Từ thành phố này Người đã ra đi tìm đường cứu nước
Nơi lưu lại cho dân tộc Việt Nam một kỷ niệm thiêng liêng của Bác

Từ Huế đến Phan Thiết rồi vào Sài Gòn

Đúng ngày 19-9-1910, từ trường Dục Thanh (Phan Thiết) thầy giáo Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn, chuẩn bị cho cuộc hành trình 30 năm bôn ba xứ người tìm đường cứu nước. Ban đầu, Nguyễn Tất Thành được bố trí sống tại nhà ông Lê Văn Đạt, một người bà con bên mẹ của ông Trương Gia Mô, sau được chuyển đến ở tại cơ sở của Phân cuộc Liên thành Thương quán tại số nhà 1-2-3 Quai Testard. Lúc đó nhà ở bên dòng kênh, sau kênh được lấp thành đường đi. Đến năm 1915 đổi thành đường Tổng đốc Phương và nay là đường Châu Văn Liêm, quận 5, TP.Hồ Chí Minh. Trong 3 căn nhà đó, một căn đã được giữ lại làm di tích lưu niệm về Hồ Chủ tịch.

Sự giúp đỡ của ông Trương Gia Mô, ông Hồ Tá Bang, 2 vị nhân sĩ có  tiếng tăm ở Nam bộ thời bấy giờ cũng chính là những người bạn của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, đã tạo điều kiện cho việc đưa Nguyễn Tất Thành từ Huế vào dạy học ở trường Dục Thanh. Lại cũng chính các ông Trương Gia Mô, Hồ Tá Bang và một nhà nho khác nữa là Trần Lê Chất đã chuẩn bị điều kiện cho Nguyễn Tất Thành rời trường Dục Thanh vào Sài Gòn. Bằng uy tín và sự khôn khéo, các ông đã vận động viên Công sứ Pháp đồng ý cấp giấy thông hành cho Nguyễn Tất Thành với một tên mới là Văn Ba.

Thời gian ở Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành vừa dạy học ở Trường thợ máy (École des Mécaniciens), vừa đi bán báo ở khu vực Thương cảng để kiếm sống và tìm hiểu đời sống công nhân, nhân dân lao động và tình hình các tàu ra vào cảng Sài Gòn.

Những năm tháng ở Huế, Nguyễn Tất Thành đã nhiều lần được nghe cha là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và các sĩ phu yêu nước đàm đạo về tình hình đất nước, về dân tộc bị nô lệ, áp bức, bóc lột và những gì được chứng kiến về Triều đình Huế; về phong trào đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng tại Huế và các tỉnh miền Trung những năm 1908-1910 đã thức dậy trong Nguyễn Tất Thành tinh thần yêu nước, ý thức đấu tranh chống thực dân xâm lược. Cùng với đó là các phong trào Đông Du (1906-1908) do nhà yêu nước Phan Bội Châu lãnh đạo; phong trào Đông kinh Nghĩa thục (1907) do các sĩ phu yêu nước Lương Văn Can, Nguyễn Quyền và phong trào Duy Tân (1906-1908) do Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng... khởi xướng. Các phong trào đó tuy không thành công, nhưng Nguyễn Tất Thành rất khâm phục tinh thần yêu nước của các bậc sĩ phu. Nhưng cũng ngay từ đó, Nguyễn Tất Thành cũng đã không hoàn toàn tán thành chủ trương của các cụ. Nguyễn Tất Thành cho rằng: Chủ trương cầu viện Nhật giúp đỡ đánh Pháp của cụ Phan Bội Châu chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”; chủ trương thực hiện cải lương của cụ Phan Chu Trinh không khác gì đến xin kẻ thù rủ lòng thương. Còn chủ trương khởi nghĩa chống Pháp của Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám là phản ánh đúng hoàn cảnh của đất nước nhưng điều kiện lại chưa chín muồi, chưa đủ cơ sở đảm bảo cho những cuộc khởi nghĩa vũ trang đó thành công...

Đất nước bị xâm lược, dân tộc bị nô lệ, nhân dân bị áp bức, lầm than; các phong trào yêu nước bị đàn áp và thất bại đã thức dậy trong Nguyễn Tất Thành-Văn Ba ý chí quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Và, ngày 2-6-1911, Nguyễn Tất Thành đến xin việc làm ở tàu A. La-tút-sơ Tơ-rê-vin, một tàu lớn vừa chở hàng, vừa chở khách đang chuẩn bị rời cảng Sài Gòn đi Pháp và được chủ tàu chấp thuận. Ngày 3-6-1911, Nguyễn Tất Thành bắt đầu làm việc trên tàu với tấm thẻ nhân viên mang tên Văn Ba.

