64 năm về trước, khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH) cùng một lúc phải đối phó với nhiều loại kẻ thù, để tranh thủ thời gian từng bước đưa nước nhà vượt qua những gian nan, thử thách và thoát khỏi tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Hiệp định Sơ bộ Việt-Pháp (6-3-1946), Tạm ước Việt- Pháp (14-9-1946). Và để “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, Hồ Chí Minh - con người của những quyết sách sáng tạo, trong những thời khắc của lịch sử đã kịp thời ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), lãnh đạo nhân dân Việt Nam vững vàng bước vào cuộc trường chinh chống thực dân Pháp xâm lược.
Gần 3 tháng sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam mới, ngày 1-12-1945, Hồ Chí Minh đã cùng Võ Nguyên Giáp và Hoàng Minh Giám chính thức gặp gỡ và trao đổi với Giăng Xanh-tơ-ny, Pi-nhông về các vấn đề liên quan đến hai quốc gia Việt - Pháp. Đây có thể được coi là cuộc họp đầu tiên giữa đại diện của nhà nước Việt Nam DCCH với đại diện của Chính phủ Pháp. Tuy nhiên, đến cuối tháng 2-1946, trong cuộc tiếp xúc Việt-Pháp, hai bên vẫn chưa đi đến được thoả thuận. Các vấn đề tồn tại như: chủ quyền, quyền ngoại giao của Việt Nam, vấn đề Nam bộ, số lượng và thời gian quân Pháp ở miền Bắc… dường như vẫn là những trở ngại khó vượt. Nhà sử học Pháp Phi-lip Đờ-vin-lơ cho rằng, đó thực sự là “những cuộc mặc cả gay go”, bởi phía Pháp vẫn muốn coi Việt Nam là một nước tự trị trong Liên hiệp Pháp, song lập trường của Việt Nam trong quan hệ với Pháp là độc lập và hợp tác.
Ngày 28-2-1946, Hiệp ước Hoa-Pháp được ký kết tại Trùng Khánh. Thực dân Pháp và chính quyền Tưởng đã mặc cả, mua bán với nhau về quyền lợi của Việt Nam, chà đạp thô bạo chủ quyền độc lập của Việt Nam. Tình thế mới và những rối ren, bất thường sau Hiệp ước Hoa-Pháp đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta khi thực hiện đàm phán với thực dân Pháp, phải lựa chọn và quyết định nhanh chóng.
Trên cơ sở phân tích một cách khách quan những điều kiện trong nước và quốc tế, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã chủ trương đàm phán với Pháp, song "không những không ngừng một phút công việc sửa soạn, sẵn sàng kháng chiến bất cứ lúc nào và ở đâu, mà còn hết sức xúc tiến việc sửa soạn ấy, và nhất định không để cho việc đàm phán với Pháp làm nhụt tinh thần quyết chiến của dân tộc ta"(1). Quyết định đàm phán với Pháp trên nguyên tắc Việt Nam độc lập, phiên họp bất thường của Chính phủ ngày 4-3-1946 đã cử Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam phụ trách việc đàm phán với đại diện của Chính phủ Pháp. Trong các phiên họp áp chót, mấy vấn đề lớn đã đi đến được thoả thuận, nhưng trong phiên chót, quá nửa đêm ngày 5-3-1946, vấn đề thể chế chính trị của Việt Nam vẫn còn là chiếc nút chưa thể gỡ.
Trong khi đó, ngoài khơi, quân Pháp đang vào cảng Hải Phòng, tướng Trung Quốc Hoàng Khắc Thành đang thúc giục…Cái nút chưa gỡ được làm Xanh-tơ-ny ra về trong lo lắng. Cuối cùng, Hồ Chí Minh đã “dĩ bất biến, ứng vạn biến” để tìm ra được cách giải quyết. Công thức “quốc gia tự do” trong Liên bang Đông Dương và Liên hiệp Pháp do Hồ Chí Minh chọn trong một thời khắc nhạy cảm, nói về chủ quyền của Việt Nam đã được thông báo cho Xanh-tơ-ny vào tảng sáng 6-3-1946. Ngay khi đó, phía Pháp đã chấp nhận công thức này.
Nội dung của Hiệp định có liên quan đến chủ quyền, quyền lợi của quốc gia, nên Hội đồng Chính phủ (họp phiên đặc biệt sáng 6-3-1946) do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đã xem xét, nhất trí ra nghị quyết, đồng thời uỷ quyền cho Phó chủ tịch Kháng chiến Vũ Hồng Khanh thay mặt Chính phủ cùng Hồ Chí Minh ký hiệp định trên với Chính phủ Pháp.
Chiều ngày 6-3-1946, Hồ Chí Minh và Vũ Hồng Khanh đã ký với Giăng Xanh-tơ-ni, đại diện của Chính phủ Pháp Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 tại 36 Lý Thái Tổ, Hà Nội, trước sự chứng kiến của đại diện Trung Quốc, Mỹ, Anh và Lu-i Ca-puýt (đại diện Đảng Xã hội Pháp SFIO). Bản phụ khoản của hiệp định cũng đã được Võ Nguyên Giáp ký với Giăng Xanh-tơ-ni và Ra-un Xa-lăng với nội dung cơ bản như: Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam DCCH là một quốc gia tự do, có chính phủ, có nghị viện, quân đội, tài chính của mình và là một quốc gia độc lập trong Liên bang Đông dương và Liên hiệp Pháp... cùng các thoả thuận khác như: Việt Nam thuận cho 15 nghìn quân Pháp vào miền Bắc Việt Nam thay thế quân đội Tưởng làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật. Số quân đó sẽ phải rút hết trong 5 năm và mỗi năm sẽ rút 1/5…
Hiệp định được ký ngày 6-3-1946, nhưng bản Phụ khoản của Hiệp định đến ngày 12-3-1946 mới được chuyển về Pháp. Vụ Á-Úc của Bộ Ngoại giao Pháp cho rằng: nội dung của bản Phụ khoản có nhiều điểm không có lợi cho Pháp. Vì vậy, cần phải có những biện pháp để quân đội Pháp không bị gạt ra khỏi miền Bắc Việt Nam trong vòng 5 năm, mà trước hết là không hạn chế ở con số 15 nghìn quân. Ngày 18-3-1946, từ Pa-ri, Mu-tê đã điện cho Đác Giăng-li-ơ và nhấn mạnh: “Về phần tôi, tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn các hiệp định của ông và sẽ bảo vệ trước Quốc hội tất cả cái gì ông đã làm mà tôi cũng hoàn toàn liên đới…”. Sự chỉ đạo của Pa-ri đã bật đèn xanh để thực dân Pháp cố tình phá hoại Hiệp định và gây chiến sau đó.
Mặc dầu Hiệp định đã được ký kết, mặc dầu buộc phải thừa nhận tư cách pháp lý của nhà nước Việt Nam DCCH, nhưng trên thực tế, thực dân Pháp vẫn âm mưu tách Nam kỳ ra khỏi Việt Nam và bật đèn xanh cho các hành động quân sự nhằm tái chiếm Đông Dương. Để tránh những xung đột quân sự và bất lợi, để tranh thủ thời gian hoà hoãn, đồng thời thực hiện đấu tranh ngoại giao, đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam DCCH đã sang Pháp và tiến hành hoà đàm ở Phông-ten-nơ-blô từ ngày 6-7-1946. Cùng thời gian đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng sang thăm nước Pháp với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp. Hoà đàm Phông-ten-nơ-blô không tiến triển được, phải tạm hoãn từ ngày 1-8-1946 do thái độ hết sức ngoan cố, ích kỷ của thực dân Pháp. Thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp gặp gỡ các nhân vật trọng yếu của Chính phủ Pháp để thoả thuận cho việc nối lại đàm phán. Trong khi đó, ở trong nước, phía Pháp thường xuyên vi phạm những điều khoản của Hiệp định sơ bộ.
Hội nghị Phông-ten-nơ-blô đã tan vỡ, do Pháp không thật thà đàm phán, không thiện chí trước nguyện vọng chính đáng: “Một là vấn đề Chính phủ Pháp thừa nhận nền độc lập của nước Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp. Hai là vấn đề tổ chức trưng cầu dân ý”(2) của toàn thể nhân dân Việt Nam. Ngày 15-8-1946, đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam DCCH đã rời Pa-ri về nước. Những bất trắc có thể xẩy ra và nguy cơ một cuộc chiến tranh lan rộng đã đến rất gần. Trước tình hình căng thẳng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định lưu lại Pháp ít ngày. Ngày 15-8-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố với báo Franc-Tireur: “Tôi đến đây để xây dựng hoà bình. Tôi không muốn về nước với hai bàn tay không. Tôi muốn đem về cho nhân dân Việt Nam những kết quả cụ thể, sự hợp tác mà chúng ta đều mong muốn…” (3) và dường như một “quyết sách đúng đắn đến thường tình, được bật ra trong một phản ứng tự nhiên như từ trực giác cách mạng”- “thường có ở Hồ Chí Minh” đã đưa Người đi đến quyết định: Ký với Mu-tê một thoả hiệp tạm thời vào ngày 14-9-1946 (gồm 11 điều khoản).
Tạm ước Việt Pháp chưa làm cho Hồ Chí Minh và toàn thể nhân dân Việt Nam thoả mãn, bởi rằng Tạm ước mới chỉ nêu những thoả thuận về nguyên tắc mà các tiểu ban hỗn hợp sẽ cụ thể hóa cách thực hiện bằng một hiệp định đầy đủ và dứt khoát sau đó. Tuy vậy, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, đó thực sự là sự lựa chọn đúng đắn. Quyết sách tài tình này đã tạo điều kiện cho nhân dân ta có thêm thời gian hoà bình để chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc kháng chiến mà theo nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng thì tất yếu sẽ xảy ra.
Linh hoạt trong ứng biến, mềm dẻo trong từng cách xử thế, càng nguy hiểm khó khăn, Hồ Chí Minh càng bình tĩnh và sáng suốt. Con đường để đi đến “độc lập cho Tổ quốc", "tự do cho đồng bào” dù có thể khúc khuỷu, quanh co, nhưng với Hồ Chí Minh - đó là mục tiêu nhất quán – là “dĩ bất biến”. Vì vậy, dù không thể trong một lúc mà có được tất cả, thì việc quyết định giải pháp ký Hiệp định sơ bộ Việt Pháp và Tạm ước Việt Pháp cách đây 64 năm (1946 -2010) đã thực sự là một quyết định chính xác, kịp thời, sáng tạo và đầy linh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khi tình hình “đã căng như dây đàn”.
Nguy cơ chiến tranh đến gần, ngày 5-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Chỉ thị Công việc khẩn cấp bây giờ, nêu rõ nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân là kháng chiến và kiến quốc. Cả hai việc đều cần phải có nhiều người: người về quân sự, kinh tế, giao thông… Theo Người, lực lượng đó là đảng viên, thanh niên, là những phần tử hăng hái trong nhân dân, và nếu khéo vận động, khéo huấn luyện, đào tạo, biết đặt đúng việc, thì rất có ích cho đất nước. Cũng theo lời Người, chúng ta phải làm cho dân hiểu cuộc kháng chiến sẽ trường kỳ, rất gay go, cực khổ, nhưng lực lượng địch chỉ có hạn, lại ở xa, cho nên mọi người phải hăng hái tham gia du kích và tăng gia sản xuất khắp nơi; phải có tín tâm và quyết tâm, thì nhất định đi đến thắng lợi hoàn toàn. Đó chính là những quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện.
Tình hình ngày càng xấu đi nghiêm trọng, trong khi Việt Nam đã nhân nhượng để cứu vãn hoà bình, thì thực dân Pháp lại càng lấn tới. Trong điều kiện thực tế đó, ngày 18 và 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ tọa Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng tại làng Vạn Phúc, Hà Đông. Tại Hội nghị, sau khi phân tích sâu sắc tình hình của ta, âm mưu của địch, Hội nghị đã quyết định tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên phạm vi cả nước, với đường lối kháng chiến: toàn dân, toàn diện, trường kỳ. Sau khi Hội nghị thông qua Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo và sáng sớm ngày 19-12-1946, khi quân Pháp gửi tối hậu thư lần thứ 3 (hạn trong 24 giờ đồng hồ, tự vệ Hà Nội phải hạ vũ khí, đình chỉ ngay những hành động chuẩn bị kháng chiến), thì 20 giờ 3 phút ngày 19-12-1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ theo lời kêu gọi của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trong lời hịch vang đội núi sông đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi cả dân tộc quyết tâm kháng chiến: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!…Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”(4).
Đó là một quyết định lịch sử, chính xác, kịp thời của Đảng, Ban thường trực Quốc hội , Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh trước vận mệnh của nước nhà. Đó cũng là ý chí, là quyết tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng (đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh) trước dã tâm xâm lược của kẻ thù. Với 3 quyết định dứt khoát, kịp thời, có ý nghĩa vô cùng to lớn trong những thời khắc lịch sử của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam DCCH, nhân dân Việt Nam đã bình tĩnh tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân chống thực dân Pháp xâm lược.
Dù phải cầm súng và phải gian lao kháng chiến, dù phải đợi 9 năm sau đó, với chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử (1954), cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam theo lời hịch của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới giành được thắng lợi, song với nghệ thuật “giành thắng lợi từng phần”, với những quyết định kịp thời, quyết đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị thế và thiện chí hoà bình của nhà nước Việt Nam DCCH đã được nâng cao trên trường quốc tế. Mặc dù không muốn chiến tranh, song, không cam tâm làm nô lệ và quyết tâm “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, thế trận chiến tranh nhân dân chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam đã được triển khai trên cả nước.
---------------
(1). Đảng CSVN, Văn kiện Đảng toàn tập, NXBCTQG, H,2001, t.8, tr.46. (2). Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Văn kiện Quốc hội Toàn tập, NXB CTQG, H,2006, t.1, tr.85. (3). Bộ ngoại giao, Chân dung năm cố bộ trưởng ngoại giao, NXBCTQG, H,2005, tr.56. (4). Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXBCTQG, H,2000, t.4, tr.480.
Trần Thanh Mai
Nguồn: Tạp chí Tuyên Giáo