Nâng cao đạo đức người thầy theo Tư tưởng Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy vĩ đại trong sự nghiệp giáo dục của dân tộc ta. Sinh thời, Người luôn dành nhiều tình cảm và sự quan tâm ân cần đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác giáo dục. Tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” của ngành giáo dục phổ thông và sư phạm (tháng 8-1963), Người căn dặn: "Nhiệm vụ của các cô giáo, thầy giáo rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Muốn làm tròn nhiệm vụ đó thì phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, không ngừng bồi dưỡng đạo đức cách mạng, lập trường chính trị, phải ra sức đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”[1].
Với truyền thống văn hoá Việt Nam, người thầy là người đạo cao, đức trọng, là người rất có uy tín và luôn được xã hội tôn trọng. Khi nói về vai trò của người thầy, Hồ Chí Minh khẳng định: “Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân thì làm sao mà xây dựng CNXH được. Vì vậy, nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”[2] và  “Về giáo dục, chế độ khác thì giáo dục cũng phải khác… Bây giờ nhiệm vụ giáo dục khác trước. Các cô chú có nhiệm vụ rất quan trọng: bồi dưỡng thế hệ công dân, cán bộ sau này. Làm tốt thì thế hệ sau này có ảnh hưởng tốt, làm không tốt sẽ ảnh hưởng không tốt tới thế hệ sau. Mục đích giáo dục bây giờ là phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, đào tạo lớp người, lớp cán bộ mới”[3]. Trong thư gửi Hội nghị giáo dục toàn quốc tháng 3-1955 Người nhấn mạnh: “Trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của người thầy là: chăm lo dậy dỗ con em nhân dân thành người công dân tốt, người cán bộ tốt của Nhà nước”[4]. Nhiệm vụ của thầy giáo rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang. Bởi lẽ, thầy giáo là những người ươm mầm cho tương lai, là những kỹ sư tâm hồn kiến thiết nên những “công trình” hữu ích cho Tổ quốc, cho nước nhà - đó là những công dân tốt, những con người mới, con người XHCN. Tháng 10-1964 khi về thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Người căn dặn: “Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên phải thật thà, yêu nghề mình. Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng CNXH và Chủ nghĩa cộng sản?... Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”[5].
Hồ Chí Minh từng khẳng định vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục là phải xây dựng được một đội ngũ đông đảo những người làm công tác giáo dục yêu nghề, yêu trường, hết lòng thương yêu chăm sóc, giáo dục học sinh, không ngừng trau dồi đạo đức, tự bồi dưỡng nâng cao tay nghề để thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Theo Hồ Chí Minh, bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật, người thầy phải luôn luôn gương mẫu, phải “không ngừng bồi dưỡng đạo đức cách mạng”. Người căn dặn: “Dạy cũng như học, phải biết chú trọng cả đức lẫn tài. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc rất quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”[6]. Bác nhấn mạnh, đức là cái gốc của người cách mạng, “cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[7]. Người thầy giáo là người cán bộ cách mạng, có nhiệm vụ đào tạo những cán bộ cách mạng cho tương lai đất nước sau này nên “Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta phải góp phần vào công cuộc xây dựng CNXH. Phải có chí khí cao thượng, phải “tiên ưu hậu lạc” nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ...”[8]. Theo Bác, đạo đức cách mạng là “đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”[9] và  đạo đức của người cán bộ cách mạng là “hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”; là “trí - tín - nhân - dũng - liêm”; là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đó là những chuẩn mực, những phẩm chất cơ bản không thể thiếu được ở người cách mạng. Và như vậy, người thầy giáo - người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hoá-giáo dục chẳng những phải rèn luyện cho mình có đầy đủ những phẩm chất, chuẩn mực đó mà còn phải thực hành nó mọi lúc, mọi nơi như Bác từng căn dặn: “Anh chị em giáo viên và mẫu giáo cần luôn luôn gương mẫu về đạo đức để các cháu noi theo”[10]
Dưới ánh sáng Tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề đạo đức người thầy ngày nay có thể tựu trung lại là: không chỉ giỏi về chuyên môn, người thầy phải có cái tâm cao thượng, cái đức trong sáng, có tấm lòng nhân hậu, vị tha, lương thiện và ngay thẳng, luôn yêu nghề, yêu trò, hết lòng vì sự nghiệp trồng người; luôn bằng tình cảm, tình thương và trách nhiệm mà đối với học trò; có thái độ tôn trọng, khách quan, công tâm, công bằng; tránh thiên vị với  học trò. Ngoài ra trong mọi mặt của đời sống người thầy phải luôn luôn giữ đúng tư cách và phẩm chất người thầy trong đời thường cũng như khi lên lớp, phải luôn là tấm gương sáng về mọi mặt.
Thấm nhuần quan điểm của Bác về vai trò và đạo đức của người thầy trong sự nghiệp giáo dục, những năm qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm xây dựng được đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ngày càng đông đảo, có chất lượng tốt. Đại đa số nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đều tâm huyết với nghề, làm việc tận tuỵ với tinh thần trách nhiệm cao; có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, lối sống trong sạch, lành mạnh. Mặc dù đời sống còn không ít khó khăn, vất vả, thiếu thốn, song nhìn chung đội ngũ giáo viên vẫn ngày đêm miệt mài trên bục giảng, bám lớp, bám trường, sẵn sàng hy sinh quyền lợi bản thân để cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp trồng người của đất nước. Đã có rất nhiều giáo viên chấp nhận khó khăn vất vả, xa gia đình, bạn bè và người thân lên miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo dạy học. Không ít người thầy không màng công danh, vật chất, sống đạm bạc song suốt đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Nhờ những tấm gương sáng đó mà sự nghiệp giáo dục của nước nhà ngày càng có những bước tiến đáng mừng. Chúng ta không chỉ hoàn thành kế hoạch xoá mù chữ mà còn phổ cập được tiểu học, đang phấn đấu phổ cập trung học cơ sở và ngày càng có nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam được vinh danh trong các kỳ thi quốc tế. Thành tích đó là công lao to lớn của những người làm công tác giáo dục mà trước hết là những người thầy. Tuy nhiên, trong khi đa số giáo viên giữ vững và phát huy được phẩm chất cao đẹp của người thầy thì rất tiếc một bộ phận giáo viên không giữ được cốt cách, suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống, có những hành động trái với lương tâm và chuẩn mực người thầy. Gần đây, dư luận xã hội đang hết sức bức xúc và bất bình trước tình trạng dạy thêm, chạy trường, chạy lớp, những hành động thiếu gương mẫu, thậm chí còn thô bạo đối với học sinh của một số giáo viên… Thực trạng đó đòi hỏi các cấp quản lý giáo dục, các nhà trường cần phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đội ngũ giáo viên; tiếp tục triển khai và đẩy mạnh cuộc vận động “Hai không” với 4 nội dung: nói không với tiêu cực trong thi cử, nói không với bệnh thành tích trong giáo dục, nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo, nói không với việc ngồi nhầm lớp. Trong thời gian tới, để thực hiện tốt nội dung “Nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo”, các cơ sở giáo dục và các giáo viên cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:
1. Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW, ngày 15-6-2004 của Ban Bí thư và Quyết định 09/2005/QĐ-TTg, ngày 11-1-2005 của Thủ tướng Chính phủ về “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2005 – 2010 ở các đơn vị, nhà trường”. Đặc biệt, thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Chỉ thị 06-CT/TW, ngày 7-11-2006 của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Chỉ thị 2516/CT-BGDĐT, ngày 18-5-2007 về thực hiện Cuộc vận động này trong ngành giáo dục.
2. Cần xây dựng và ban hành quy định chuẩn hoá về đạo đức người giáo viên. Xây dựng đội ngũ giáo viên theo hướng chuẩn hoá, đủ về số lượng có chất lượng cao, nhất là về tinh thần trách nhiệm, đạo đức và lương tâm nghề nghiệp cũng như trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực và phong cách sư phạm. Đồng thời coi trọng công tác tuyển sinh ở các trường sư phạm, công tác tuyển chọn giáo viên ở các trường. Có chính sách, chế độ ưu đãi hợp lý để giáo viên ổn định đời sống, yên tâm công tác.
3. Kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và học sinh để đấu tranh với những biểu hiện vi phạm đạo đức của người giáo viên với nhiều hình thức như: Tổ chức các hòm thư góp ý công cộng, phát phiếu điều tra lấy ý kiến học sinh, tổ chức sinh hoạt đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường với học sinh để nghe ý kiến phản hồi về giáo viên, tổ chức hội nghị giáo viên sơ, tổng kết rút kinh nghiệm về việc thực hiện các quy định của ngành và nội quy của nhà trường. Qua đó kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể và cá nhân tốt, có thành tích xuất sắc. Đồng thời, xử lý nghiêm minh những giáo viên vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống, để làm trong sạch đội ngũ giáo viên.
4. Những người giáo viên, những người làm công tác giáo dục phải luôn có ý thức rèn luyện mình, tự tu dưỡng, trau dồi đạo đức cách mạng. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh loại bỏ những hiện tượng tiêu cực trong cơ quan, đơn vị mình. Tự mình phấn đấu trở thành giáo viên tốt, là tấm gương mẫu mực trước học sinh.
Chỉ có như vậy đội ngũ giáo viên mới "luôn luôn gương mẫu về đạo đức để các cháu noi theo" như Bác Hồ hằng mong muốn.
---------------------------

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, T11, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2000, tr.616.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, T11, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2000, tr.331.
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, T8, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1996, tr.183.
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, T7, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1996, tr.501.
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, T11, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2000, tr.331.
[6] Hồ Chí Minh toàn tập, T11, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2000, tr.339.
[7] Hồ Chí Minh toàn tập, T5, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1996, tr.252.
[8] Hồ Chí Minh toàn tập, T11, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2000, tr.332.
[9] Hồ Chí Minh toàn tập, T5, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1996, tr.252.
[10] Hồ Chí Minh toàn tập, T9, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1996, tr.509.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất