiến thức học quá tải, sách nhiều lỗi, bài học về đạo đức không nhiều như trước. Đại biểu nhấn mạnh: Quan tâm đến thẩm định chất lượng giáo dục, có trường đầu vào cao nhưng tỷ lệ đạt khá, giỏi lại thấp, thể hiện sự bất cập giữa các cơ sở đào tạo. Nên có chương trình cụ thể cho giáo dục ngoài công lập (hiện nay thu phí cao nhưng chất lượng chưa tương xứng). Cần quan tâm đồng bộ đến trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Đại biểu Quốc hội cũng đề cập đến vấn đề mở thêm trường dân tộc nội trú. Việc biên soạn và áp dụng sách giáo khoa tiếng dân tộc phải có lộ trình. Đại biểu Quốc hội đồng tình quan điểm cần quan tâm đến vấn đề kiểm định chất lượng giáo dục, nhất trí thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục độc lập; nếu cơ sở báo cáo sai chất lượng giáo dục phải có chế tài xử lý nghiêm minh. Cần quan tâm đúng mức đến điều kiện bảo vệ luận án tiến sĩ…
Thu Huyền