Cuộc hành trình 30 năm ra đi tìm đường cứu nước

Lôi cuốn bởi khẩu hiệu “tự do-bình đẳng-bác ái” của tư tưởng tiến bộ từ cuộc cách mạng tư sản Pháp năm 1789, ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành-Văn Ba theo tàu A.La-tút-sơ Tơ-rê-vin rời cảng Sài Gòn mà lâu nay  thường gọi là bến Nhà Rồng sang Pháp, mở đầu cho cuộc hành trình 30 năm đi tìm đường cứu nước. Cuộc hành trình 30 năm, Nguyễn Tất Thành-Văn Ba sau này là Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã vượt qua 3 đại dương, 4 châu lục, đến gần 30 quốc gia trên thế giới để như Bác tâm nguyện: Chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi. Chúng ta sẽ đi, và nhìn, và học và suy nghĩ... Chúng ta tìm cho ra phương pháp nào, con đường nào tốt nhất để đưa đồng bào ta thoát khỏi nô lệ.

Các nhà khoa học nghiên cứu về Hồ Chí Minh đã chia cuộc hành trình 30 năm (5-6-1911 - 1941) đi tìm đường cứu nước của Người làm 3 chặng lớn:

Chặng thứ nhất từ 1911-1919: Kể từ ngày 5-6-1911 trên tàu A.La-tút-sơ Tơ-rê-vin rời bến cảng Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành-Văn Ba-Nguyễn Ái Quốc đã bôn ba qua nhiều nước, Người không chỉ chọn nước Pháp, chọn châu Âu - nơi khai sinh ra các tư tưởng dân chủ tư sản tiến bộ, nơi phát minh ra nền khoa học, kỹ thuật tiên tiến và cũng là nơi khởi phát các tư tưởng XHCN và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, mà còn đến cả những nơi bần cùng, khốn khổ nhất ở châu Mỹ, châu Phi, tiếp xúc với nhiều lớp người, thuộc nhiều dân tộc khác nhau để hiểu đúng thực chất hơn về chủ nghĩa tư bản, về sự áp bức dân tộc của thực dân đế quốc và để được thấy tận mắt cuộc sống bần cùng của người dân nô lệ. Người đã rút ra kết luận: Ở đâu cũng có người nghèo khổ như nước mình do bị áp bức, bóc lột vô nhân dạo của giai cấp thống trị. Người khẳng định: muốn thoát khỏi nô lệ và áp bức bóc lột thì nhân dân lao động toàn thế giới phải cùng đoàn kết lại để đấu tranh chống kẻ thù chung là giai cấp thống trị.

Chặng thứ hai từ 6-1919 - 1924: Người nhân danh “Nhóm người Việt Nam yêu nước” ký tên Nguyễn Ái Quốc vào bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi các đoàn đại biểu dự Hội nghị Véc-xây. Người yêu cầu các nước đồng minh vừa thắng trận trong chiến tranh thế giới thứ nhất, trong đó có nước Pháp, hãy tôn trọng quyền tự do, bình đẳng của nhân dân Việt Nam. Từ đây, cái tên Nguyễn Ái Quốc trở thành mối lo rất lớn của thực dân Pháp. Trái lại, ba tiếng Nguyễn Ái Quốc đã trở thành biểu tượng của niềm tin và hy vọng của những người yêu nước và nhân dân Việt Nam về một lãnh tụ kiệt xuất, một ngày nào đó sẽ trở về dẫn dắt cuộc đấu tranh của nhân dân thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp, giành độc lập cho dân tộc.  

Những năm này, thế giới đã có sự biến động lớn sau cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga thành công. Trong điều kiện lịch sử đó, Nguyễn Ái Quốc đã đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin, học thuyết cách mạng tiên phong của thời đại. Người đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Pháp và là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Là một chiến sĩ quốc tế trung kiên, Người luôn luôn quan tâm đến cuộc đấu tranh của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc. Giữa năm 1923, Nguyễn Ái Quốc rời đất Pháp sang Liên-Xô, đất nước của V.I.Lênin vĩ đại bắt đầu một chặng đường mới, nghiên cứu về lý luận và thực tiễn cuộc Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga vĩ đại. Và chính tại đây, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường đúng đắn để đưa đồng bào thoát khỏi vòng nô lệ. Người khẳng định: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Cách mạng giải phóng dân tộc phải gắn liền với cách mạng vô sản, độc lập dân tộc phải gắn liền với CNXH.

 Chặng thứ ba từ 1924-1941: Trong chặng đường này, Nguyễn Ái Quốc vừa làm nhiệm vụ quốc tế, vừa lo toan sự nghiệp cách mạng Việt Nam với biết bao truân chuyên, gian khó. Nhưng với một mục đích đúng đắn, rõ ràng, một nghị lực phấn đấu phi thường và tầm nhìn thấu đáo thời cuộc thế giới, Nguyễn Ái Quốc đã thể hiện rõ là người hoạt động cách mạng có bản lĩnh, gan dạ, khôn khéo. Ngay trong lòng kẻ thù vẫn đấu tranh trực diện với thực dân Pháp, đòi xóa bỏ áp bức và xiềng xích nô lệ cho dân tộc, cho các nước thuộc địa. Bằng các yêu sách, các luận cứ xác đáng, Người đã lên tiếng tại các hội nghị quốc tế; viết bài đấu tranh trên các báo Người cùng khổ (do chính Người làm chủ bút), Nhân Đạo, Đời sống Công nhân…; đặc biệt là tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” với rất nhiều tư liệu phong phú để đấu tranh và tố cáo tội ác của thực dân Pháp và chủ nghĩa đế quốc thực dân, đòi quyền tự do, bình đẳng cho dân tộc mình và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Nhà sử học Anh T. Hốt-kin đánh giá: Một khía cạnh trong thiên tài của cụ Hồ Chí Minh là ngay từ năm 1922, khi cụ xuất bản tờ Người cùng khổ và cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp ở Pa-ri, cụ đã có khả năng trình bày Chủ nghĩa Mác-Lênin không phải như một tín điều ngoại lai, mà như là một cách suy nghĩ đặc biệt Việt Nam về con người và xã hội được nảy sinh từ kinh nghiệm cách mạng và thực tiễn của chính dân tộc cụ.

 Khi được Quốc tế Cộng sản cử về Trung Quốc hoạt động, Người đã bắt tay vào chỉ đạo và đề ra chiến lược cụ thể, vạch ra đường lối, phương châm cho cách mạng Việt Nam; tập hợp lực lượng, xây dựng tổ chức, đào tạo cán bộ. Người đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam làm ngọn cờ lãnh đạo, vận động nhân dân. Khi trở về Tổ quốc tại Cao Bằng tháng 2-1941, Người đã cùng Trung ương Đảng xây dựng thành công chiến khu Việt Bắc, chỉ đạo quân, dân ta trong cuộc đấu tranh vì mục tiêu cao cả là giành lại độc lập, chủ quyền cho dân tộc, tự do cho đồng bào.

Có thể nói, hành trang ban đầu của Nguyễn Tất Thành-Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh trong cuộc hành trình tìm đường cứu nước là tri thức văn hóa phương Đông và niềm ham mê học hỏi văn hóa phương Tây; là lòng yêu nước nồng nàn, sự tiếp thu có chọn lọc con đường cứu nước của các nhà yêu nước lớp trước, tiếp thu học thuyết cách mạng của thời đại đã giúp Người tìm được con đường cứu nước, cứu dân đúng đắn. Con đường cách mạng đó đã để lại cho hôm nay thành quả vĩ đại là một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ đang trên đường đổi mới, hội nhập quốc tế, phát triển và giàu mạnh, tạo nền tảng để không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân ngày càng tự do, ấm no.      

Ngôi nhà số 1-2-3-Quai Testar thuộc Phân cuộc Liên thành Thương quán, tức nhà số 5, đường Châu Văn Liêm, quận 5 ngày nay - nơi cách đây 100 năm Bác Hồ từng sống trước khi lên tàu rời cảng Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Di tích đã được Ngành văn hóa TP.Hồ Chí Minh trùng tu vào năm 1977 và luôn được mở cửa để đón du khách thăm quan. Dẫu một thế kỷ đã qua, nhưng ngôi nhà vẫn giữ được nét cổ kính thuở xưa. Tầng trệt của di tích đặt bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên lầu 1, trưng bày một số hình ảnh liên quan đến Công ty Liên Thành, các hình ảnh về Sài Gòn thời kỳ 1910-1911. Ngày nay vào thăm quan, vãn cảnh di tích, khi bước chân lên cầu thang nhỏ, ngắm nhìn những hiện vật từng gắn bó với Người, từng sống cùng Người trong căn nhà này, như nhắc nhở lớp lớp con cháu hôm nay và cả mai sau hãy nhớ về một thời đất nước còn trong vòng nô lệ, lầm than; về người thanh niên yêu nước vĩ đại Nguyễn Tất Thành-Văn Ba-Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã từ đây ra đi để tìm con đường cứu nước đúng đắn nhất nhằm giải phóng đất nước, giành độc lập cho dân tộc và tự do ấm no cho đồng bào.

.........................................................

Nguồn tài liệu tham khảo:

- Hồ Chí Minh Biên niên Tiểu sử, tập 1, 1890-1930, NXBCTQG, H.1993.

- Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5-9, NXBCTQG, H.1995.

- Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc-Khu Di tích Đồng Tháp xuất bản 1990.

Phản hồi (1)

PHUONG 13/09/2011

HAY

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất