Quốc hội thảo luận về Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi)

Trước khi thảo luận, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Có ý kiến cho rằng, một số quy định của Dự thảo luật chưa có tính khả thi cao, nhất là về cơ chế, chính sách; về trách nhiệm của người đứng đầu; về cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; THTK, CLP trong nhân dân. Đề nghị nghiên cứu, bổ sung để tăng tính khả thi của Luật… Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo phối hợp, rà soát và bổ sung vào Dự thảo luật những quy định cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu; hành vi lãng phí và chế tài xử lý; cơ chế giám sát của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; nguyên tắc THTK, CLP trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân...; đồng thời, giao cho Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính khả thi của Luật. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh sửa theo hướng quy định cụ thể trách nhiệm trực tiếp, liên đới trong từng trường hợp vi phạm quy định về THTK, CLP; trách nhiệm trong công khai, xử lý thông tin phát hiện lãng phí, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về THTK, CLP theo thẩm quyền. Đặc biệt, đã bổ sung vào Dự thảo luật trách nhiệm và chế tài xử lý đối với người có thẩm quyền không xử lý các hành vi vi phạm Luật THTK, CLP để bảo đảm tính khả thi cũng như tính nghiêm minh của pháp luật, khắc phục tình trạng có sai phạm mà không bị xử lý…

Phát biểu tại Hội trường, các đại biểu Quốc hội đã có ý kiến như:

Chính phủ, Quốc hội phải làm gương trong thực hành chống lãng phí để nhân dân noi theo. Các ý kiến phát biểu tại Hội trường, đa số nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành Luật này, bởi tình trạng lãng phí nghiêm trọng diễn ra ở mọi cấp, mọi nơi, dưới nhiều hình thức. Đại biểu Trương Thái Hiền (Kiên Giang) cho rằng: Thời gian qua nhiều dự án, đề án, hồ sơ với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng nhưng không khả thi, gây thiệt hại rất lớn cho xã hội. Đối với những người có thẩm quyền để xảy ra lãng phí thì phải chịu bồi thường hoặc bị cách chức. Để Luật Thực hành tiết kiệm đi vào cuộc sống, đề nghị dự thảo Luật xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra lãng phí bằng chế tài cụ thể, có thể xử lý hình sự để tạo sự răn đe trong xã hội. Đại biểu Trương Thái Hiền cũng đề nghị Nhà nước rà soát, có sự tinh giảm biên chế đối với những đối tượng công chức “ngồi không” để tránh lãng phí, tiết kiệm ngân sách Nhà nước; có biện pháp xử lý, hạn chế các vụ tham nhũng, có như vậy Nhà nước mới thực sự của dân, do dân và vì dân. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) khẳng định: Dự thảo luật chỉ mới chạm tới phần ngọn, mà chưa đụng tới cái gốc của vấn đề lãng phí. Đại biểu Thúy nhấn mạnh tới trách nhiệm của người ban hành những chính sách không khả thi, gây thất thoát, lãng phí tiền của, công sức của dân. Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cũng nêu vấn đề trách nhiệm của các Bộ, ngành để xảy ra lãng phí.

Nói về lãng phí trong hội họp, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) nêu ý kiến: Có những hội nghị, hội thảo không hợp với nhu cầu của đại biểu, nhưng vẫn rất tốn kém cho đại biểu đi lại. Nếu họp hành liên miên mà không hiệu quả thì trách nhiệm thuộc về ai? Đồng quan điểm với ông Trần Quốc Tuấn, đại biểu Võ Thị Dung (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị cần điều chỉnh Luật theo hướng chống lãng phí ngay từ phía cơ quan Nhà nước, chi đầu tư công. Chính phủ, Quốc hội phải làm gương trong thực hành chống lãng phí để nhân dân noi theo.

Cần quy định rõ trách nhiệm người gây lãng phí. Tại phiên thảo luận dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải nêu đích danh người gây lãng phí, người đứng đầu ra quyết định gây lãng phí. Theo ý kiến của nhiều đại biểu, thực tế chưa ai bị xử lý vì gây lãng phí, nhưng ai cũng biết lãng phí có gây hậu quả nghiêm trọng hơn cả tham ô, ví dụ như việc qui hoạch đất đai, xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản, ô tô, thậm chí là việc tổ chức biên chế, xây dựng tiêu chuẩn định mức không hợp lý. Nhiều đại biểu nhắc đến việc loại bỏ ra khỏi qui hoạch 400 dự án thủy điện thời gian vừa qua cũng là thể hiện sự lãng phí nghiêm trọng. Hay như việc đào đường, vỉa hè tràn lan do thiếu sự kết nối giữa các cơ quan liên quan… Việc lãng phí thời gian, tiền của cũng chưa được thống kê chính xác. Đại biểu Lê Đắc Lâm (đoàn Bình Thuận) nêu ý kiến: Ngoài việc phải chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả kinh tế thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm pháp lý. Nếu khắc phục được thì giảm trách nhiệm pháp lý chứ không miễn. Theo nhiều đại biểu, việc vừa qua phải loại bỏ đến 400 dự án thủy điện cho thấy cần phải quy định trách nhiệm trong việc lập, phê duyệt các dự án này. Còn theo đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh), trên thực tế có những lãng phí là do sự phối hợp thiếu chặt chẽ của các bộ, ngành. Chẳng hạn như việc vừa đào đường cấp thoát nước xong thì lại đến đào cáp quang, điện... Do vậy, cần quy định trách nhiệm trong việc thiếu sự phối hợp gây cản trở sự phát triển.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất