Quốc hội thông qua Hiến pháp mới

Mở đầu phiên làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, để chuẩn bị cho việc thông qua bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, mỗi đại biểu Quốc hội đều đã làm việc hết sức mình, thảo luận nhiều phiên qua 3 kỳ họp với tinh thần lắng nghe, thấu hiểu, tiếp thu, chắt lọc tinh hoa toàn dân vào bản Dự thảo Hiến pháp được đề nghị thông qua…

Sau lời mở đầu của Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu đã nghe Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 1992 Uông Chu Lưu trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về những vấn đề còn ý kiến khác nhau trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).

Báo cáo giải trình cho biết, bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã bám sát các định hướng phát triển của đất nước, tiếp thu ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân, các đại biểu Quốc hội, tham vấn nhiều ý kiến chuyên gia… Các đại biểu Quốc hội đánh giá, bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp được trình Quốc hội kỳ này đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đáp ứng được mục đích, yêu cầu đề ra, có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến. Các đại biểu tán thành cao với bố cục của dự thảo Hiến pháp gồm 11 chương, 120 điều.

Đi vào các nội dung cụ thể, đa số ý kiến nhân dân và đại biểu Quốc hội tán thành với Lời nói đầu của Hiến pháp; quy định về Nhà nước, quyền lực Nhà nước và nguyên tắc tổ chức về quyền lực Nhà nước là do nhân dân làm chủ; vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội); vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, tham gia xây dựng Tổ quốc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; vai trò của công đoàn trong tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát chế độ, chính sách về lao động, quyền và nghĩa vụ của người lao động; các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã bao quát được hầu hết các quyền cơ bản theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đồng thời có nhiều điểm mới; duy trì nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước; tiếp tục khẳng định Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia…

Về thu hồi đất, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đồng ý như dự thảo, nhưng cũng có một số ý kiến đề nghị làm rõ hơn các trường hợp thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Theo Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, trong điều kiện nước ta hiện nay, vẫn cần thu hồi đất để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhưng các dự án này phải gắn kết với mục tiêu lợi ích quốc gia, công cộng. Quy định về thu hồi đất trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã được thể hiện theo hướng này.

Về chính quyền địa phương, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết phải đổi mới mô hình chính quyền địa phương phục vụ cho thời kỳ mới, khắc phục những bất cập hiện nay. Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Dự thảo đã bổ sung quy định về đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt; việc thành lập, giải thể, nhập, chia điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến nhân dân và theo luật định…

Toàn văn bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã được các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua với tỷ lệ 97,59% tổng số đại biểu tán thành.

* Ngay sau khi có Hiến pháp mới, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) với tỷ lệ 98,59% đại biểu ủng hộ. Theo đó, Hiến pháp mới sẽ phải được công bố chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày được thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014.

Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội khóa XIII tiếp tục hoạt động cho đến khi Quốc hội khóa XIV họp kỳ thứ nhất. Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước tiếp tục hoạt động cho đến khi Quốc hội khóa XIV bầu ra các cơ quan mới theo quy định của Hiến pháp (sửa đổi). Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tiếp tục hoạt động cho đến khi hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân được thành lập theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với Hiến pháp (sửa đổi). Các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành trước ngày Hiến pháp (sửa đổi) có hiệu lực phải được rà soát lại để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với Hiến pháp này. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân và ban hành mới Luật Tổ chức chính quyền địa phương phải được trình Quốc hội xem xét, thông qua chậm nhất là vào kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2015).

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất