Nằm trên quốc lộ 18A nối cửa khẩu Móng Cái với TP. Hạ Long, có cửa khẩu Bắc Phong Sinh thông thương với Trung Quốc, với 11 dân tộc sinh sống, thời gian qua, tình hình kinh tế xã hội của Hải Hà luôn duy trì được tốc độ phát triển ổn định và tăng trưởng ở mức cao. Thế nhưng, do là huyện miền núi, hải đảo, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao biên giới nhận thức còn hạn chế. Do vậy, khi Hải Hà thực hiện Đề án “Đổi mới mô hình cơ quan tham mưu giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện”, bên cạnh thuận lợi cũng đã gặp không ít khó khăn.
Từ thực trạng
Trước khi thực hiện Đề án, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện của Hải Hà có 25 đồng chí. (1 đồng chí Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, 11 đồng chí lãnh đạo cấp trưởng, phó các đoàn thể chính trị - xã hội; 14 đồng chí ủy viên thường trực, ủy viên thường vụ của cơ quan Mặt trận và các đoàn thể).
Những năm qua, cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện của Hải Hà đã tham mưu kịp thời cho Ban Thường vụ Huyện ủy nhiều chủ trương, giải pháp có hiệu quả, góp phần vào việc củng cố, tăng cường mối quan hệ đại đoàn kết giữa Đảng với nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững mạnh. Thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác vận động quần chúng, Mặt trận, các đoàn thể chuyên trách huyện Hải Hà đã có nhiều cố gắng trong hoạt động, đạt được nhiều kết quả, phát huy vai trò là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân; tổ chức phát động các phong trào có chiều sâu thu hút đông đảo hội viên, đoàn viên và nhân dân tham gia như “Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ngày vì người nghèo”… đã khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, xây dựng gia đình, khu phố, thôn, văn hóa. Đến nay, 82% số hộ đạt gia đình văn hóa, 83% khu dân cư văn hóa. Đặc biệt, Mặt trận và đoàn thể các cấp trong huyện đã phát huy vai trò trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”; đến nay đã có 4/15 xã được công nhận xã nông thôn mới, phấn đấu đến hết năm 2017 có thêm 2 xã đạt nông thôn mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể chuyên trách cấp huyện của Hải Hà vẫn còn những hạn chế như: Phương thức hoạt động chậm được đổi mới, thiếu năng động, chất lượng tham mưu chưa cao, nhiều nội dung của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tham mưu cho cấp ủy còn chồng chéo; các văn bản chỉ đạo của cấp trên khi triển khai xuống cơ sở còn trùng lặp như: Công tác tuyên truyền, đóng góp xây dựng nông thôn mới, vận động ủng hộ, giúp đỡ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các phong trào và các chương trình đều triển khai nhưng chưa rõ vai trò người chịu trách nhiệm, kết quả còn chung chung, nhận thức của cán bộ, đảng viên không sâu, chỉ hiểu một nội dung, lĩnh vực mà mình công tác…
Thực hiện Đề án, theo chủ trương của tỉnh Quảng Ninh, mục đích là nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, rõ chức năng, nhiệm vụ đạt kết quả cao, khắc phục tình trạng hành chính hóa trong chỉ đạo tổ chức hoạt động. Ngày 29-12-2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh ra Quyết định số 111-QĐ/TU “Về việc thành lập cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện Hải Hà”. Ngay sau khi có Quyết định 111-QĐ/TU, ngày 8-1-2016, Ban Thường vụ Huyện ủy Hải Hà đã ban hành Quyết định số 265 “Về phân công cán bộ”. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy và để triển khai đi vào hoạt động, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia của lãnh đạo, cán bộ, công chức cơ quan về việc phân công làm việc sắp xếp vị trí việc làm theo các tiểu ban và đầu tư trang thiết bị làm việc ban đầu cho các tiểu ban. Trong đó, tập trung nghiên cứu, bám sát Đề án 25, các Quyết định của Tỉnh ủy và Quyết định số 292-QĐ/HU ngày 8-1-2106 của Ban Thường vụ Huyện ủy “Về ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của các cơ quan khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện Hải Hà” để xây dựng chương trình công tác năm, quy chế làm việc, quy chế phân công nhiệm vụ, ban hành các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ chung của khối và nhiệm vụ riêng của từng tiểu ban.
Ngày 25-1-2016, cơ quan khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện Hải Hà ra mắt và đi vào hoạt động. Hiện nay, với 20 cán bộ (giảm 5 so với trước kia) gồm trưởng ban dân vận kiêm chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc là trưởng khối; 5 lãnh đạo cấp trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội là phó khối kiêm trưởng các tiểu ban; các đồng chí phó Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và cán bộ được phân công đều ở các tiểu ban. Bộ phận giúp việc cơ quan khối gồm 4 tiểu ban: Văn phòng, tiểu ban Tuyên truyền - vận động, Tiểu ban Kiểm tra-giám sát, Tiểu ban Dân chủ-pháp luật. Trưởng khối là ủy viên ban thường vụ, trưởng ban dân vận cấp huyện đồng thời là chủ tịch uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, là thủ trưởng, chủ tài khoản cơ quan khối có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong khối. Hằng tuần, trưởng khối thống nhất công việc với lãnh đạo các khối phó, trưởng các tiểu ban, văn phòng. Hằng tháng, họp với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức cơ quan khối để đánh giá kêt quả công tác của tháng trước, triển khai nhiệm vụ của tháng sau một cách thống nhất. Cơ quan được bố trí tập trung trong cùng trụ sở, sử dụng chung tài khoản, bộ phận tài vụ, kế toán, văn thư, thủ quỹ; các tổ chức, đoàn thể được bố trí ngồi theo tiểu ban.
Ngoài hoạt động công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ chung của cơ quan khối. Lãnh đạo, cán bộ ở các bộ phận ở các tiểu ban được phân công nhiệm vụ cụ thể, mỗi tiểu ban có trách nhiệm tham mưu, giúp việc cho cơ quan khối về công tác văn phòng, công tác tuyên truyền-vận động, công tác kiểm tra, giám sát, công tác dân chủ-pháp luật chịu trách nhiệm trước trưởng khối, tập thể lãnh đạo khối, Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành các đoàn thể chính trị-xã hội về nhiệm vụ của tiểu ban. Phụ trách chỉ đạo, điều hành phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong tiểu ban để thực hiện tốt nhiệm vụ của tiểu ban phụ trách; giữ mối liên hệ công tác với tỉnh, huyện, các ban, ngành và ở cơ sở; mỗi tiểu ban xây dựng quy chế hoạt động, trực tiếp điều hành và kiểm tra cán bộ trong tiểu ban về thực hiện quy chế làm việc và quy chế hoạt động của khối, các quy định chính sách, pháp luật liên quan.
Ngay sau khi đi vào hoat động, cơ quan khối đã triển khai chương trình công tác năm 2016, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ về phương hướng, nhiệm vụ năm 2016 tới các cơ sở đoàn hội; xây dựng công tác giám sát-phản biện; xây dựng hướng dẫn mô hình thôn chuẩn, đôn đốc các cơ sở hội đăng ký mô hình dân vận khéo và đăng ký các phong trào thi đua trong năm; xây dựng chương trình phối hợp chung với UBND và các ban ngành liên quan; xây dựng triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động tuyên truyền mừng Đảng, mừng xuân; tổ chức thăm hỏi, tặng quà tết đối với các gia đình chính sách, người có công trong dịp Tết Nguyên đán. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; triển khai công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và phân công cán bộ theo dõi phụ trách công tác bầu cử tại các xã, thị trấn.
Trong quá trình đi vào hoạt động, cơ quan khối luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, thường xuyên tiến hành các buổi làm việc để định hướng, chỉ đạo hoạt động của cơ quan khối, tạo điều kiện cho cơ quan khối đi vào hoạt động được thuận lợi đã bố trí bổ sung, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất để tạo điều kiện cho cán bộ làm việc theo hướng thuận lợi nhất trong công tác tham mưu giúp việc chung. Từ thực tiễn của huyện Hải Hà trong bước đầu triển khai Đề án “Đổi mới mô hình cơ quan tham mưu gúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội” đạt được kết quả nhất định, Khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội cơ bản hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương; tham gia học tập và quán triệt triển khai các nghị quyết của đại hội Đảng các cấp và chương trình hành động năm 2016; trọng tâm là công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; thực hiện tốt công tác giám sát-phản biện xã hội; tuyên truyền vận động bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; phối hợp chăm lo cho người nghèo, gia đình chính sách tiêu biểu, tham gia giữ vững ổn định chính trị ở cở sở, tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh ở địa phương; thực hiện tốt công tác vận động giải phóng mặt bằng, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tổ chức chương trình làm việc chung với các xã, thị trấn về công tác kiểm tra thi đua ở cơ sở; công tác sắp xếp, bố trí, quy hoạch, đào tạo cán bộ; công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội các đoàn thể chính trị-xã hội đạt hiệu quả cao. Công tác phối hợp tuyên truyền giữa khối và UBND huyện và các ngành đã có sự thống nhất, phối hợp cụ thể, rõ việc, hiệu quả. Có thể nói, hoạt động chung của cơ quan Khối đã đi vào nền nếp; các hoạt động, các nhiệm vụ của cơ quan Khối được triển khai toàn diện, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, hoạt động chuyên biệt của các đoàn thể đã có sự vào cuộc chung của cơ quan Khối tránh được sự chồng chéo, trùng lặp khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong công tác tuyên truyền, hoạt động kiểm tra, chính sách pháp luật và triển khai các phong trào thi đua.
Đến giải pháp
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, hoạt động cơ quan tham mưu giúp việc chung còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Đây là mô hình mới được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cho phép thực hiện thí điểm ở Quảng Ninh nên trong thực hiện không tránh khỏi những khó khăn, lúng túng. Đó là mô hình hoạt động cơ quan khối chưa được triển khai liên thông từ tỉnh xuống cơ sở, mới chỉ tập trung thực hiện ở cấp huyện, nên mặc dù đã có nhiều cố gắng phối hợp nhưng hiệu quả còn hạn chế; việc thống nhất thực hiện văn bản chỉ đạo của cơ quan Khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xuống cơ sở chưa được quan tâm nhiều; một số cấp ủy cơ sở chưa quan tâm các văn bản chỉ đạo của cơ quan Khối, dẫn đến công tác triển khai chưa kịp thời. Công tác chỉ đạo của lãnh đạo cơ quan Khối có lúc còn lúng túng, chưa cụ thể; một số lãnh đạo và cán bộ ở tiểu ban chưa nhận thức đầy đủ nhiệm vụ của cơ quan Khối, chưa chủ động trong tham mưu, triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, chất lượng tham mưu còn hạn chế; chưa mạnh dạn điều động linh hoạt cán bộ tham mưu giúp việc giữa các bộ phận và tiểu ban để đảm bảo tiến độ công việc. Đây chính là hạn chế cơ bản trong quá trình triển khai hoạt động cơ quan tham mưu, giúp việc chung Khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội ở huyện Hải Hà.
Có thể khẳng định, hơn một năm qua thực hiện mô hình cơ quan tham mưu giúp việc chung Khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, nhận thức của cán bộ công chức, viên chức cơ quan khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội huyện Hải Hà được nâng lên rõ rệt. Các hoạt động của Khối bước đầu khi triển khai nhiệm vụ chung đã có sự thông suốt, tránh được sự chồng chéo, trùng lặp; đội ngũ cán bộ đã có nhận thức và trách nhiệm hơn trong thực hiện nhiệm vụ chung, bộ máy cơ quan tham mưu giúp việc chung vị thế vai trò ngày càng được nâng cao; công tác triển khai nhiệm vụ ngày càng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị chung của địa phương.
Trong thời gian tới, cơ quan Khối tham mưu giúp việc chung cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội ở huyện Hải Hà tiếp tục khắc phục những tồn tại, tập trung vào hai giải pháp chính sau:
1. Tập trung xây dựng 9 nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo của Ban Dân vận Tỉnh ủy về nội dung hoạt động của cơ quan tham mưu giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội cấp huyện, trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu mà cơ quan Khối phải thực hiện.
2. Tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai 15 nội dung chỉ đạo về thống nhất nội dung, phân công chủ trì của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội để thống nhất chỉ đạo các nội dung liên quan đến nhiệm vụ của mỗi cơ quan.
Minh Anh