Hồi phục kinh tế sau suy giảm
Về cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra đạt được kết quả. GDP cả nước năm 2010 ước tăng gần 6,8%, cao hơn số báo cáo ra Quốc hội (6,7%) và cao hơn chỉ tiêu kế hoạch đề ra (6,5%). Tất cả các ngành, lĩnh vực đều đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với năm trước: Công nghiệp tăng 7,03%, xây dựng tăng 10,06%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78%; dịch vụ tăng 7,52%, đây là năm được mùa về du lịch. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam lũy kế cả năm 2010 ước đạt trên 5 triệu lượt người, tăng 34,8% so với năm trước. Bưu chính viễn thông tăng 58%, tăng liên tục trong các năm trở lại đây.
Thế giới đánh giá Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao (sau Trung Quốc 9%), nền kinh tế phục hồi nhanh sau cắt gói kích cầu. Các chỉ tiêu cân đối vĩ mô được cải thiện. Nếu như năm 2000 thế giới đánh giá Việt Nam ra khỏi tình trạng khủng hoảng thì đến năm 2010 Việt Nam được ra khỏi danh sách nước nghèo, bắt đầu được vào danh sách các nước trung bình. Thu nhập bình quân đầu người 1.168USD/đầu người/năm. Diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá trong mấy tháng qua môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 16 bậc. Nền kinh tế Việt Nam đứng thứ 59/140 quốc gia và vùng lãnh thổ được xem xét. Năm 2010 Việt Nam đã ra khỏi sự suy giảm, phục hồi được đà tăng tưởng kinh tế, tạo ra vị thế mới hội nhập quốc tế để phát triển.
Yếu kém cần khắc phục
Giá cả tăng, lãi suất ngân hàng cao. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12-2010 tăng 1,98% so với tháng trước, trong đó dẫn đầu là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với chỉ số giá tăng 3,31% (riêng lương thực tăng 4,67%). Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định, vững chắc. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa tốt. Cuộc sống của người dân chưa thực sự được ổn định, nhiều bức xúc xã hội chưa được giải quyết. Có thể nói chủ trương, quyết sách của Chính phủ là đúng đắn, điều hành quyết liệt nhưng chưa thật thông suốt, hiệu quả chưa cao.
Thời cơ, thách thức
Năm 2011, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển. Năm 2010 đã đạt được đỉnh cao về đối ngoại, là năm bứt phá về ngoại giao, an ninh, quốc phòng được giữ vững. Thế giới coi Việt Nam là điểm đến để đầu tư, văn hóa, du lịch phát triển, con người thân thiện. Tuy nhiên vẫn còn đó nhiều thách thức lớn; vẫn còn nhiều yếu kém cần khắc phục, các vấn đề bức xúc chậm giải quyết. Phải quyết tâm tạo thế ổn định để phát triển.
Họp báo cuối năm - thông điệp năm mới
Chính phủ đã đề ra mục tiêu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch một bước cơ cấu kinh tế tạo ra sự phát triển nhanh, bền vững. Mức độ tăng trưởng đạt 7-7,5%/năm. Tiếp tục thực hiện tốt, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo, phát triển văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần nhân dân thêm một bước. Bảo đảm an ninh, quốc phòng, tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
Thu Huyền