Một trong những khó khăn làm ảnh hưởng đến sự phát triển xã hội là tình trạng bạo lực gia đình, nhất là bạo lực đối với phụ nữ. Bạo lực gia đình là vấn đề mang tính toàn cầu, gây nhức nhối cho nhân loại, để lại nhiều hậu quả cho con người, nhất là đối với phụ nữ; biết bao phụ nữ bị tổn thương nặng nề về thể chất, trí tuệ và tinh thần; biết bao gia đình tan vỡ; biết bao nạn nhân là trẻ em phải sống lang thang không nơi nương tựa... Mặc dù Liên Hợp Quốc và các nước trên thế giới đã có nhiều cố gắng trong việc phòng, chống bạo lực gia đình nhưng ở khắp nơi trên thế giới, phụ nữ vẫn là nạn nhân của bạo lực gia đình. Chính vì vậy, phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ là vấn đề cấp bách hiện nay.
Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rõ vị trí, vai trò của phụ nữ Việt Nam. trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Hồ Chí Minh cũng nhận rõ người phụ nữ luôn phải chịu nhiều thiệt thòi, bất công trong gia đình và xã hội. Thực tế, trong hầu hết các gia đình Việt Nam trước đây, phụ nữ thường bị coi khinh, bị ngược đãi.
Vì vậy, khi nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo soạn thảo Hiến pháp và Hiến pháp đầu tiên (1946) của nước ta qui định: "nam nữ bình đẳng". Mặc dù pháp luật đã qui định rõ, nhưng do tàn tích của lịch sử để lại nên trong nhiều gia đình, phụ nữ vẫn chưa được bình đẳng hoàn toàn với nam giới, họ vẫn là nạn nhân của bạo lực gia đình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều ví dụ cụ thể: “Ở Lương Yên (Hà Nội) trong 196 gia đình, thì có 26 người chồng thường đánh mắng vợ, có người đánh vợ bị thương... Ở xã Quảng Lưu (Thanh Hóa), có người nhét tro vào miệng vợ và đánh vợ què tay, có người cạo trọc đầu và lột hết quần áo vợ, rồi giong vợ đi bêu khắp thôn xóm...”(1). Thấu hiểu nỗi khổ của người phụ nữ dưới chế độ cũ bị ràng buộc khắt khe với những tập tục lạc hậu, đã làm cho người phụ nữ dốt nát, cùng cực, tối tăm, bị coi thường và không có vị trí trong xã hội, phải phụ thuộc vào người chồng và bị cột chặt vào gia đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Dưới chế độ phong kiến và thực dân, phụ nữ bị áp bức tàn tệ. Ngoài xã hội, phụ nữ bị xem khinh như nô lệ. Trong gia đình thì họ bị kìm hãm trong xiềng xích "tam tòng". Vì vậy, cần phải giải phóng phụ nữ thoát khỏi những xiềng xích trói buộc đó, đó chính là nội dung cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ thì xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ được một nửa”(2). Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng muốn thực hiện bình đẳng nam, nữ; phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ trước hết phải giải phóng phụ nữ ra khỏi sự trói buộc của tư tưởng "trọng nam khinh nữ", ra khỏi sự bất công ngay trong gia đình của họ. Người lên án mạnh mẽ quan điểm "đàn bà phải quanh quẩn trong bếp". Chính những quan niệm kiểu đó đã dẫn đến việc giá trị người phụ nữ bị hạ thấp trong gia đình và xã hội.
Người đặc biệt lên án mạnh mẽ các hiện tượng phân biệt đối xử với phụ nữ như: khinh rẻ, coi thường, đánh đập, chửi mắng, hành hạ phụ nữ, ép duyên con gái, đối xử tàn tệ với con dâu... Người viết: "Khinh rẻ phụ nữ và dã man nhất là thói đánh vợ. Trong nhân dân và đảng viên vẫn còn thói xấu này. Thậm chí, có cán bộ và đảng viên đánh vợ bị thương nặng khi vợ mới ở cữ. Mẹ chồng và em chồng không ngăn lại còn thượng đấm tay, hạ đá chân"(3). Người cho đó là một điều đáng xấu hổ, “như thế thì còn gì là tình nghĩa vợ chồng? Như thế là phạm pháp, là cực kỳ dã man”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên nhắc nhở các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể phải làm tốt công tác vận động phụ nữ, thực hiện nam nữ bình quyền, chống bạo lực gia đình bởi bạo lực gia đình chính là yếu tố cản trở sự phát triển xã hội. Chính vì vậy, Người đã chủ trương giải phóng phụ nữ khỏi những bất công, tạo điều kiện cho họ thực hiện quyền bình đẳng của mình, trước hết là trong gia đình. Điều đó đã tạo động lực cho chị em phụ nữ, thôi thúc họ hăng hái tham gia đóng góp tích cực cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Kế thừa, vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ trong thời kỳ mới, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm đảm bảo thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ và phòng, chống bạo lực trong gia đình đối với phụ nữ. Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang triển khai Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, chính là thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng xã hội Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, văn minh.
Tuy nhiên, do chưa nhận thức đầy đủ về giới, chưa tuyên truyền rộng rãi, vận dụng một cách triệt để tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống bạo lực gia đình nên sự nghiệp giải phóng phụ nữ vẫn còn những hạn chế nhất định, gây ảnh hưởng đến sự phát triển xã hội. Một trong những khó khăn làm ảnh hưởng đến sự phát triển xã hội là tình trạng bạo lực gia đình, nhất là bạo lực đối với phụ nữ. Bạo lực gia đình là vấn đề mang tính toàn cầu, gây nhức nhối cho nhân loại, để lại nhiều hậu quả cho con người, nhất là đối với phụ nữ; biết bao phụ nữ bị tổn thương nặng nề về thể chất, trí tuệ và tinh thần; biết bao gia đình tan vỡ; biết bao nạn nhân là trẻ em phải sống lang thang không nơi nương tựa... Bạo lực gia đình đã vượt qua ranh giới về văn hóa, về mức thu nhập và về tuổi tác. Không chỉ những người phụ nữ nông thôn hay những phụ nữ có trình độ học vấn thấp mới là nạn nhân của bạo lực gia đình mà ngay cả đối với những phụ nữ có trình độ học vấn cao cũng vẫn là nạn nhân của những vụ bạo lực gia đình; không chỉ những người phụ nữ không trực tiếp lao động để có thu nhập mới là nạn nhân của bạo lực gia đình mà ngay cả những người thành đạt, có thu nhập cao cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình; không chỉ những cô gái trẻ là nạn nhân của bạo lực gia đình mà ngay cả những người phụ nữ lớn tuổi cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình từ phía chồng, người tình hoặc con của mình. Mặc dù Liên Hợp Quốc và các nước trên thế giới đã có nhiều cố gắng trong việc phòng, chống bạo lực gia đình nhưng ở khắp nơi trên thế giới, phụ nữ vẫn là nạn nhân của bạo lực gia đình. Chính vì vậy, phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ là vấn đề cấp bách hiện nay.
Theo báo cáo của Bộ Công an, trên toàn quốc cứ 2 đến 3 ngày có một người bị giết liên quan đến bạo lực gia đình. Trong 8 năm gần đây có tới 11.630 vụ bạo lực gia đình được chính quyền can thiệp, giải quyết. Cao nhất là các tỉnh: Hà Tây (cũ): 1.484 vụ; Kiên Giang 2.005 vụ. Theo báo cáo của Sở Y tế một số tỉnh về các bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực gia đình đã được điều trị trong năm 2005 thì ở An Giang có 1.319 bệnh nhân trong đó có 1.011 người tự tử với 30 người chết; Gia Lai có 3.944 bệnh nhân, trong đó có 715 người tự tử với 27 người chết; Bắc Giang có 464 bệnh nhân trong đó có 174 người tự tử với 3 người bị chết...(4).
Trên thực tế, số vụ bạo lực gia đình đối với phụ nữ còn cao hơn rất nhiều, bởi số liệu trên chỉ là những vụ việc đưa ra tòa án xử lý khi đã xảy ra hậu quả, tác động nghiêm trọng. Chính vì vậy, bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực gia đình đối với phụ nữ cần được hạn chế và tiến tới xoá bỏ trong xã hội. Ở Việt Nam, nhất là những nơi vùng sâu, vùng xa, nghèo đói, khó khăn, vẫn còn tồn tại tư tưởng "trọng nam khinh nữ", coi phụ nữ chỉ là cái bóng của đàn ông, bị cột chặt vào gia đình, công việc của họ chỉ là sinh con, nuôi con và nội trợ. Thực chất một số phụ nữ không được tôn trọng, bình đẳng ngay chính trong gia đình của mình, họ bị chà đạp về thể xác lẫn tinh thần; không được đi học, không có quyền tham gia các công việc xã hội... Điều này đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của xã hội và ngay chính bản thân người phụ nữ. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối, chính sách nhằm xóa bỏ sự bất bình đẳng giới, bảo vệ người phụ nữ, tạo mọi điều kiện để người phụ nữ phát triển toàn diện. Song, ở nhiều địa phương, trong nhiều gia đình, người phụ nữ còn phải sống trong bạo lực mà người gây ra những nỗi đau cho họ lại chính là những người gần gũi nhất, thân yêu nhất. Thực tế đó cho thấy bạo lực gia đình ở mức báo động.
Thựchiện những cải biến xã hội dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, phụ nữ Việt Nam đã được thoát khỏi áp bức, bất công, đặc biệt là thoát khỏi những trói buộc trong gia đình bởi hủ tục và quan niệm phong kiến nặng nề để bước lên địa vị làm chủ đất nước, làm chủ bản thân, bình đẳng với nam giới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trên lĩnh vực gia đình. Để phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ, thực hiện quyền bình đẳng của người phụ nữ trong gia đình, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành những chủ trương, chính sách nhằm phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ, từ đó tạo điều kiện để họ có cơ hội tham gia vào các hoạt động của xã hội, cống hiến trí tuệ, tài năng của mình cho đất nước, góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
.............................
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H 2000, tập 10, tr. 225
(2) Sách đã dẫn (Sđd), tập 8, tr.125
(3) Sđd, tập 8, tr.195.
(4) Uỷ ban về Các vấn đề xã hội: Tờ trình Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Hà Nội 2000.
Ninh Thị Hồng Hạnh
Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh - Hưng Yên