|
Đại hội đại biểu tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2020-2025.
|
Sau khi BCH Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW và Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27-11-2017 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương khóa XII, Tỉnh ủy Bình Định đã kịp thời tổ chức hội nghị triển khai quán triệt nghị quyết, kế hoạch đến toàn thể cán bộ chủ chốt của tỉnh.
Cùng với việc quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, kế hoạch của Trung ương, tỉnh đã kịp thời ban hành kế hoạch, đề án và quyết định để triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó đảng đoàn, ban cán sự đảng, lãnh đạo các ban, sở, ngành, BTV Tỉnh đoàn, BTV các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố đều xây dựng kế hoạch, đề án để triển khai, thực hiện tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, tỉnh đã chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết của Trung ương góp phần đưa nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.
Kết quả tích cực
Tinh giản bộ máy, biên chế
Triển khai thực hiện nghị quyết, quy định của Trung ương, tỉnh đã ban hành 8 quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy. Thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế hoạt động công tác chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, giảm 10 biên chế; thực hiện Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh thành Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND. Căn cứ các quyết định của BTV Tỉnh ủy, tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, theo nguyên tắc một tổ chức, một người có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức, một người chịu trách nhiệm giải quyết chính.
Các cơ quan tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của Tỉnh ủy, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã tiến hành rà soát, sắp xếp lại tổ chức bên trong, các phòng chuyên môn bảo đảm theo tinh thần chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy. Kết quả sau rà soát, sắp xếp đã giảm 3 cấp phó của các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy; giảm 8 phòng chuyên môn, 8 trưởng phòng, 22 phó trưởng phòng và 6 nhân viên lái xe tại các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy. Báo Bình Định từ 8 phòng chuyên môn, sắp xếp lại còn 5 phòng; theo đó giảm 3 trưởng phòng và 3 phó trưởng phòng. Trường Chính trị tỉnh từ 7 khoa, phòng sắp xếp lại còn 5 khoa, phòng; theo đó, giảm 2 cấp trưởng và 2 cấp phó. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã giảm 8 đầu mối trực thuộc, 8 trưởng phòng; giảm 3 trung tâm dạy nghề của Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Tỉnh đoàn.
Thực hiện Đề án của ỦBND tỉnh về sắp xếp tổ chức, bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND cấp huyện đã tiến hành rà soát, sắp xếp lại các phòng, ban chuyên môn. Kết quả sau sắp xếp, đã giảm 20 phòng chuyên môn thuộc sở và 3 chi cục trực thuộc sở (trong 3 chi cục, có 1 chi cục chuyển về trực thuộc Tổng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương); giảm 34 phòng chức năng thuộc các chi cục và tương đương; các sở, ban, ngành được cơ cấu bình quân có 3 cấp phó bảo đảm theo quy định; giảm 40 trưởng, phó phòng thuộc sở (13 trưởng phòng, 27 phó phòng); giảm 20 lãnh đạo trung tâm, chi cục thuộc sở (3 cấp trưởng, 17 cấp phó), 52 trưởng, phó phòng thuộc trung tâm, chi cục (31 trưởng phòng, 21 phó phòng). Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo giảm 39 trường mầm non và tiểu học công lập; lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp giảm 6 đơn vị; lĩnh vực y tế giảm 18 đơn vị; lĩnh vực sự nghiệp khoa học và công nghệ giảm 2 đơn vị; lĩnh vực văn hóa, thể thao giảm 16 đơn vị; lĩnh vực thông tin và tuyên truyền giảm 1 đơn vị; lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác giảm 3 đơn vị. Sắp xếp, sáp nhập 9 ban quản lý dự án thành 3 ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành cấp tỉnh, giảm 6 ban quản lý dự án và kiện toàn 11 ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành cấp huyện cho phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật.
Công an tỉnh thực hiện sắp xếp, sáp nhập 41 cấp phòng thành 27 phòng, giảm 14 phòng; cấp đội từ 126 đội còn 102 đội, giảm 24 đội; điều động, bố trí 595 công an chính quy đảm nhiệm các chức danh trưởng, phó công an cấp xã, thị trấn, đạt tỷ lệ 100% xã, thị trấn có công an chính quy; đồng thời, sáp nhập Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tỉnh vào Công an tỉnh; thành lập lại Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an tỉnh, giảm 9 phòng. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã giải thể Trường Quân sự tỉnh và tổ chức lại Trung đoàn 739 theo quyết định của Bộ Quốc phòng. Đại học Quy Nhơn thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy từ 16 khoa, phòng còn 12 khoa, phòng, giảm 4 khoa, phòng; 63 bộ môn thuộc khoa, còn 44 bộ môn thuộc khoa, giảm 19 bộ môn.
Thực hiện các mô hình thí điểm kiêm nhiệm chức danh
Từ năm 2018 đến nay, các cấp ủy, tổ chức đảng đã triển khai thực hiện các mô hình thí điểm: (1) Cấp tỉnh, thực hiện thí điểm Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đồng thời là chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; (2) Cấp huyện, có 11/11 huyện, thị xã, thành phố thực hiện thí điểm trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ huyện, do yêu cầu công tác cán bộ hiện nay còn 10/11; có 2 huyện Vân Canh và An Lão thực hiện mô hình thí điểm trưởng ban tổ chức đồng thời là trưởng phòng nội vụ; 1 mô hình thí điểm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra đồng thời là Chánh Thanh tra huyện Hoài Ân; (3) Cấp xã, có 20/159 xã, phường, thị trấn thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND.
UBND tỉnh thực hiện mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công với “cơ chế một cửa”, “cơ chế một cửa liên thông”; 100% các huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn đều thực hiện mô hình Bộ phận một cửa trực thuộc Văn phòng HĐND và UBND cùng cấp.
Ngoài ra, thực hiện Bí thư Tỉnh ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND tỉnh; có 7 huyện, thị xã thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND cấp huyện; 4 huyện, thị xã, thành phố thực hiện phó bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND; có 78/159 xã, phường, thị trấn thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND cấp xã; có 535/1.116 bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu phố hoặc trưởng ban công tác mặt trận; có 987/1.116 trưởng thôn là đảng viên; 159/159 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập chi bộ công an trực thuộc đảng bộ xã, phường, thị trấn theo quy định.
Tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển
Từ sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong 4 năm (2018-2021) kinh phí chi thường xuyên cho hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã giảm được 41,5 tỷ đồng; bên cạnh khai thác các nguồn thu ưu tiên cho đầu tư phát triển và điều hành chi hợp lý, tiết kiệm triệt để các khoản kinh phí hoạt động chi thường xuyên, địa phương đã dành nguồn lực đáng kể để tập trung đầu tư các công trình trọng điểm, quan trọng của tỉnh về cơ sở hạ tầng kinh tế, giảm nợ công ...; đồng thời, đã dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư kết cấu hạ tầng cho các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông.
Thực tiễn cho thấy, các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các ban, sở, ngành đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 18,19-NQ/TW, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong toàn thể cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp; bám sát các đề án, kế hoạch, quyết định của Trung ương, của tỉnh để xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện cơ bản bảo đảm chất lượng, xác định được nhiệm vụ trọng tâm, lộ trình thực hiện. Tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết gắn với thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cơ bản đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ và tiến độ thời gian. Tính đến năm 2021, tỉnh đã giảm 3.008 biên chế, đạt tỷ lệ 10,01% theo quy định, giải quyết chế độ chính sách tinh giản biên chế 286 người.
Một số hạn chế
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW của Trung ương có lúc chưa quyết liệt, kịp thời; một số nhiệm vụ triển khai còn chậm, chưa đạt được kế hoạch đề ra; việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến nhiều con người, tổ chức nên trong quá trình sắp xếp có một số khó khăn nhất định và cần phải thận trọng, làm từng bước, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.
Một số cấp ủy, tổ chức đảng trong tỉnh chưa thể hiện quyết tâm chính trị cao, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chậm, chưa có nhiều nội dung đột phá, sáng tạo riêng của địa phương, cơ quan, đơn vị; các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ thuộc thẩm quyền chưa cụ thể, chưa chủ động, triển khai chậm. Tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị vẫn chưa thật sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hoạt động còn những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Việc thực hiện bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu phố hoặc trưởng ban công tác mặt trận ở một số nơi gặp khó khăn.
Người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết tâm, quyết liệt trong việc tổ chức thực hiện sắp xếp, giảm đầu mối bên trong của các cơ quan, đơn vị, địa phương; còn nể nang, ngại va chạm trong việc đề xuất sáp nhập, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế. Tinh giản biên chế chưa gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; mới tập trung ở đối tượng nghỉ hưu trước tuổi hoặc chuyển công tác, nghỉ thôi việc.
Việc thực hiện thí điểm mô hình kiêm nhiệm chức danh cũng còn một số khó khăn, vướng mắc vì chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan khác nhau; hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện chức danh kiêm nhiệm chưa được ban hành, chưa kết nối được các cơ quan thực hiện thí điểm kiêm nhiệm chức danh; trách nhiệm của người giữ chức vụ kiêm nhiệm rất lớn, nhưng chế độ, chính sách cho cán bộ thực hiện thí điểm kiêm nhiệm chức danh chưa phù hợp, chưa thỏa đáng ...
Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và chỉ đạo thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở một số cơ quan, đơn vị còn chậm, thiếu tính chủ động. Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, hoàn thiện hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở là một nội dung lớn, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, tuy nhiên chưa có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cấp, ngành trong việc triển khai thực hiện...
Bài học kinh nghiệm
Cần có sự thống nhất, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy các cấp, phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân. Sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng giữ vai trò quan trọng, quyết định đến thành công của việc triển khai thực hiện nghị quyết, kế hoạch của Trung ương.
Phải bảo đảm đồng bộ, thống nhất, liên thông trong hệ thống chính trị và hướng vào việc thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết, kế hoạch của Trung ương, cần bám sát vào các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nghị quyết, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai.
Cấp ủy, tổ chức đảng phải xây dựng kế hoạch, đề án để thực hiện kế hoạch của BTV Tỉnh ủy một cách khoa học, cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình phù hợp; xác định mục tiêu, tính hiệu quả, đối tượng thụ hưởng, nguồn lực thực hiện và phân công nhiệm vụ rõ ràng gắn với đề cao trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là của người đứng đầu. Đồng thời, cần bổ sung, sửa đổi quy chế làm việc, quy định về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung trên cơ sở bảo đảm theo đúng quy định của cấp có thẩm quyền, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích của tập thể và cá nhân trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, con người. Vấn đề lớn và rất khó khăn hiện nay là giải quyết chế độ, chính sách phù hợp đối với cán bộ, công chức, nhất là những người trực tiếp bị ảnh hưởng khi triển khai thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy.
Thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và các mô hình thí điểm để nâng cao sự đồng thuận khi thực hiện. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, kế hoạch, kết luận của cấp ủy để đánh giá quá trình lãnh đạo tổ chức triển khai, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân làm tốt; đôn đốc, nhắc nhở, uốn nắn những nơi làm chưa tốt.
Nguyễn Ngọc Dũng
Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương II, Ban Tổ chức Trung ương