Tích cực hợp nhất các cơ quan có nhiệm vụ tương đồng
Quảng Ngãi là một trong số các tỉnh mạnh dạn và quyết liệt thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hiện nay, sau khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính, Quảng Ngãi còn 13 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 11 huyện, 1 thành phố và 1 thị xã) và 173 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 148 xã, 17 phường và 8 thị trấn); giảm còn 954 thôn, tổ dân phố (834 thôn, 120 tổ dân phố), giúp giảm chi khoảng 20 tỷ đồng/năm so với trước. Thực hiện Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quảng Ngãi đã tiến hành triển khai mô hình chính quyền một cấp tại huyện Lý Sơn từ ngày 1-4-2020, tức giải thể 3 toàn bộ đơn vị hành chính cấp xã (An Vĩnh, An Hải, An Bình) tại Lý Sơn.
Việc thí điểm hợp nhất một số cơ quan của cấp ủy và cơ quan chuyên môn của chính quyền có chức năng, nhiệm vụ tương đồng ở cấp huyện được tỉnh Quảng Ngãi thực hiện quyết liệt, đồng bộ, cụ thể: có 13 địa phương hợp nhất văn phòng cấp uỷ với văn phòng HĐND và UBND; 8 địa phương hợp nhất ban tổ chức cấp ủy với phòng nội vụ huyện; 7 địa phương thực hiện hợp nhất uỷ ban kiểm tra với thanh tra.
Có hai địa phương là Đức Phổ và Lý Sơn thực hiện thí điểm sáp nhập trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện vào ban tuyên giáo Huyện ủy. Huyện Lý Sơn và Bình Sơn thực hiện thí điểm thành lập cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.
Từ ngày 1-4-2020, Quảng Ngãi tiến hành giải thể đơn vị hành chính cấp xã ở Huyện đảo Lý Sơn, bộ máy hành chính trên đảo là chính quyền 1 cấp. (Ảnh: Báo Quảng Ngãi).
Thực hiện Đề án mở rộng và tổ chức thực hiện mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công, cơ chế, đến nay, có 13/13 bộ phận một cửa thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố và 173/173 bộ phận một cửa thuộc UBND các xã, phường, thị trấn.
Ngay ở cấp tỉnh, BTV Tỉnh uỷ đã thực hiện Đề án Văn phòng Tỉnh ủy thực hiện công tác phục vụ chung các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; hợp nhất Văn phòng HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thành một Văn phòng tham mưu, giúp việc chung. Mặc dù ban đầu còn lúng túng, nhưng đã dần đi vào ổn định, đạt nhiều kết quả tích cực, bảo đảm nguyên tắc, trách nhiệm, trình tự, thủ tục theo quy định, phát huy được vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, người lao động trong thực thi nhiệm vụ được giao.
BTV Tỉnh ủy cũng đã ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác và phê duyệt Đề án vị trí việc làm của 6/6 cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy. Kết quả sau khi sắp xếp còn 21 phòng chuyên môn, giảm 9 phòng chuyên môn, giảm 27 cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và 2 lãnh đạo cấp phó ban.
Đồng thời, ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế đối với 6 cơ quan ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh. Đã phê duyệt Đề án vị trí việc làm các cơ quan Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh (trừ cơ quan Hội Cựu chiến binh tỉnh). Kết quả sau khi sắp xếp còn 21 ban chuyên môn, giảm 12 ban chuyên môn; giảm 24 cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng, ban chuyên môn và giảm 3 lãnh đạo tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh (trong đó 1 cấp trưởng và 2 cấp phó)
Đối với đề án sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, đến nay đã sắp xếp, giảm 22 phòng chuyên môn thuộc 7 sở, ngành và 23 phòng chuyên môn thuộc chi cục và tương đương. Số lượng phó trưởng phòng chuyên môn được bố trí giảm dần sau 3 năm sắp xếp, đảm bảo về chuẩn số lượng theo quy định.
Sau khi Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh và Đảng bộ Khối Các cơ quan tỉnh được sáp nhập thành Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, BTV Đảng uỷ Khối đã xây dựng Đề án thực hiện thí điểm bố trí, sử dụng, tuyển dụng và quản lý công chức theo vị trí việc làm và Đề án tinh giản biên chế theo lộ trình sắp xếp đến năm 2024 (năm cuối nhiệm kỳ 2020-2025) còn 28 biên chế, giảm 11 biên chế so với trước.
Ngoài ra, Quảng Ngãi cũng thực hiện chủ trương luân chuyển, điều động cán bộ có năng lực, trẻ tuổi ở huyện về cơ sở để thí điểm thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã ở một số nơi có đủ điều kiện. Tuy mới chỉ thực hiện tại 9/173 xã, phường, thị trấn nhưng sau một thời gian, các cán bộ được luân chuyển, điều động đã phát huy năng lực, trưởng thành từ thực tiễn, cùng với địa phương thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Mạnh dạn thí điểm các mô hình kiêm nhiệm chức danh
Thời gian qua, Quảng Ngãi là một trong những tỉnh tích cực thực hiện chủ trương thí điểm một số mô hình mới về tổ chức, kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý phù hợp với tình hình địa phương.
Theo đó, tỉnh đã thực hiện mô hình Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đồng thời là Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh. Ở cấp huyện, tại 13/13 địa phương, trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam; 4/13 huyện thực hiện trưởng ban tổ chức huyện ủy đồng thời là trưởng phòng nội vụ cấp huyện; trưởng ban tuyên giáo huyện ủy đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện ở 11/13 địa phương; chủ nhiệm ủy ban kiểm tra huyện ủy đồng thời là chánh thanh tra cấp huyện ở 4/13 địa phương.
Ở cấp xã, Quảng Ngãi thí điểm mô hình phó bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, phường nhiệm kỳ 2019-2024 tại 18 đơn vị; bí thư hoặc phó bí thư (là đại biểu HĐND) đồng thời là chủ tịch HĐND tại 173 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh (trong đó có 94 bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND và 79 phó bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND).
Hiện nay, có 280/954 trưởng ban công tác mặt trận do bí thư chi bộ kiêm nhiệm; 225/954 trưởng ban công tác mặt trận do phó bí thư chi bộ kiêm nhiệm; 37/954 do trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố hoặc các chức danh khác kiêm nhiệm và 412/954 là trưởng ban công tác mặt trận không kiêm nhiệm, trong đó có 38 trưởng ban công tác mặt trận chưa là đảng viên.
Chính nhờ việc sắp xếp tinh gọn lại bộ máy, tỉnh đã cắt giảm 3.199 biên chế (so với số biên chế được giao năm 2015), đạt tỷ lệ 10,4%; trong đó, giảm 358 biên chế hành chính và 2.841 biên chế sự nghiệp, cắt giảm toàn bộ hợp đồng lao động chuyên môn trong các cơ quan hành chính của Đảng và Nhà nước.
Hiện nay Quảng Ngãi đã cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên cơ sở xác định vị trí việc làm, bảng mô tả công việc và khung năng lực của từng vị trí công việc. Công tác tuyển dụng, tiếp nhận, bố trí, sử dụng đúng người, đúng việc, phù hợp với từng vị trí việc làm tạo điều kiện tiền đề thuận lợi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và công tác tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ, lãnh đạo quản lý.
Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới
Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, trong thời gian tới, BTV Tỉnh ủy Quảng Ngãi sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, vấn đề nào đã rõ, đã chắc thì làm ngay, những vấn đề chưa rõ thì mạnh dạn đề xuất cho thực hiện thí điểm. Theo đó, tiếp tục tạo sự thống nhất ý chí và hành động, trong các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, tổ chức trong lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Tiếp tục hoàn thiện mô hình, xác định đầy đủ, chính xác chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu hoạt động của các tổ chức trong hệ thống cấp uỷ, chính quyền. Căn cứ vào quy định và hướng dẫn, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị phải có kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.
Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu các văn bản quy định của Đảng và Nhà nước để kịp thời sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung các văn bản có liên quan đến tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của các cơ quan, đơn vị sau hợp nhất phù hợp, đúng quy định; kịp thời ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện ngay sau khi có văn bản hướng dẫn của Trung ương.
Thứ ba, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện lộ trình chính phủ số, nâng cao năng suất lao động là giải pháp quan trọng nhất để tinh giản biên chế. Tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh, bổ sung và phê duyệt lại Đề án vị trí việc làm đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương theo quy định của Trung ương. Yêu cầu các đơn vị có kế hoạch sắp xếp, bố trí cán bộ phù hợp với Đề án vị trí việc làm và tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Thứ tư, tiếp tục chỉ đạo thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo đúng quy định của Trung ương. Xem xét ban hành chính sách hỗ trợ thêm cho đối tượng cần khuyến khích tinh giản biên chế ngoài chính sách của Trung ương khi điều kiện ngân sách của tỉnh cho phép. Tăng cường theo dõi, kiểm tra việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; kịp thời phản ánh và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Thứ năm, tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo theo đúng quy định. Chủ động rà soát, đánh giá các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đảm bảo tiêu chí theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có phương án, đề án, giải pháp kịp thời, sát thực tế; khắc phục những thiếu sót, bị động xảy ra.
Thứ sáu, thường xuyên, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là mô hình thí điểm theo Kết luận số 34-KL/TW ngày 7-8-2018 của Bộ Chính trị. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các cơ quan, đơn vị và người đứng đầu có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu không hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ cấp trên giao.