Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, cán bộ là gốc của mọi công việc, bồi dưỡng cán bộ là công việc gốc của Đảng. Sinh thời, Người đặc biệt quan tâm đến vấn đề huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ. Theo Người, trước hết, huấn luyện là phải “huấn” và “luyện”. Trong đó, “huấn” là giáo huấn, là dạy dỗ làm phát triển nhân cách, phát huy những tiềm năng vốn có của cán bộ, nhất là cán bộ trẻ để nâng cao bản lĩnh, trình độ nhận thức, phẩm chất nhân cách cho họ, đáp ứng yêu cầu người cán bộ cách mạng của Đảng, phụng sự Tổ quốc, phục sự nhân dân. Còn “luyện” là rèn dũa, rèn luyện kỹ năng hoạt động thực tiễn, đưa họ vào trong hoạt động thực tiễn để rèn luyện bản lĩnh, kỹ năng, năng lực công tác; đồng thời, tẩy trừ khuyết điểm, khắc phục những căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân. Nhất là đối với đội ngũ cán bộ trẻ - những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng, vừa chuyên.
Với lợi thế là một môi trường giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ sĩ quan chỉ huy tham mưu binh chủng hợp thành cấp phân đội, nguồn đào tạo là những thanh niên tốt nghiệp phổ thông được tuyển chọn kỹ càng, có kiến thức, năng lực, trình độ, có động cơ phấn đấu trở thành cán bộ trong quân đội, Trường Đại học Nguyễn Huệ có điều kiện phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng những tài năng quân sự, những cán bộ mẫu mực, xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên nòng cốt đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của sự nghiệp giáo dục, đào tạo của Nhà trường được Bộ Quốc phòng giao.
Kết quả tích cực trong bồi dưỡng năng lực thực tiễn huấn luyện quân sự của Nhà trường những năm qua chứng tỏ quá trình nhận thức và đổi mới nội dung, phương pháp bồi dưỡng là đúng hướng và có chất lượng tốt. Qua đó rút ra những vấn đề cần quan tâm là: Phát huy vai trò tích cực, chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ sĩ quan trẻ, giảng viên trẻ trong tự tìm tòi, đổi mới phương pháp huấn luyện quân sự. Những biểu hiện: “Thực hiện quy trình huấn luyện chưa tốt, chất lượng một số bài giảng thấp, chưa sát đối tượng, thiếu nội dung, chưa cập nhật thông tin, chất lượng chuẩn bị đề thi, đáp án còn hạn chế”(*) đã từng bước được khắc phục. Nhất là khắc phục tính độc thoại máy móc, thụ động theo lối đọc chép, thiếu cập nhật thông tin mới, chưa thật sát với đặc điểm từng đối tượng học viên và yêu cầu của thực tiễn đơn vị cơ sở; chưa gắn chặt giữa trang bị kiến thức lý luận với định hướng hành động thực tiễn và phương pháp nhận diện, đấu tranh chống những quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Thông qua việc bồi dưỡng năng lực thực tiễn trong huấn luyện quân sự cho cán bộ sĩ quan trẻ, giảng viên trẻ, việc huấn luyện thực hành, dã ngoại, diễn tập, rèn luyện thể lực, huấn luyện ngoại khoá đã thực sự chủ động, phát huy tốt khả năng sáng tạo của người học.
Nắm vững tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bồi dưỡng năng lực thực tiễn huấn luyện quân sự của cán bộ sĩ quan trẻ, trong những năm qua, Nhà trường có nhiều chủ trương, biện pháp nhằm phát hiện, tuyển chọn những cán bộ, giảng viên trẻ có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức tốt đã được đào tạo, bồi dưỡng, tiếp tục cử đi đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng thêm ở các cấp học, bậc học tại các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội; tổ chức cho cán bộ đi thực tế hàng năm ở các đơn vị; thường xuyên đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác của người học; tăng tỷ lệ huấn luyện thực hành, huấn luyện đêm, diễn tập, dã ngoại. Nhiều cán bộ, giảng viên đã tích cực, chủ động đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy ngay trong từng bài giảng, từng buổi thảo luận, hướng dẫn luyện tập thực hành. Nhiều bài giảng được chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, có sự cập nhật thông tin mới, coi trọng dạy học nêu vấn đề, hướng dẫn nghiên cứu, luyện tập thực hành trên thực địa... Qua đó, đội ngũ sĩ quan trẻ xác định rõ trách nhiệm, tích cực tự học tập, rèn luyện, tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực toàn diện, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng huấn luyện quân sự của Nhà trường.
Hiện nay, đội ngũ cán bộ sĩ quan trẻ cấp phân đội đảm nhiệm cương vị trung đội trưởng, cán bộ đại đội, lớp, tiểu đoàn, giảng viên giảng dạy các bộ môn quân sự ở các khoa giáo viên cơ bản là đội ngũ cán bộ được đào tạo tại Nhà trường giữ lại, một số cán bộ từng tốt nghiệp từ các học viện, nhà trường về nhận công tác. Để bồi dưỡng đội ngũ cán bộ này, trước hết Nhà trường chủ động nắm bắt chất lượng từng người, bồi dưỡng nhận thức, trách nhiệm ngay từ đầu và mạnh dạn bổ nhiệm, giao nhiệm vụ, gắn chức trách quản lý, chỉ huy đơn vị, giáo dục, rèn luyện bộ đội và trực tiếp giảng dạy các khoa mục phù hợp với chương trình, nội dung yêu cầu giáo dục, đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội sát với thực tế. Cán bộ sĩ quan trẻ phải trực tiếp thực hiện những nội dung trong quản lý, chỉ huy, giáo dục, bồi dưỡng bộ đội từ những việc nhỏ nhất đến quản lý tư tưởng, con người trong thực tế, thông qua hoạt động thực tiễn của cán bộ sĩ quan trẻ để cấp ủy phát hiện, bồi dưỡng sau đào tạo.
Để có kiến thức, kỹ năng, phương pháp huấn luyện tốt, đội ngũ cán bộ sĩ quan trẻ nhất thiết phải nắm vững những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng cơ bản, nguyên tắc, quy trình công tác chặt chẽ theo quy định và được thường xuyên rèn luyện theo những quy chuẩn về tấm gương đạo đức và phong cách, phương pháp, tác phong khoa học của Hồ Chí Minh. Yêu cầu việc xác định mục đích, lựa chọn nội dung phải sát thực tế, bảo đảm kết hợp học với hành, lý luận phải gắn với công tác thực tế; huấn luyện phải thiết thực, chu đáo, không ôm đồm, tham nhiều nội dung; nội dung phải thực hiện đúng khung chương trình đã được cấp trên xác định; phải gắn với phương pháp tốt, làm sao cho đối tượng người học, đối tượng quản lý giáo dục rèn luyện sau khi huấn luyện xong có thể thuần thục động tác, nắm vững kiến thức cơ bản và có thể thực hành được ngay.
Để làm được điều này, trong lúc quản lý, huấn luyện, giáo dục bộ đội, cán bộ sĩ quan trẻ được yêu cầu phải kết hợp nghiên cứu nắm vững những kiến thức cơ bản mình đã được học, được nghiên cứu. Đối chiếu với yêu cầu đòi hỏi của chương trình, nội dung xem có những thay đổi để bổ sung và những kinh nghiệm thực tế bản thân mình và đồng chí, đồng đội, cấp trên mình thực hiện. Mỗi đối tượng quản lý, giáo dục phải có nội dung phù hợp, phương pháp phù hợp. Học để hành, học và hành đi đôi với nhau. Học mà không hành thì học vô ích, hành mà không học thì hành không trôi chảy. Đó là mục đích của huấn luyện mà Bác Hồ đã chỉ ra, Nhà trường liên hệ vận dụng để bồi dưỡng cán bộ sĩ quan trẻ trong thực tế huấn luyện quân sự.
Trong huấn luyện bộ đội theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, đòi hỏi cán bộ sĩ quan trẻ phải nêu cao tác phong, phong cách độc lập suy nghĩ, làm chủ tình huống, tôn trọng đối tượng, tự do tư tưởng, thực hành dân chủ. Về việc này, đội ngũ sĩ quan trẻ ở Trường Đại học Nguyễn Huệ được thường xuyên bồi dưỡng, từng người nêu cao tính chủ động, năng động sáng tạo. Mặt khác, Nhà trường đặc biệt quan tâm xây dựng môi trường tốt nhất, tạo bầu không khí dân chủ tốt nhất: dân chủ về chính trị, quân sự, kinh tế, đời sống… để cán bộ sĩ quan trẻ được hòa mình và thể hiện năng lực thực hành trong thực tế. Nhất là xây dựng tấm gương đạo đức nhân cách, lối sống văn hóa và mối quan hệ tốt đẹp giữa cán bộ và học viên, thầy và trò, tạo không khí thoải mái, dân chủ, đoàn kết, dễ tiếp thu. Sĩ quan trẻ khi đứng lớp giảng dạy phải đáp ứng tốt yêu cầu, nguyên tắc bài giảng, thuyết trình hoặc xử trí các tình huống huấn luyện thực hành. Đối với những bài thuyết trình, người giảng được yêu cầu phải sử dụng ngôn ngữ, phong thái, tác phong thích hợp với từng đối tượng, phải chọn cách thu hút người nghe, nội dung diễn thuyết phải ngắn gọn, rõ ràng và thích hợp với hoàn cảnh, có những chứng cứ, ví dụ minh họa sinh động… nhưng bất luận trong hoàn cảnh nào, bài diễn thuyết, giảng giải phải bảo đảm tính trung thực, không xuyên tạc. Nhất là trong những đợt sinh hoạt chính trị, thông báo thời sự, tuyên truyền miệng, nói chuyện thời sự, giảng dạy chính trị…
Quá trình huấn luyện quân sự, cán bộ sĩ quan trẻ được chú trọng bồi dưỡng nắm vững tư tưởng, tinh thần chính, biết liên hệ vận dụng sát đúng vào điều kiện thực tế của bản thân thông qua những bài viết, bài nói chuyện của Bác Hồ; bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, nhất là quán triệt thực hiện chương trình, nội dung, phương pháp và yêu cầu đạt được trong huấn luyện quân sự. Quan điểm, đường lối chính trị, quân sự của Đảng ta, những kinh nghiệm chiến đấu, chỉ huy chiến đấu, những trận đánh hay, những người đánh giỏi, lý luận nghệ thuật tác chiến ở các loại địa hình, phù hợp với trình độ kỹ thuật, khoa học nghệ thuật quân sự.
Trong huấn luyện quân sự, cán bộ sĩ quan trẻ, giảng viên trẻ giảng dạy kỹ thuật, khoa học nghệ thuật quân sự, nhất thiết phải bám sát những quan điểm Tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua những tác phẩm Bác Hồ viết về lĩnh vực quân sự. Đây là những yêu cầu rất căn bản để người dạy và người học nắm vững nguyên tắc, nguyên lý vũ trang toàn dân, tăng cường tiềm lực quân sự và sức mạnh chiến đấu của quân đội. Thông qua các tác phẩm này, Bác đã trình bày khá đầy đủ những nội dung, yêu cầu cơ bản của huấn luyện quân sự, tổng kết kinh nghiệm huấn luyện, chiến đấu ở các nước để vận dụng vào Việt Nam rất cần thiết cho mỗi cán bộ sĩ quan trẻ. Một số bài viết, tác phẩm tiêu biểu như: Sửa đổi lối làm việc; Thư gửi hội nghị chính trị viên; Việt Bắc anh dũng; Cách huấn luyện quân sự của Khổng Minh; Kinh nghiệm du kích Tàu; Kinh nghiệm du kích Pháp; tóm tắt Binh pháp Tôn Tử; Bí mật của Fedơrốp…
Có kiến thức, nội dung tốt nhưng nếu chưa có phương pháp, phong cách tốt, chất lượng huấn luyện quân sự sẽ không đáp ứng được yêu cầu. Do đó, đội ngũ sĩ quan trẻ là cán bộ, giảng viên giảng dạy kiến thức quân sự phải tích cực chủ động nghiên cứu và tự mình rút ra những yêu cầu, nội dung cơ bản của việc lựa chọn và sử dụng các phương pháp phù hợp với đối tượng trong huấn luyện quân sự. Theo Hồ Chí Minh, người cán bộ quản lý, huấn luyện bộ đội, thầy trong giảng dạy cần đặc biệt chú trọng phương pháp huấn luyện, coi đây là thành tố cơ bản quyết định đến chất lượng, hiệu quả quá trình huấn luyện.
Để huấn luyện tốt, đội ngũ giảng viên, sĩ quan trẻ phải tìm lời giải năm câu hỏi: Huấn luyện ai? Ai huấn luyện? Huấn luyện gì? Huấn luyện như thế nào? Tài liệu huấn luyện ra sao?
Theo những nguyên tắc trên và để trả lời những câu hỏi đặt ra, Nhà trường đặc biệt quan tâm một số vấn đề cơ bản trong bồi dưỡng cán bộ, sĩ quan trẻ, gồm: 1) Phải thực hiện dân chủ trong quá trình giáo dục, huấn luyện, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người được giáo dục, huấn luyện; được quán triệt, phổ biến nhận thức, bồi dưỡng tình cảm, trách nhiệm người học, tiếp cận tài liệu trước rồi tham gia phát biểu ý kiến trong giờ học. Khi thảo luận phải để cho người ít sáng kiến, ít nói phát biểu trước, những người hiểu biết nói sau. 2) Sau mỗi vấn đề huấn luyện, giáo viên phải giải thích thêm cho rõ ràng, kết luận rành mạch, có thứ tự để người học dễ nhớ, đồng thời gợi mở những vấn đề mới, những vấn đề thực tiễn đặt ra để người học tiếp tục nghiên cứu sâu hơn. 3) Phải tránh lối truyền thụ một chiều, thầy đọc trò ghi, thầy là mẫu, trò làm theo một cách máy móc, thụ động. Bác dặn huấn luyện phải theo lối thảo luận bình đẳng, cởi mở nhưng trò phải kính thầy, thầy phải quý trò chứ không phải là “cá đối bằng đầu”. 4) Phải căn cứ vào trình độ của người học, đối tượng giảng dạy để lựa chọn nội dung, phương pháp phù hợp, vừa bảo đảm đạt được mục đích huấn luyện, vừa ngắn gọn, dễ hiểu, không tham nhiều nội dung, bài giảng dàn trải, kéo dài thời gian, người học mệt mỏi. Những yêu cầu có tính nguyên tắc này chính là phát huy tích tích cực, chủ động, sáng tạo của người học theo hướng phát huy dân chủ, bình đẳng, tránh được lối truyền thụ máy móc, một chiều.
Trung thành và vận dụng sáng tạo Tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng cán bộ sĩ quan trẻ trong huấn luyện quân sự, Trường Đại học Nguyễn Huệ đã xây dựng được đội ngũ cán bộ sĩ quan trẻ đảm nhiệm tốt cương vị chức trách ban đầu trung đội trưởng, đại đội trưởng, giảng viên các bộ môn huấn luyện quân sự, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thượng tá, ThS. Nguyễn Minh Đức và Thượng úy Nguyễn Minh Tuấn
Trường Đại học Nguyễn Huệ, Biên Hòa, Đồng Nai
------------------------
Tài liệu tham khảo:
1, Hồ Chí Minh, toàn tập, Tập 5, 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011.
2, Đảng bộ Trường Sĩ quan Lục quân 2, Nghị quyết Đại hội Nhiệm kỳ 2015-2020.
(*) Đảng uỷ Trường Sĩ quan Lục quân 2, Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm học 2007-2008, số 11-NQ/ĐULQ2, ngày 18-7-2007.