Trước yêu cầu ngày càng cao của xã hội, đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý trong tình hình mới, công tác tổ chức cần phải có những bước đột phá, bộ máy tổ chức của Bộ cần được tinh gọn, tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.
Nỗ lực và kết quả bước đầu
Để làm được việc này trong quá trình hoàn thiện tổ chức bộ máy, Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Công thương luôn bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ. Theo đó, bảo đảm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực và nâng cao hiệu lực của bộ máy quản lý nhà nước thuộc Bộ Công thương; đồng thời bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất, tập trung và thực thi được nhiệm vụ, chịu trách nhiệm của tổ chức quản lý nhà nước đối với lĩnh vực lớn, phức tạp. Trên cơ sở kế thừa tổ chức bộ máy của Bộ quy định tại Nghị định 95/2012/NĐ-CP, kết hợp củng cố, kiện toàn, tổ chức lại một số đơn vị theo hướng chuyên môn sâu, một việc phân công một đơn vị đảm nhiệm, một đơn vị phụ trách nhiều lĩnh vực nhưng tránh chồng chéo, trùng lặp nhằm nâng cao năng lực tham mưu của các đơn vị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ Chính phủ mới.
Với phương châm và thực hiện tổ chức sắp xếp bộ máy như trên, Bộ đã hoàn thiện việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức trình Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ ký ban hành Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18-8-2017 thay thế Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 22-11-2012 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương.
Theo Nghị định 98, Bộ đã cắt giảm năm đầu mối (từ 35 Vụ, Cục và tương đương xuống còn 30 đầu mối, trong đó có 26 đơn vị hành chính và bốn đơn vị sự nghiệp công lập). Để đạt mục tiêu này, Bộ Công thương đã sáp nhập, hợp nhất một số đơn vị như: Vụ Phát triển nguồn nhân lực vào Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Thi đua khen thưởng vào Văn phòng Bộ; Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương và Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á thành Vụ Thị trường châu Á - châu Phi; Vụ Thị trường châu Âu với Vụ Thị trường châu Mỹ thành Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ; Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công nghiệp với Viện Nghiên cứu Thương mại thành Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công thương... Bên cạnh đó, số lượng tổ chức cấp Phòng tại Bộ Công thương đã được cắt giảm mạnh. Cụ thể, tại các Cục, Vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ đã cắt giảm 72 đơn vị cấp phòng (tương đương giảm 36,5% số phòng).
Sau khi Nghị định 98 được ban hành, Bộ Công thương đã thực hiện việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ và cán bộ các đơn vị theo mô hình tổ chức mới. Đã ban hành các Quyết định Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ (Riêng với trường hợp Tổng cục Quản lý thị trường, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quy định). Phân bổ biên chế công chức và chỉ tiêu hợp đồng theo Nghị định 68 cho các cơ quan hành chính của Bộ năm 2017. Sắp xếp, bố trí nhân sự lãnh đạo của các đơn vị, điều chuyển cán bộ chuyên môn nghiệp vụ theo sự điều chuyển về chức năng, nhiệm vụ cho các đơn vị. Chỉ đạo các đơn vị mới thành lập hoặc đổi tên gọi thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để đơn vị mới hoạt động (cơ sở vật chất, con dấu, tài khoản...). Hiện, các đơn vị theo cơ cấu tổ chức mới của Bộ đã đi vào hoạt động ổn định.
Cùng với việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy, Bộ đã xây dựng phương án tổ chức, bố trí sắp xếp nhân sự, bảo đảm sử dụng hiệu quả nhất cơ cấu biên chế công chức trong quá trình sắp xếp bộ máy, bảo đảm khách quan, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, công chức của Bộ.
Sắp xếp, đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động các đơn vị sự nghiệp
Việc sắp xếp, đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ phải được đẩy mạnh trong thời gian tới. Hiện nay, Bộ Công thương đang được giao quản lý 13 viện nghiên cứu, 35 trường đào tạo trực thuộc Bộ, không kể các đơn vị sự nghiệp trực thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thuộc Bộ.
Để thực hiện sắp xếp, đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, Bộ Công thương đang tiến hành quy hoạch, sắp xếp lại các trường đào tạo thuộc Bộ theo nguyên tắc: sắp xếp, đổi mới cơ chế quản lý và hoạt động của các cơ sở đào tạo nhằm tập trung nguồn lực cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thực hiện hiệu quả quy hoạch phát triển nhân lực ngành công thương, các chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp và thương mại được ưu tiên phát triển; tinh gọn đầu mối quản lý, giao tối đa quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở đào tạo; tổ chức lại hệ thống các cơ sở đào tạo trên cơ sở chọn các trường có thế mạnh về đào tạo và nghiên cứu khoa học làm hạt nhân, mở rộng hoạt động của các trường này thông qua việc tiếp nhận các trường khác theo hình thức sáp nhập, lập phân hiệu phù hợp với quy định của pháp luật.
Đối với viện nghiên cứu thuộc Bộ, ngoài việc đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, Bộ đã và đang thực hiện thí điểm cổ phần hóa một số viện nghiên cứu đủ điều kiện theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên cơ sở đó sẽ tổng kết, đánh giá và đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, xã hội hóa hoạt động của các Viện nghiên cứu.
Thành lập mới các tổ chức trực thuộc đơn vị hành chính, sự nghiệp không lồng ghép nội dung về tổ chức bộ máy vào trong các văn bản chuyên môn, chỉ quy định trong các văn bản chuyên ngành về lĩnh vực tổ chức nhà nước; thực hiện sắp xếp, kiện toàn, giảm đầu mối gắn với tinh giản biên chế; kiên quyết giảm và không thành lập mới các tổ chức trung gian; chỉ thành lập tổ chức mới trong trường hợp cá biệt thật sự cần thiết do yêu cầu của thực tiễn được cấp có thẩm quyền quyết định; giải thể các tổ chức hoạt động không hiệu quả.
Trong công tác cán bộ, chú trọng, sử dụng cán bộ lãnh đạo có tâm, tầm, có năng lực, nhiệt huyết với công việc, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tiến hành rà soát, đánh giá, bổ sung quy hoạch nhân sự lãnh đạo các cấp của Bộ Công thương giai đoạn 2017 - 2020, xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo giai đoạn 2021 - 2026. Rà soát, bổ sung các quy chế, quy định về công tác bổ nhiệm, luân chuyển, đề bạt, đánh giá cán bộ. Điều này góp phần bảo đảm cho việc sắp xếp, bố trí nhân sự được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch đúng quy định, bảo đảm lựa chọn người có tài, có đức, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của Chính phủ kiến tạo và phát triển.
Với những quyết tâm, nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong công tác cải cách thể chế và cơ cấu lại tổ chức bộ máy, Bộ Công thương tin tưởng phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó.