Luật Tố cáo: Cần bảo vệ người tố cáo và người bị tố cáo

Chiều 11-11-2010, các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về dự thảo Luật Tố cáo.


Theo tờ trình Chính phủ, dự thảo Luật Tố cáo gồm 9 chương và 72 điều. Về đối tượng áp dụng của dự thảo Luật Tố cáo bao gồm: công dân tố cáo; cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi bị tố cáo; cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc phối hợp giải quyết tố cáo. Dự thảo cũng quy định việc tố cáo và giải quyết tố cáo của cá nhân nước ngoài đang sinh sống, học tập, làm việc tại Việt Nam được áp dụng theo quy định của Luật này, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

                     
                                           Tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo
Về thẩm quyền giải quyết tố cáo, dự thảo quy định nguyên tắc xác định thẩm quyền như sau: Với các tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức nào thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm giải quyết. Dự thảo Luật cũng có hướng dẫn cụ thể về việc tiếp nhận và xử lý tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, bao gồm: tiếp nhận, xử lý đơn tố cáo, bản ghi lời tố cáo; tiếp nhận, xử lý tố cáo trực tiếp; tiếp nhận, xử lý tố cáo bằng điện thoại, thư điện tử, fax; việc xử lý tố cáo hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm; việc xử lý trong trường hợp hành vi bị tố cáo gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhà nước, của tập thể, tính mạng, tài sản của công dân.


Về bảo vệ người tố cáo, dự thảo Luật ghi nhận quyền được bảo vệ bí mật của người tố cáo; yêu cầu được bảo vệ của người tố cáo về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm về việc làm; trách nhiệm và các biện pháp của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhất là cơ quan công an trong việc bảo vệ người tố cáo; việc xử lý người vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ người tố cáo.


Với các tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo, theo Ban soạn thảo, trong xử lý tố cáo về tội phạm, tố giác, tin báo tội phạm, tố cáo về tham nhũng, pháp luật về tố tụng hình sự, phòng, chống tham nhũng đã quy định. Vì vậy trong việc xử lý tố cáo về hành chính thì Luật Tố cáo không nên quy định việc giải quyết đối với loại tố cáo nêu trên. Trong trường hợp cần nghiên cứu, sử dụng thông tin do người tố cáo cung cấp để phục vụ công tác quản lý thì quy định trong Nghị định, hướng dẫn thi hành.


Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành, các quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật Tố cáo đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và đánh giá, những sửa đổi, bổ sung này là tương đối tích cực. Tuy nhiên, cơ chế giải quyết từ khâu tiếp nhận, trình tự thủ tục xử lý, trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết tố cáo, cơ chế bảo vệ người tố cáo… vẫn là những cơ chế hiện hành. Do đó, những sửa đổi trong dự luật chưa thực sự đáp ứng được các yêu cầu của công tác giải quyết tố cáo hiện nay, nhất là việc khắc phục những hạn chế của công tác giải quyết tố cáo cũng như hiệu quả giải quyết tố cáo không cao.


Uỷ ban Pháp luật cũng đề nghị, việc xây dựng Luật Tố cáo cần xuất phát từ yếu tố tích cực của tố cáo nên Luật này cần đáp ứng được hai yêu cầu cơ bản là bảo đảm cho công dân có thể thực hiện quyền tố cáo một cách đơn giản, thuận tiện và cơ chế giải quyết tố cáo phải công khai, minh bạch, hiệu quả. Để thực hiện được các yêu cầu này, dự thảo Luật cần có các quy định đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, cơ quan có thẩm quyền trực tiếp giải quyết tố cáo; phân định rõ thẩm quyền giải quyết đối với hành vi vi phạm bị tố cáo, không chỉ đối với những vi phạm về nhiệm vụ, công vụ mà còn đối với những vi phạm về đạo đức, lối sống; quy định trách nhiệm chứng minh đối với các hành vi bị tố cáo thuộc về cơ quan nhà nước; ngăn chặn hành vi lạm quyền trong việc giải quyết tố cáo; cơ chế bảo vệ người tố cáo cần được quy định rõ ràng, cụ thể; đồng thời, cũng cần có cơ chế bảo vệ người bị tố cáo khi bị tố cáo oan sai; có cơ chế liên thông trong giải quyết tố cáo giữa các cơ quan của Đảng và Nhà nước đối với cán bộ, công chức là đảng viên.


Bên cạnh đó, Luật cũng cần khẳng định quan điểm tố cáo phải có điểm dừng, không xem xét đối với các tố cáo đã được giải quyết, tố cáo lại. Đáng chú ý, với quy định về tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo, đa số thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định tại khoản 2 Điều 23 của dự thảo Luật là: “người tố cáo phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình; trình bày trung thực nội dung tố cáo; cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được”. Quy định như vậy sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện quyền tố cáo, hạn chế những trường hợp lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo sai sự thật gây mất đoàn kết nội bộ, tốn kém cả thời gian và tiền bạc cho các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong việc xem xét, giải quyết.


Về bảo vệ người tố cáo, Ủy ban Pháp luật thấy rằng, các quy định về bảo vệ người tố cáo trong dự thảo Luật vẫn chung chung, còn mang tính nguyên tắc, thiếu cơ chế thực hiện và chưa có các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thời hạn bảo vệ người tố cáo để có thể thực hiện trên thực tiễn. Vì vậy, cần được nghiên cứu để quy định chi tiết hơn. Ví dụ, cần xác định về cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ; thứ tự ưu tiên bảo vệ, ví dụ trước hết cần phải bảo vệ tính mạng, tài sản của người tố cáo, thậm chí là cả người thân của họ. Bên cạnh đó, cũng cần có quy định về bảo vệ các quyền lợi về chính trị, kinh tế, việc làm, bảo vệ uy tín cho người tố cáo. Đồng thời, cần nghiên cứu quy định cơ chế, biện pháp bảo vệ cả những người bị tố cáo, đảm bảo khôi phục danh dự, quyền và lợi ích của họ trong trường hợp bị tố cáo sai.


Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Tố cáo, đa số đại biểu tán thành với quy định không xử lý các đơn thư tố cáo nặc danh, không rõ địa chỉ. “Ai tố cáo  phải chịu trách nhiệm trước pháp luật" - đại biểu Trần Thị Quốc Khánh là một trong số các đại biểu của Hà Nội ủng hộ quy định trên. Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) thừa nhận, thực tế thống kê cho thấy, có tới trên 50% đơn thư tố cáo nặc danh là đúng sự thật, hoặc có điểm đúng, điểm sai. Đứng về mặt nội dung, những đơn thư tố cáo nặc danh rất  đáng trân trọng. Nhưng tại sao người tố cáo lại không dám đứng tên? "Chính vì những hành vi cấm chúng ta quy định rất chung chung nên người tố cáo sợ hậu quả” - một số đại biểu khẳng định. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đồng tình việc không giải quyết đơn thư tố cáo nặc danh vì thực tế, mỗi lần sắp tới các đợt bầu cử, đại hội đảng một loạt đơn thư tố cáo nặc danh lại xuất hiện, trong đó có cả tố cáo đúng, sai, khiến các tổ chức mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của để xác minh. Thế nhưng, khi đã xác định nội dung tố cáo là sai thì lại rất khó xác minh được người tố cáo, còn xác minh được, có kết luận thì lại cũng không xử lý được người tố cáo sai.


Cùng chung suy nghĩ trên, đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi, Hà Văn Hiền (Hà Nội) cũng nhất trí không nên thừa nhận tính hợp pháp của đơn thư tố cáo nặc danh, bởi nếu thừa nhận thì sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề phức tạp, khó xác định thế nào là tố cáo đúng, tố cáo sai.


Dưới một góc nhìn khác, đại biểu Đặng Huyền Thái (Hà Nội) băn khoăn nếu chỉ quy định giải quyết đơn thư tố cáo có địa chỉ rõ ràng thì chưa phù hợp thực tế và chưa đáp ứng được nguyện vọng của dân, nhất là khi tỷ lệ đơn thư tố cáo nặc danh có nội dung đúng khá cao.


Có đại biểu bày tỏ băn khoăn: Có ai cảm thấy không lo ngại khi tố cáo lãnh đạo, thủ trưởng của mình không? Lo ngại đầu tiên không phải là trù úm, mà là về sứ mệnh công việc của mình. Thực tế người dân tố cáo rất ít khi được bảo vệ, được vạ thì má đã sưng.


Trên quan điểm đó, đại biểu Đặng Huyền Thái cho rằng, nếu không quan tâm chút nào đến đơn thư tố cáo nặc danh thì sẽ là thiếu sót. Bổ sung thêm một khía cạnh khác, các đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi, Hà Văn Hiền và Nguyễn Thị Hồng Hà đề nghị, dự án luật cần xác định và quy định rõ các đơn thư tố cáo tiếp nhận qua điện thoại, fax, thư điện tử. Theo đại biểu Ý Nhi, dự luật cần bổ sung cơ chế tiếp nhận, kiểm tra, xác minh họ tên người tố cáo gửi đơn qua email, nếu không thì các đơn thư tố cáo này chỉ là tố cáo nặc danh và sẽ không được xem xét.
                
                                 Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh phát biểu tại tổ
Chung quan điểm, đại biểu Hà Văn Hiền cũng đề nghị luật cần làm rõ hơn, trong trường hợp tiếp nhận đơn thư điện tử nhưng không xác minh được địa chỉ, họ tên người tố cáo thì có đưa các đơn này vào diện tố cáo nặc danh hay không? Đại biểu Hồng Hà lại băn khoăn với các tố cáo qua điện thoại, bởi khi đó người tiếp nhận tố cáo không cầm được văn bản như các tố cáo qua thư, email, fax… Vậy trong trường hợp này, ai là người xác nhận thông tin cho người tiếp nhận tố cáo?


Một nội dung khác cũng được nhiều đại biểu cho ý kiến là việc bảo vệ người tố cáo. Theo đại biểu Vũ Hồng Anh, các quy định trong dự thảo luật chưa bảo đảm bảo vệ cho người dân khi tố cáo. “Dự luật quy định không rõ trách nhiệm, chỉ chung chung, như vậy người tố cáo rất thiệt thòi”, đại biểu Hồng Anh nói. Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cũng đề nghị cần rà soát lại toàn bộ những quy định về bảo vệ tố cáo vì tính khả thi thấp. Chúng ta nên quy định đầu mối chính chịu trách nhiệm bảo vệ người tố cáo. Đồng thời, phải quy định bảo vệ cả người bị tố cáo.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất