Ngày 25-11-2013, Quốc hôị biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Luật tiếp công dân. Các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi), dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
* Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật với đa số phiếu tán thành.
Theo Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, đã có 21 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường và 1 ý kiến góp ý bằng văn bản gửi đến Đoàn Thư ký kỳ họp góp ý về dự án Luật này. Trước khi thông qua dự thảo Luật này, các đại biểu đã đóng góp và cho ý kiến nhằm hoàn thiện các nội dung, quy định cụ thể. Nhìn chung, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, về cơ bản thống nhất với các quy định trong dự thảo Luật trình Quốc hội lần này. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến góp ý đề nghị làm rõ hoặc quy định cụ thể hơn nội dung một số điều, khoản trong dự thảo Luật.
* Luật Tiếp công dân được Quốc hội biểu quyết thông qua.
Giải trình trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc tiếp công dân thực chất là cách thức để cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, tổ chức có thể trực tiếp lắng nghe, tiếp nhận, làm rõ nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân, qua đó, giúp cho việc xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, chính xác, đúng pháp luật. Đồng thời, thông qua việc giải thích, hướng dẫn nhân dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật góp phần giải quyết tâm tư, bức xúc của công dân, củng cố và tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự thảo luật theo hướng tập trung quy định trách nhiệm và cách thức tổ chức tiếp công dân của các cơ quan nhà nước - là các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị… Luật có hiệu lực từ 1-7-2014.
* Thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Xây dựng, các đại biểu quan tâm nhiều đến phạm vi điều chỉnh của dự án luật, sự đồng bộ, thống nhất giữa đầu tư xây dựng và quy hoạch xây dựng.
Đánh giá chung về dự án luật và các nghị định liên quan được trình, các đại biểu cho rằng, đây là một dự án luật có chất lượng tốt, bố cục hợp lý, dễ hiểu, giải quyết được nhiều vấn đề đặt ra, nhất là tạo ra sự đổi mới về phương pháp quản lý nhằm hạn chế thất thoát trong hoạt động đầu tư xây dựng...
|
Đại biểu thảo luận tại Hội trường. |
Về phạm vi điều chỉnh của dự luật, đại biểu Lê Trọng Sang (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, dự luật không nên đưa quy hoạch xây dựng vào phạm vi điều chỉnh của luật mà nên tách ra thành luật riêng. Qua nghiên cứu pháp luật nhiều nước, họ đều hướng đến xây dựng luật quy hoạch xây dựng riêng và qua 10 năm thực hiện luật xây dựng, Việt Nam cũng đồng thời thực hiện luật quy hoạch. Vì vậy, việc xây dựng một bộ luật riêng về quy hoạch xây dựng là cần thiết. Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) cho rằng cần làm rõ đầu tư xây dựng với đầu tư công. Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) đề nghị, Ban soạn thảo có sự giải trình rõ hơn về việc mở rộng điều chỉnh hoạt động đầu tư xây dựng như trong dự án luật, đặc biệt là hoạt động đầu tư xây dựng với hoạt động đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư hiện hành. Đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) cho rằng, quy định về các nguồn đầu tư xây dựng trong dự án Luật Xây dựng đã thu hẹp phạm vi điều chỉnh của luật đầu tư công khi đưa nhiều nguồn đầu tư dự án ra ngoài nguồn đầu tư từ ngân sách.
Liên quan đến các quy định về quản lý nhà nước, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) đề nghị, cần có sự phân cấp quản lý nhà nước theo cấp công trình và loại công trình. Đồng thời, phải sửa đổi luật quy hoạch, luật nhà ở, luật kiến trúc sư… tạo đồng bộ trong quản lý lĩnh vực này.
Nhất trí tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý chuyên ngành về xây dựng nhằm nâng cao chất lượng công trình xây dựng, các đại biểu Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng), Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng), Lê Quang Hiệp (Thanh Hóa) đề nghị làm rõ quyền và trách nhiệm của cơ quan chuyên môn về xây dựng Nhà nước trong dự luật cũng như trách nhiệm của đơn vị tư vấn thẩm định dự án, chủ đầu tư... Đồng thời, công tác giám sát phải được thực hiện trong suốt quá trình thi công, nhà thầu phải chủ động đề xuất các giải pháp giám sát...
Thuỷ Anh