Rèn luyện phương pháp, tác phong công tác theo Tư tưởng Hồ Chí Minh

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, phương pháp, tác phong công tác của cán bộ, đảng viên không chỉ là tổng hợp những lề lối, cách thức, biện pháp xử lý công việc, ứng xử xã hội và sử dụng để thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình mà còn là sự thể hiện quan điểm, lập trường chính trị, tư cách đạo đức, lối sống, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ trong thực tiễn. Phương pháp, tác phong công tác giữ vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Người cán bộ, đảng viên tuy có tri thức, năng lực, nhiệt tình nhưng nếu thiếu phương pháp, tác phong làm việc tốt cũng khó có thể hoàn thành nhiệm vụ với chất lượng cao. Thậm chí, do phương pháp, tác phong công tác thiếu khoa học, thiếu dân chủ, xa rời thực tế, quan liêu… mà cán bộ có thể gây ra tổn thất cho Đảng và Nhà nước. Vì vậy, bồi dưỡng, rèn luyện phương pháp, tác phong công tác cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh vừa là nhiệm vụ cơ bản, thường xuyên vừa là vấn đề cấp thiết trong tình hình hiện nay.

Tư tưởng của Hồ Chí Minh về bồi dưỡng phương pháp, tác phong công tác cho đội ngũ cán bộ, đảng viên được thể hiện qua rất nhiều bài nói, bài viết nhưng đều tập trung thể hiện trên những nội dung cụ thể sau:

Một là, nêu cao tính đảng, tính nguyên tắc

Theo Hồ Chí Minh, phẩm chất hàng đầu của người cán bộ, đảng viên đó là lòng trung thành với Tổ quốc, với lý tưởng cách mạng của Đảng, trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Hồ Chí Minh chỉ rõ: Làm bất cứ công việc gì, trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào, người cán bộ, đảng viên cũng phải luôn xuất phát từ đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của quần chúng. “Phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết”(1); “việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và và phải làm đến nơi đến chốn”(2); “lý luận và thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau”(3). Kiên quyết bảo vệ, ủng hộ cái mới, cái đúng, đấu tranh phê phán cái sai, cái lạc hậu, tiêu cực trong đơn vị. Phương pháp, tác phong công tác này hoàn toàn đối lập với lối làm việc chỉ nhằm phục vụ lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm, quan liêu, xa rời thực tiễn.

Hai là, thực hiện tự phê bình và phê bình

Đối với tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh đề cao vấn đề phê bình, tự phê bình. Theo Người, phê bình chính là cách “để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ”, là để “sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn”, đạt tới sự “đoàn kết và thống nhất nội bộ”.

Tư tưởng cốt lõi của Hồ Chí Minh trong phê bình là “phê bình việc chứ không phải phê bình người”. Đồng thời, phê bình bao giờ cũng gắn với tự phê bình, Người đã chỉ rõ “Để chữa những bệnh tật kia, ta phải tự phê bình ráo riết và phải lấy lòng thân ái, lấy lòng thành thật mà ráo riết phê bình đồng chí mình. Hai việc đó phải đi đôi với nhau”. Người đòi hỏi “mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt”, tức là đưa việc tự phê bình, tự kiểm điểm thành nhu cầu cần thiết thường xuyên, như hành vi tự chăm sóc bản thân của mỗi người.

Ba là, gần gũi, tin tưởng quần chúng

Hồ Chí Minh từng đặt yêu cầu rất cao về tác phong quần chúng, từ việc phải học hỏi quần chúng, lắng tai nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người không quan trọng... Người căn dặn: “Ta phải liên lạc mật thiết với dân chúng. Không được xa rời dân chúng”(4). Nếu không cụ thể, sâu sát quần chúng thì đảng viên không thể thấy được, hiểu được nguyện vọng, tâm tư, tình cảm của quần chúng, không thể thuyết phục, thu phục được quần chúng. Do đó, đối với người lãnh đạo phải biết học hỏi quần chúng, biết tập trung tài năng, trí tuệ của quần chúng thành sức mạnh chung, tìm ra được lực lượng, biện pháp để thực hiện nhiệm vụ; phải biết khơi dậy, phát huy tính tích cực, tự giác, sáng tạo của quần chúng trong mọi nhiệm vụ được giao.

Bốn là, sâu sát, nắm tình hình thực tiễn

Hồ Chí Minh chỉ rõ, người cán bộ, đảng viên phải luôn đi sâu, đi sát thực tiễn, nắm tình hình một cách toàn diện; phải nắm người, nắm việc, nắm các vấn đề có liên quan đến đời sống của nhân dân, liên quan đến nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương… một cách cụ thể, chính xác.

Theo Người, chỉ có tăng cường quan điểm thực tiễn, khéo đi sâu điều tra nghiên cứu, phân tích và giải quyết đúng mâu thuẫn trong đời sống thực tiễn thì sự lãnh đạo, công tác mới có nội dung, đạt chất lượng, hiệu quả cao. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên, “trong lúc học lý luận phải nghiên cứu công việc thực tế, kinh nghiệm thực tế”(5), có như vậy, lý luận mới có sức mạnh, mới thiết thực.

Năm là, thực hành dân chủ thực sự và rộng rãi

Với việc đưa ra phương pháp, tác phong công tác dân chủ, Hồ Chí Minh đã thực hiện một sự phủ định tác phong quan liêu, độc đoán, gia trưởng. Dân chủ là thước đo phong cách làm việc của cán bộ. Theo Hồ Chí Minh, có dân chủ thì mới “khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến” (6). Hồ Chí Minh đã chỉ ra tình trạng mất dân chủ nghiêm trọng trong các cơ quan nhà nước. Người viết, có những cán bộ cấp dưới, những nhân viên, “dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình”(7). Nguyên nhân của tình trạng mất dân chủ đó là do “cách lãnh đạo của ta không được dân chủ” (8). Vì vậy, Hồ Chí Minh đòi hỏi cán bộ lãnh đạo các cấp phải thường xuyên “trưng cầu ý kiến phê bình của cấp dưới” (9) và “không nên tự tôn, tự đại”, “phải nghe, phải hỏi ý kiến của cấp dưới” (10), tức là phải thực hành dân chủ với tính cách là một chế độ làm việc, một phương pháp, tác phong công tác của người cán bộ, đảng viên.

Sáu là, nói đi đôi với làm

Vận động, giáo dục, thuyết phục là phương pháp cơ bản, chủ yếu trong công tác vận động quần chúng của Đảng, của người cán bộ. Để thực hiện tốt việc vận động, giáo dục, thuyết phục quần chúng, người cán bộ phải biết dùng chân lý, lẽ phải, bằng hành động gương mẫu của mình để giáo dục, thuyết phục quần chúng. Hồ Chí Minh từng nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm, chứ không phải nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh”(11). Để thực hiện “nói đi đôi với làm”, cán bộ, đảng viên phải có tính quyết đoán trong công tác, cẩn trọng trong xử lý các tình huống, sáng suốt, công tâm, biết kết hợp ý kiến chỉ đạo của cấp trên với ý kiến tham mưu đề xuất của các bộ phận cùng cấp và cấp dưới, phát huy sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân. Phương pháp, tác phong công tác của cán bộ, đảng viên phải mẫu mực, chính kiến rõ ràng, cụ thể, thái độ chân thành cởi mở, hành động gương mẫu, cương quyết, dứt khoát; kiên quyết chống mọi biểu hiện chủ quan nóng vội, định kiến cá nhân, thể hiện mình là bề trên, là “ông quan cách mạng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Cán bộ, đảng viên là người lãnh đạo, là người đày tớ trung thành của nhân dân.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp, tác phong công tác khoa học có ý nghĩa thực tiễn to lớn. Các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:

Một là, nhận thức đúng vị trí, vai trò, nội dung của phương pháp, tác phong công tác khoa học theo Tư tưởng Hồ Chí Minh; có thái độ trách nhiệm trong củng cố, nâng cao phương pháp, tác phong công tác và chất lượng, hiệu quả trên các mặt công tác đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh về chính trị.  

Hai là, trên cơ sở phương pháp, tác phong làm việc khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với thực tiễn công tác, các cấp uỷ đảng thường xuyên có kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo và tiến hành bồi dưỡng, rèn luyện phương pháp, tác phong công tác cho đội ngũ cán bộ, đảng viên một cách sâu sát, khoa học, luôn bám sát các hoạt động nghiệp vụ, chuyên môn của họ. Đồng thời, lấy đó làm cơ sở trong xem xét, đánh giá năng lực công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Ba là, đa dạng hoá các hình thức, biện pháp bồi dưỡng, rèn luyện phương pháp, tác phong công tác cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Trong quá trình bồi dưỡng, rèn luyện phương pháp, tác phong công tác cho đội ngũ cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt những hình thức, biện pháp cơ bản như: Thông qua hoạt động thực tiễn, các lớp tập huấn, hội thao, hội thi công tác nghiệp vụ, hoạt động của các tổ chức; cấp trên bồi dưỡng cấp dưới; học tập đồng chí, đồng đội; thông qua công tác nhận xét, đánh giá cán bộ; bản thân nghiêm túc, tự giác tu dưỡng, rèn luyện; phải tiến hành thường xuyên, liên tục, ở mọi lúc, mọi nơi… Đây là những hình thức, biện pháp quan trọng thiết thực trực tiếp góp phần nâng cao phương pháp, tác phong công tác khoa học cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay.

TS. Trần Thu Truyền

Chính ủy Đoàn PB S75

------------------------------

(1, 2, 3) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXBCTQG, H. 2002, tr.26, 267.

(4,5,6,7,8,9,10,11) Sđd, tập 5, tr.238, 272, 280, 243, 244, 281, 699.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất