Quốc hội thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và tiếp tục thảo luận Luật Đất đai (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 22-11, Quốc hội làm việc tại hội trường biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy và thảo luận về tình hình triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua.

Luật sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng cháy và chữa cháy; chế độ, chính sách đối với người tham gia chữa cháy; về phòng cháy đối với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy...

Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy.

* Thảo luận về tình hình triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua, đa số các đại biểu đánh giá Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan đã có nhiều cố gắng trong công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Về cơ bản, trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chất lượng của các văn bản từng bước được nâng lên so với trước. Những kết quả của hoạt động này đã góp phần đưa luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đi vào cuộc sống.

Tuy nhiên, công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết còn nhiều hạn chế. Nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành chưa được ban hành kịp thời để bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm với hiệu lực của luật, pháp lệnh, nghị quyết. Điều này làm cho các quy định của luật, pháp lệnh chưa được thực thi, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước...

Theo nhiều đại biểu, việc xây dựng luật cần xuất phát từ yêu cầu thực tiễn cuộc sống, không chạy theo số lượng, coi trọng chất lượng. Cơ quan thẩm tra của Quốc hội có trách nhiệm “song hành” với cơ quan soạn thảo ngay từ giai đoạn đầu để cùng đề xuất các chính sách, tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các chính sách mới phù hợp với thực tiễn, giám sát các văn bản để phát hiện sai sót, kiến nghị hoặc dừng các văn bản trái pháp luật...

Các đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tăng cường phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan liên quan trong việc chuẩn bị hồ sơ trình dự án; tăng cường giám sát; công khai những cơ quan chậm ban hành văn bản hướng dẫn; kiên quyết không đưa vào chương trình kỳ họp những dự án luật không bảo đảm quy định ngay từ Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành quan tâm, bảo đảm nguồn lực cho công tác xây dựng luật, pháp lệnh; sớm khắc phục tình trạng “9 không”: không đầy đủ, không rõ ràng, không cụ thể, không tương thích, không minh bạch, không tiên lượng trước, không hợp lý, không hiệu quả và không hiệu lực.

* Chiều 22-11, Quốc hội làm việc tại hội trường tiếp tục thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều khiển phiên họp. 

Trước đó, ngày 19-11, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Một trong những lý do sửa đổi Luật Đất đai là do bộ luật này còn có những bất cập, khiến cho tình trạng tiêu cực, khiếu kiện xảy ra khá nhiều. Có tới hơn 70% số vụ khiếu kiện trong thời gian qua đều có liên quan đến đất.

Theo các đại biểu Quốc hội, một trong những nguyên nhân chính là do cơ chế thu hồi, định giá đất không nhất quán, thiếu minh bạch. Vì vậy, những vấn đề còn ý kiến khác nhau được đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, bổ sung để hoàn thiện thêm, nhất là các vấn đề về trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu, quản lý thống nhất về đất đai; vai trò, thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, hội đồng nhân dân, UBND các cấp trong quản lý đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất...

Thủy Anh

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất