Giá trị lý luận và thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận

Trong bài báo Dân vận, Hồ Chí Minh đã đưa ra khái niệm: "Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho"(1).

"Dân vận" theo Hồ Chí Minh, được hiểu theo cả chiều rộng và chiều sâu. Theo chiều rộng, "Dân vận" là vận động tất cả mọi người dân, không để sót một người nào, nhằm tập hợp, đoàn kết lực lượng toàn dân, thực hiện những công việc chung, những công việc nên làm. Hiểu theo chiều sâu, "Dân vận" là phải hiểu rõ năng lực, tâm tư, nguyện vọng hoàn cảnh cụ thể của từng đối tượng để có hình thức vận động cho phù hợp. Hồ Chí Minh luôn quán triệt: Cách mạng tức là đổi xã hội cũ thành xã hội mới, đó là một công việc lâu dài, khó khăn gian khổ, đòi hỏi phải có sự đồng tâm, hợp lực, nhất trí của toàn dân tộc, không phân biệt giai cấp, tầng lớp; không phân biệt già, trẻ, gái trai, dân tộc, tôn giáo, giàu nghèo... Để tập hợp mọi giai cấp, tầng lớp, mọi người dân thành một lực lượng hướng đến một mục tiêu chung là giành độc lập dân tộc và xây dựng một xã hội mới tốt đẹp, chúng ta phải luôn đi sâu, đi sát quần chúng, đi vào từng người, khơi dậy và phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và ý thức tự giác của từng người dân để huy động tối đa sức lực, trí lực, tài lực của nhân dân vào sự nghiệp cách mạng.

Xuất phát từ quan điểm "cách mạng là sự nghiệp của quần chúng", Hồ Chí Minh yêu cầu dù là việc lớn hay việc nhỏ đều phải bàn bạc, lấy ý kiến của nhân dân, rồi vận động nhân dân thực hiện, có như thế thì công việc mới thành công. Trong lúc thi hành phải luôn luôn theo dõi, đôn đốc, đồng thời nắm bắt các vấn đề phát sinh để có cách khắc phục kịp thời, không được làm theo kiểu "đánh trống bỏ dùi" dễ gây bất mãn trong quần chúng; khi công việc hoàn thành phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tổng kết kinh nghiệm những việc làm được và chưa làm được để đề ra giải pháp khắc phục; phải có sự động viên, khuyến khích kịp thời bằng các hình thức khen thưởng, đồng thời phê bình các biểu hiện chưa tốt.

Theo Hồ Chí Minh, dân vận không chỉ tuyên truyền suông bằng sách báo, mít tinh, khẩu hiệu, mà phải bằng hành động cụ thể, thiết thực vì "nói chung thì các dân tộc Phương đông đều giàu tình cảm, và đối với họ, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền"(2). Do đó, lúc sinh thời, Người rất quan tâm đến việc xây dựng những điển hình tốt, những tấm gương tốt. Người cũng đã trực tiếp viết thư khen ngợi, động viên, khuyến khích những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập, lao động, sản xuất, chiến đấu và đề nghị có mục "gương người tốt, việc tốt" trên báo để động viên mọi người noi theo.

Người luôn quán triệt: Công tác dân vận là một bộ phận quan trọng trong công tác của Đảng, nếu thiếu hoặc làm không tốt Đảng sẽ không tập hợp được quần chúng làm cách mạng. Theo Người, nếu có quần chúng mà không có Đảng thì mọi phong trào của quần chúng chỉ là phong trào tự phát. Làm cách mạng đòi hỏi phải huy động sức mạnh của toàn dân tộc bởi "Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng ta đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân"(3). Nếu không làm tốt công tác dân vận, thì không những không phát huy được sức mạnh của toàn dân mà còn bị kẻ thù chống phá, xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đến lúc ấy dù việc nhỏ đến mấy thì cũng không thành công. Theo Người: "Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công"(4).

Ngay từ năm 1927, trong tác phẩm "Đường cách mệnh", Nguyễn Ái Quốc đã giải thích vì sao phải làm công tác dân vận. Theo Người, "cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người”(5).

Người cũng chỉ ra rằng chỉ có làm tốt công tác dân vận thì mới huy động được sức mạnh vô địch của quần chúng nhân dân. Người nói: "Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân"(6); cách mạng muốn thành công, đạt được nhiều thành tựu lớn lao thì phải xây dựng nền tảng từ nhân dân:

                                     "Gốc có vững, cây mới bền,

                                     Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân"(7).

Hồ Chí Minh đã đúc kết, "kinh nghiệm trong nước và các nước cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy cũng làm được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong"(8). Do đó, cần phải nhận thức rõ công tác vận động, giác ngộ quần chúng là công tác quan trọng quyết định thành bại của cách mạng.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận là một tài sản vô giá. Đó là sự kế thừa tư tưởng "trọng dân", "tin dân", "dựa vào dân" của ông cha ta, những giá trị văn hóa, nhân văn, nhân bản của phương Đông, phương Tây, mà đỉnh cao là chủ nghĩa Mác - Lênin.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận, Đảng ta luôn xác định đúng đắn vị trí, vai trò quan trọng của nhân dân, của công tác dân vận đối với sự nghiệp cách mạng, coi công tác dân vận là một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động của Đảng. Nhờ đó, Đảng đã tập hợp được đông đảo quần chúng, phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc, đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong thời kỳ đổi mới, nhờ làm tốt công tác dân vận, Đảng ta đã và đang thực hiện thành công đường lối đổi mới, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ. Nhân dân ta ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chế độ, vào tương lai của công cuộc đổi mới, một lòng một dạ theo Đảng, sẵn sàng mang hết tài năng thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15-10-1930 – 15-10-2010) chúng ta càng cần phải thấy rõ những mặt khuyết điểm, còn tồn tại trong công tác dân vận; đặc biệt là vấn đề rèn luyện phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên, tình trạng quan liêu, tham nhũng và cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng hiện nay. Thực trạng đó đặt công tác dân vận trước những khó khăn, thách thức mới. Để công tác dân vận đạt được những kết quả cao trong thời kỳ mới, đòi hỏi Đảng ta phải tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận, nhằm tập hợp, xây dựng được khối đại đoàn kết, phát huy sức mạnh của toàn dân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa đất nước tiến lên.

……………………………..

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, tr.698, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000.

(2) Sách đã dẫn, tập 2, tr.263.

(3) Sđd, tập 10, tr.197.

(4) Sđd, tập 5, tr.700.

(5) Sđd, tập 2, tr.262.

(6) Sđd, tập 8, tr.276.

(7) Sđd, tập 5, tr.410.

(8) Sđd, tập 5, tr.295.

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất