Văn phòng Trung ương Đảng là cơ quan tham mưu, giúp việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong tổ chức, điều hành công việc lãnh đạo của Đảng; phối hợp, điều hoà hoạt động của các cơ quan tham mưu của Trung ương Đảng; tham mưu về nguyên tắc và chế độ quản lý tài chính, tài sản của Đảng; trực tiếp quản lý tài chính, tài sản của các cơ quan Đảng Trung ương và bảo đảm hậu cần phục vụ hoạt động của Trung ương Đảng; đồng thời là một trung tâm thông tin tổng hợp phục vụ lãnh đạo.
Văn phòng Trung ương Đảng đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các nghị quyết, quyết định, kết luận của Đảng và pháp luật của Nhà nước về xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan. Quy mô tổ chức lớn, số lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhiều, hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, do vậy lĩnh vực công tác và trình độ chuyên môn rất khác nhau. Quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Căn cứ chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Đảng uỷ và lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy nội bộ cơ quan và các đơn vị trực thuộc bảo đảm tinh gọn, ngày càng hoàn thiện, hoạt động hiệu quả, phù hợp thực tiễn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ. Từ năm 2007 đến nay đã trải qua 3 lần thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy.
Theo Quyết định số 79-QĐ/TW, ngày 21-8-2007 của Bộ Chính trị khoá X về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Văn phòng Trung ương Đảng, sau khi hợp nhất các cơ quan: Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban Tài chính - Quản trị Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng có 21 đơn vị trực thuộc.
Theo Quyết định số 80-QĐ/TW, ngày 10-4-2012 của Bộ Chính trị khoá XI về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng có 20 đơn vị trực thuộc và Ban Quản lý dự án (sẽ giải thể khi hoàn thành nhiệm vụ). Việc giảm 1 đơn vị trực thuộc so với trước là do sáp nhập Vụ Tài chính và Vụ Quản lý đầu tư thành Cục Tài chính và Quản lý đầu tư.
Hiện tại (theo Quyết định số 189-QĐ/TW, ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị), sau khi chuyển Vụ Nội chính, Vụ Pháp luật sang Ban Nội chính Trung ương; chuyển Vụ Kinh tế, Vụ Xã hội, Tạp chí Văn phòng cấp uỷ sang Ban Kinh tế Trung ương; thành lập thêm Văn phòng Đảng uỷ và đoàn thể; bổ sung 3 doanh nghiệp vào danh sách đơn vị trực thuộc) tổ chức bộ máy của Văn phòng Trung ương Đảng có 20 đơn vị trực thuộc (17 đơn vị cấp vụ, cục và tương đương và 3 doanh nghiệp) với hơn 2.500 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, hoạt động trên 3 lĩnh vực (tham mưu - tổng hợp, phục vụ - hậu cần và sản xuất - kinh doanh). Sau khi có Quyết định quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của từng đơn vị, Văn phòng Trung ương Đảng đã ban hành quy chế làm việc của 17 đơn vị trực thuộc; điều lệ tổ chức hoạt động của 3 công ty; sửa đổi, bổ sung Quy định phân công, phân cấp quản lý cán bộ, Quy chế tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Chấp hành Đảng bộ và lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Quy chế phối hợp giữa 3 Vụ Địa phương, Quy định quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ tại Văn phòng Trung ương Đảng, Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại, Quy chế quản lý hồ sơ điện tử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở Văn phòng Trung ương Đảng.
Nhìn chung, tổ chức bộ máy của Văn phòng Trung ương Đảng hiện nay hoạt động tương đối hiệu quả, đáp ứng tốt việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu, phục vụ Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tuy nhiên, còn một số hạn chế, như: Việc quy định chức năng, nhiệm vụ tại một số đơn vị còn chưa hợp lý, chưa phù hợp với thực tiễn; một số đơn vị cấp phòng vẫn còn tình trạng chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, như trong việc tổ chức thực hiện, quản lý các dự án đầu tư xây dựng, quản lý xe ô tô. Hệ thống văn bản về quy chế, quy định công tác có một số nội dung còn phân tán hoặc trùng lặp tại nhiều văn bản khác nhau; một số quy định không còn phù hợp, chưa cập nhật phù hợp với văn bản mới ban hành; một số nội dung, lĩnh vực công tác quy định chưa rõ; một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa có quy định điều chỉnh, ảnh hưởng trực tiếp đến việc chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị. Hoạt động của Văn phòng Tổng Bí thư cơ bản gắn với hoạt động của Cơ quan Văn phòng Trung ương Đảng, nhưng chưa xác định rõ về đầu mối đơn vị hành chính trực thuộc cơ quan nào.
Nhằm tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 18 (khóa XII).Văn phòng Trung ương Đảng đang tiếp tục thực hiện việc rà soát tổ chức bộ máy, đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị, kết hợp với việc xây dựng Đề án vị trí việc làm để điều chỉnh, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của một số đơn vị trực thuộc và bố trí nhân sự cho phù hợp. Trên cơ sở đó, giải thể, sáp nhập, thành lập mới hoặc điều chuyển một số đơn vị cấp phòng trên cơ sở các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm thực hiện toàn diện các chức năng, nhiệm vụ được giao và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Rà soát, đánh giá hệ thống các quy chế, quy định công tác của cơ quan để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, bảo đảm hoạt động ngày càng đi vào nền nếp, đạt chất lượng và hiệu quả cao.
Phạm Giang